Bí kíp giành điểm học tập xuất sắc trong trường đại học tại Mỹ

25/06/2021 06:19
Phương Thảo (Theo College of Distinction)
GDVN- Các bạn du học sinh hãy tham khảo “chiến lược” đơn giản dưới đây để tạo dựng cho mình thói quen và thời gian biểu học tập hiệu quả nhất.

GPA (Grade Point Average) là điểm trung bình tích lũy của học sinh/sinh viên trong suốt quá trình học tập của một học kỳ, một năm học hoặc một khóa học.

Vậy làm thế nào để bạn đạt được mức điểm trung bình hoàn hảo là 4.0 (điểm xuất sắc)?

Daniel Ginchereau chia sẻ kinh nghiệm đạt điểm 4.0 GPA tại trường đại học ở Hoa Kỳ. (Ảnh: collegesofdistinction.com)

Daniel Ginchereau chia sẻ kinh nghiệm đạt điểm 4.0 GPA tại trường đại học ở Hoa Kỳ. (Ảnh: collegesofdistinction.com)

Bước 1. Suy nghĩ thực tế

Hãy chấp nhận rằng việc đạt được điểm trung bình 4.0 trong sự nghiệp đại học là cực kỳ khó khăn và sẽ không thực sự ảnh hưởng nhiều đến khả năng được chấp nhận vào chương trình sau đại học hoặc tiến sĩ của bạn.

Chắc chắn rằng, con số 4.0 sẽ khiến bạn trở nên nổi bật; tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng đó không phải yếu tố nhất thiết giúp bạn đạt được công việc mơ ước của mình, khiến cha mẹ bạn tự hào, hay thậm chí để được coi là một sinh viên thành công trong trường đại học.

Có lẽ đây là bước khó nhất, vì để thuyết phục bản thân về điều này là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Nhưng một khi đã làm được điều đó, bạn sẽ nhìn nhận mọi chuyện một cách cởi mở và bớt căng thẳng hơn.

Bước 2. Hãy bắt đầu chăm chỉ học ngay lập tức!

Việc tiếp theo bạn cần làm đó là chăm chỉ học để đạt được 4.0 ngay trong kỳ học đầu tiên của mình. Điều này sẽ tạo động lực rất lớn, cũng như trở thành bước đệm cho những học kỳ sau. Bởi càng học lên cao thì việc duy trì điểm số sẽ càng khó.

Hầu hết các trường đại học đều hiểu được rằng các tân sinh viên sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề trong kỳ học đầu tiên tại giảng đường của mình, nên thường sẽ cố gắng giúp sinh viên của họ có khởi đầu về học tập dễ dàng. Hãy tận dụng điều này và học hành chăm chỉ để đạt được càng nhiều điểm A càng tốt!

Bước 3. Hãy học tập có chiến lược!

Trái ngược với thời trung học, bạn thực sự sẽ có khả năng chủ động kiểm soát lịch trình của mình ở trường đại học.

Sẽ thực sự rất hữu ích khi bạn sắp xếp các khóa học khó nhất xen kẽ với các khóa học đơn giản hơn - bớt nặng nề hơn, để có thể dành nhiều thời gian hơn tập trung vào các môn học khó.

Thêm vào đó, mặc dù bạn có thể không biết chính xác mức độ “khó tính” của một giảng viên nào đó hay mức độ thử thách mà bạn sẽ gặp phải trong quá trình “thẩm thấu” nội dung bài học, nhưng bạn phải biết thế mạnh của mình.

Ví dụ, bạn đăng kí hai lớp lịch sử, một lớp lịch sử nghệ thuật, một lớp thể dục, một lớp giáo dục nhân văn và một lớp toán học trong kì học đầu tiên.

Trong đó, bạn rất mạnh về môn nhân văn, môn thể dục sẽ chấm điểm theo cách đạt/trượt, và bạn học rất kém môn toán.

Như vậy là bạn đã có thể dành nhiều thời gian hơn cho môn toán - môn mà bạn học kém hơn, cho đến khi bạn có thể thực sự thành thạo.

Như vậy thì không cần phải nói, khả năng bạn đạt được điểm A môn toán và các môn còn lại là điều có thể đạt được. Thế thì điểm 4.0 GPA đã ở trong tầm tay bạn.

Bước 4. Hãy tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết

Nếu bạn cảm thấy việc học một môn nào đó quá khó khăn, đừng ngại tìm cho mình một giảng viên hướng dẫn/ một gia sư/ một người bạn giúp đỡ mình với môn học đó.

Không có gì phải xấu hổ khi bạn nhận sự trợ giúp từ một người có kinh nghiệm và nắm vững nội dung môn học cả.

Thậm chí ngay cả khi bạn không gặp khó khăn với nội dung môn học, thông thường, các giảng viên hướng dẫn cũng sẽ biết phải làm gì và có thể trao đổi với giảng viên/ giáo sư dạy môn học đó và giúp đỡ bạn với những kiến thức cần thiết của khóa học.

Có rất nhiều giảng viên/ giáo sư môn học cũng thích thú với việc sinh viên có thể tìm tòi và viết thêm những kiến thức/ thông tin bổ sung trong bài tập hay trong lớp học.

