Đi tìm con đường riêng
Tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường (Trường Đại học Sài Gòn), bén duyên với lĩnh vực giáo dục, nhưng tình yêu và sự quan tâm về môi trường vẫn luôn hiện hữu bên trong, cô giáo trẻ Nguyễn Thanh Ngọc Thảo (sinh năm 1996, giáo viên Stem tại một trung tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh) đã lựa chọn “khiến bản thân luôn bận rộn”.
Ngoài thời gian lên lớp giảng dạy và soạn giáo án, cô dành trọn vẹn cho hành trình tái chế vải vụn, biến hóa ra những sản phẩm hữu ích.
Cô giáo Nguyễn Thanh Ngọc Thảo và sản phẩm tái chế từ vải vụn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Nhắc đến cơ duyên với dự án tái chế vải vụn, Ngọc Thảo chia sẻ, trước đây, cô từng nghĩ học xong sẽ chỉ chuyên tâm làm việc đúng ngành mà mình đã theo học.
Tuy nhiên, sau những lần học môn tái chế và tái sử dụng, cô đã đặc biệt quan tâm đến việc vải thừa cũng sẽ trở thành rác và gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường.
“Trong một chuyến về Cần Thơ chơi với dì, tôi bắt gặp từng bao lớn vải vụn được đem ra bãi rác tập kết mỗi ngày. Khi nhìn những tấm vải màu sắc đẹp, tôi bất chợt nghĩ đến việc xin chúng về để tăng thêm vòng đời trong một diện mạo mới”, ý tưởng đầu tiên đã được hình thành trong suy nghĩ của cô như vậy.
Nhiều bạn trẻ tìm đến lớp học may vá miễn phí để học và lan tỏa thông điệp sống xanh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Song, có lẽ động lực lớn nhất để cô giáo trẻ “bắt tay” vào hiện thực hóa ý tưởng của mình chính là khi thấy trăn trở của người bạn mong muốn mang nước sạch đến với người dân vùng cao: “Trong lần trò chuyện cùng một người bạn thân - người đang làm cho một dự án thiện nguyện mang nước sạch đến người dân vùng cao, biết được nỗi trăn trở khi kinh phí hoạt động vẫn chưa thể đáp ứng, tôi đã nảy ra ý tưởng bán các sản phẩm tái chế để trích một phần gây quỹ dự án thiện nguyện”.
Bắt đầu những bước đi chập chững, Ngọc Thảo tận dụng những mảnh vải vụn tại tiệm may nhà dì và thử sức “hô biến” chúng thành những chiếc cột tóc, túi đựng bình nước.
Chiếc túi đựng bình nước từ vải vụn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Lúc đầu, cô chỉ đơn giản nghĩ rằng sẽ thử nghiệm xem sao, nhưng kết quả bất ngờ là đã tạo ra những sản phẩm không những tiện dụng mà lại rất dễ thương, bắt mắt. Dần dần, câu chuyện tỉ mỉ với từng đường kim mũi chỉ dường như đã trở thành thói quen mỗi ngày, Ngọc Thảo cho ra đời ngày càng nhiều sản phẩm.
Bất kể con đường nào khi mới bắt đầu cũng không tránh khỏi những khó khăn, Ngọc Thảo cũng vậy, giọng cô như trầm hẳn khi nhớ lại: “Trước đây, gia đình hoàn toàn không ủng hộ tôi, do ba mẹ thấy xót con vì công việc cũng khá vất vả, hy sinh toàn bộ thời gian cuối tuần, có khi phải làm việc hết công suất từ 8 giờ sáng đến 11 giờ đêm để thực hiện dự án”.
Nhưng sau cùng, bằng tình yêu và niềm đam mê, cô đã thuyết phục bố mẹ thành công, không những vậy, giờ đây ba mẹ luôn là điểm tựa, là người động viên và hỗ trợ cho các sản phẩm tái chế của cô.
Những ngày đầu hiện thực hóa ý tưởng, cô tái chế được 100 chiếc bao gồm cột tóc và băng đô nhưng trong vòng 5 tháng đầu, trong đó, chỉ bán được 20 chiếc. Nhớ lại hành trình loay hoay đi tìm sự công nhận cho sản phẩm, Ngọc Thảo không ngại giãi bày: “Tháng 8/2020, khi thấy đầu ra hạn chế và nhiều khi giới thiệu sản phẩm, bị mọi người từ chối, tôi cũng khá nản. Tôi thậm chí cũng đã chuẩn bị sẵn một bộ hồ sơ xin việc rồi. May mắn thay, có người đã liên hệ và nói có thể giúp tôi bán hàng. Tôi cảm thấy đó chính là một tia sáng cuối đường hầm”.
