Sau buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo vào ngày 6/5 vừa qua, vấn đề “Học thật, thi thật, nhân tài thật” trở thành mục tiêu mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra cho ngành.
Những ngày qua, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được các chuyên gia giáo dục bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ cao. Bởi chỉ khi nào việc học đi vào thực chất, ngành Giáo dục và xã hội nói không với “bệnh thành tích”, học thi bằng chính thực lực thì mới có thể cung ứng được nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Xuân Hãn, giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia có nhiều đóng góp tâm huyết cho ngành giáo dục. (Ảnh NVCC) |
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Xuân Hãn, giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, là một nhà giáo đã có nhiều đóng góp tâm huyết cho ngành giáo dục, phân tích: “Thủ tướng đặt ra mục tiêu 'Học thật, thi thật, nhân tài thật’ là điều vô cùng cần thiết, đặc biệt trong hoàn cảnh giáo dục hiện nay của nước ta hiện nay.
Đối với nền giáo dục của mỗi đất nước, chỉ cần thay đổi một chút là có thể thay đổi cả đất nước. Việc xác định được mục tiêu hướng đến các chữ ‘thật’ cho nền giáo dục được xem là định hướng đúng đắn khi sự phát triển của xã hội phải được chứng minh bằng thực lực và những giá trị thật”.
Giáo dục được xem là quốc sách hàng đầu của một quốc gia, nguồn gốc quyết định sự thành bại, phát triển của một đất nước bởi vì kết quả của giáo dục, đào tạo chính là con người.
Thực tế minh chứng rằng khi chúng ta xem xét, so sánh sự phát triển của các quốc gia trên thế giới. Phần lớn, các quốc gia phát triển đều có sự ưu tiên, đầu tư cho giáo dục. Ngược lại, các quốc gia kém phát triển thường có nền giáo dục lạc hậu, trì trệ hoặc phát triển chưa đồng bộ.
Để lấy ví dụ cho sự quan trọng của một nền giáo dục trong tiến trình phát triển của một đất nước, Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn dẫn câu nói của ông Nelson Mandela (Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Nam Phi): “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục đấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục đấy. Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đấy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục đấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”.
Kết quả của giáo dục, đào tạo chính là con người, mà nhân sự lại quyết định đến sự hưng thịnh của quốc gia, dân tộc.
Muốn thực hiện được mục tiêu lớn “Học thật, thi thật, nhân tài thật”, theo Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn cần phải thực hiện một cách đồng bộ, triệt để, có sự vào cuộc của cả xã hội.
Lấy ví dụ đơn cử như việc tuyển sinh đại học bằng hình thức xét tuyển học bạ vào đại học, trong giai đoạn hiện tại dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam thì đây là một giải pháp phù hợp, giảm áp lực cho học sinh, các gia đình và toàn xã hội.
Lưu ý vào những năm chiến tranh từ 1965 đến 1970 của thế kỷ trước ta giữ thi tốt nghiêp phổ thông, song bỏ thi đại học bằng việc xét học bạ với kết quả thi phổ thông. Sự khác biệt trong chiến tranh kẻ thù là hữu hình, còn hiên nay Covid-19, thông thường ta không nhìn tháy virus ngoại trừ những thiết bị y tế chuyên biệt.
Hiện nay ta đang chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông từ ngày 7-8/7/2021 tại trường các em học, tôi đề nghị nội dung thi cơ bản những kiến thức cốt lõi, giảm các môn chưa thực cần thiết, giữ lại môn thi Toán và Văn. Thời gian thi có thể giảm làm sao để thực chất nhẹ nhàng và nghiêm túc.
Thi cử ở nước ta được xem là phép nước! Bằng tốt nghiệp phổ thông mọi quốc gia đều có (các nước đều đòi hỏi bằng tốt nghiệp phổ thông khi đi nộp hồ sơ đi học ở nước ngoài). Tại những vùng có dịch không tổ chức thi được ta xét học bạ kết hợp với nhận xét của trường để cấp bằng tốt nghiệp cho các em.
Tuy nhiên, dư luận cũng băn khoăn rằng, liệu có chuyện chạy điểm “làm đẹp” học bạ để được trúng tuyển đúng nguyện vọng không, vì trong quá khứ cũng đã xảy ra tiêu cực sửa điểm trong học bạ.
Theo Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn: “Trong điều kiện hiện nay thì xét học bạ là khả dĩ vì dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam, nhưng cần tăng cường xem xét kiểm tra kỹ lưỡng vì trước đây đã có chuyện người ta cấy điểm, thậm chí thay cả học bạ. Tiêu cực này ta đã biết từ lâu, song với tinh thần học thật thi thật của Thủ tướng Phạm Minh Chính, quyết tâm của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thì sẽ làm được kỳ thi nghiêm túc".
Thầy cô, nhà trường phải là những người tiên phong dạy thật. Như thế thì học sinh mới tiếp thu được những kiến thức thật, có giá trị học thật. Triển khai tổ chức các kỳ thi phải nghiêm túc, chặt chẽ. Như vậy mới có những kỳ thi thật. Đào tạo đầu vào nghiêm ngặt thì đầu ra mới có những nhân tài thật.
Nền giáo dục Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng tồn tại không ít tiêu cực như sửa điểm, “làm tròn” điểm thi, “làm đẹp” học bạ… Chính vì vậy, để thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng cho toàn ngành giáo dục, Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn cho rằng: “Phải thực hiện chuẩn xác, chính xác từ những con số nhỏ nhất trong nhà trường ở các cấp phổ thông. Học bạ phải chính xác, phải ‘thật’ thì mới có thể dùng để xét tuyển có kết quả chất lượng.
Việc thực hiện mục tiêu ‘Học thật, thi thật, nhân tài thật’ có thể thực hiện được toàn diện nhưng phải được triển khai nghiêm túc, loại bỏ những chạy đua, tiêu cực trong thi cử, phải làm thật đúng. Có như vậy, chất lượng nhân tài mới thật, giá trị giáo dục thực lực mới được nâng cao”.