Bước 5. Tư duy chiến lược (một lần nữa)

Hầu hết các giảng viên/ giáo sư môn học sẽ chỉ định/ quy định về tỷ lệ phần trăm cho các bài tập. Một khóa học điển hình có thể có các nhiệm vụ sau:

  • Tham gia: 20%
  • Bài viết thảo luận: 10%
  • Bài kiểm tra 1: 10%
  • Bài kiểm tra 2: 10%
  • Bài kiểm tra giữa kì: 25%
  • Bài kiểm tra cuối kì: 25%

Lưu ý rằng một số nhiệm vụ nhất định có giá trị hơn những nhiệm vụ khác. Điều này cần được thực hiện có chủ đích để cho thấy tầm quan trọng của việc đánh giá. Thông thường, sự tham gia là sự kết hợp của sự tham dự, nghi thức lớp học và sự tham gia thực tế.

“Sự tham gia” thường được đo lường bằng tần suất bạn đến lớp học, vì vậy, nếu bạn chỉ cần xuất hiện và tham gia vào lớp, hãy chăm chỉ! Thế là bạn có được 20% điểm.

Bài viết thảo luận thường là bài viết mỗi tuần một lần, bao gồm vài trăm từ về một chủ đề được thảo luận trong lớp.

Mặc dù cảm giác 10% có vẻ ít ỏi, nhưng nó có thể là một bước đệm tuyệt vời có thể giúp bạn đạt điểm cuối cùng, vì mỗi một bài thảo luận đều là một bài ôn lại hoặc giúp bạn dành thời gian nghiên cứu về kiến thức trên lớp.

Tuy nhiên, nếu bạn bỏ lỡ một hoặc hai bài viết cũng không sao, vì đó phần trăm điểm cũng không đáng kể.

Các bài kiểm tra cần được làm cẩn thận và kiểm tra kỹ càng để có được điểm tối đa. Cuối cùng là hai bài kiểm tra đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ, và dù ở dạng nào, đều cực kỳ quan trọng và là điều bạn nên chú trọng, vì chúng thường có thể chiếm đến 50% điểm của bạn.

Bạn phải để ý đến điều này và dành một khoảng thời gian nghiêm túc để chuẩn bị cho chúng.

Nhìn chung, tỷ lệ phần trăm cho biết giá trị của một nhiệm vụ và mức độ bạn cần phải dành thời gian cho nó.

Nếu bạn biết rằng bạn có nhiều khả năng sẽ không thể đạt điểm tuyệt đối/ điểm đạt A trong các bài kiểm tra và bài báo của mình, hãy kiếm điểm cao từ các bài đăng tham gia và thảo luận.

Điều này thực sự có thể giúp bạn nâng điểm trung bình của cả môn lên và đạt điểm A cuối kì dễ dàng hơn.

Bước 6. Trau dồi kỹ năng của bạn

Mặc dù bạn có thể dành nhiều thời gian để làm những bài tập/ bài kiểm tra cho môn học, nhưng bạn có thể cắt giảm kha khá khó khăn và thời gian cho những việc đó bằng cách cải thiện kỹ năng cho chính mình.

Tăng cường kỹ năng viết, tư duy phản biện, đọc và phân tích có thể cải thiện điểm đáng kể cho bài tập của bạn, bạn sẽ không mất thời gian viết “dông dài” hay “phát điên” vì phải tìm tài liệu tham khảo nữa, bạn có thể viết ngắn gọn nhưng mạch lạc và đủ những ý cần thiết.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dành thời gian để đọc lại văn bản, sửa bài mà không cần lo lắng về việc bài của mình không hoàn hảo. Với sự gia tăng về các kỹ năng này, bạn sẽ nhận thấy sự tự tin của mình cũng tăng lên đáng kể.

Điều này có thể đạt được rất đơn giản bằng các cách như: đọc sách trong thời gian rảnh, chơi các trò chơi thách thức trí não hoặc tích cực tham gia vào khác khóa đào tạo (ngắn hạn chỉ 1 - 2 buổi) liên quan đến môn học.

Nói tóm lại, việc đạt được 4.0 GPA là một kỳ tích to lớn mà bạn cần phải bỏ nhiều công sức ra nếu muốn đạt được, thế nhưng nó không phải là mục tiêu cuối cùng của việc học đại học.

Đương nhiên, cũng rất tuyệt nếu có khả năng tiếp thu tất cả những kiến thức và kinh nghiệm hay ho, nhưng mấu chốt của quá trình học đại học thành công cũng có thể là không phải học lại môn nào và tốt nghiệp đúng hạn.

Đừng tự áp lực bản thân về điểm GPA, nhưng hãy thực sự cố gắng học hành nghiêm chỉnh. Kể cả khi bạn không có điểm trung bình “hoàn hảo”, bạn vẫn hãy cứ ghi dấu ấn của riêng mình tại trường đại học với số điểm cao (dù thấp hơn 4.0) và các hoạt động khác để có một bản sơ yếu lý lịch cực kỳ ấn tượng giúp bạn dễ dàng đạt được kỳ vọng về học tập bậc cao hơn hay công việc như ý muốn.

Phương Thảo (Theo College of Distinction)