Bao lì xì độc đáo được hô biến từ vải vụn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Bắt đầu từ đó, những sản phẩm mà cô giáo Nguyễn Thanh Ngọc Thảo tự tay “hô biến” đã có được con đường kết nối đến những người yêu thích tái chế và sẵn sàng ủng hộ sản phẩm tái chế.
Các sản phẩm chủ yếu là cột tóc, băng đô và túi đựng bình nước, mỗi tháng, “cô chủ nhỏ” bán trung bình khoảng 200-300 chiếc, còn vào những ngày lễ như 8/3 hay 20/10, sẽ bán được nhiều hơn.
Mỗi sản phẩm có giá dao động từ 15.000-50.000 đồng. Theo cô, mức giá này phù hợp với mọi đối tượng, kể cả học sinh và sinh viên.
Mở lớp dạy miễn phí và gây quỹ ủng hộ
Mặc dù tận dụng được nguồn vải thải ra để tái chế từ tiệm may nhà dì, tuy nhiên, để có được những chiếc cột tóc, băng đô xinh xắn thì công đoạn phân loại vải cũng như xử lý vải phải rất cẩn thận.
“Vải sau khi thu gom về, nếu là những mảnh vải mỏng, tôi sẽ may thành cột tóc hoặc băng đô, còn loại vải dày hơn thì sẽ được tận dụng để may túi đựng bình nước, những loại vải tốt hơn sẽ may được túi tote”, cô chia sẻ.
Để có được một sản phẩm ưng ý, thoạt đầu, nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực chất lại là khoảng thời gian cần sự tập trung, kiên nhẫn và tỉ mỉ.
Chỉ cần một lỗi nhỏ hoặc thành phẩm không được như mong muốn, thì sẽ phải tháo ra và làm lại từ đầu.
Sau hơn một năm đi vào hoạt động, dự án mang Made by Zy của cô giáo trẻ đã lan tỏa được giá trị sống xanh đến với không ít người, đặc biệt là giới trẻ.
Dự án của cô giáo trẻ đặc biệt thu hút các học viên nhí. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Không chỉ dừng lại ở việc sáng tạo ra những sản phẩm tái chế từ vải vụn, Ngọc Thảo tiếp tục hành trình của mình, mở những lớp dạy về tái chế và đối tượng chính mà cô muốn hướng đến chính là các bạn trẻ và người dân lao động.
Cô đã từng đồng hành với một số tổ chức phi lợi nhuận về môi trường phối hợp tổ chức những buổi workshop để trao đổi về cách tái chế đồ cũ và các kỹ năng giúp môi trường phát triển bền vững.
Không dừng lại ở địa phương nơi mình đang sống là thành phố Hồ Chí Minh, cô còn mang những sản phẩm của dự án đến Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật (tháng 11/2020 tại Hà Nội) để giới thiệu đến cộng đồng.
Đều đặn vào mỗi buổi cuối tuần, các lớp học về tái chế đều được mở miễn phí tại các trung tâm dành cho trẻ em và người trẻ.
Cô giáo trẻ cho biết, học viên của mình ngoài những bạn nữ trẻ tuổi có sở thích giống như cô, còn có những em nhỏ được cha mẹ đưa đến.
Ngọc Thảo bật mí: “Tôi mở lớp học này còn nhằm mục đích mong muốn giúp mọi người tạm gác lại công nghệ, đặc biệt là các bạn nhỏ, để mọi người chú tâm hơn vào việc học tập, học hỏi lẫn nhau. Không chỉ giúp bảo vệ môi trường, lớp học này cũng sẽ tạo ra sự gắn bó thân thiết giữa mọi người”.
“Sắp tới, tôi sẽ mở lớp tại những quận tập trung nhiều người dân lao động nghèo sinh sống.
Vì họ ít quan tâm đến vấn đề môi trường, nên tôi hy vọng các lớp học miễn phí về tái chế sẽ được quan tâm để mình có thể góp được thêm sức mạnh vào việc lan tỏa ý nghĩa cuộc sống xanh.
Đồng thời, đây cũng sẽ là cơ hội để mọi người có thể kiếm thêm một phần thu nhập, tranh thủ những lúc được ngơi tay ở nhà”, đó là một phần trong dự định tiếp theo của cô giáo trẻ.
Trong thời gian vừa qua, có lẽ thành công nhất phải kể đến khi cô giáo Ngọc Thảo nhận về được những phản hồi tích cực cùng với những sản phẩm do chính người lao động tại quận Bình Tân tự tay làm ra.
Với số tiền ban đầu thu được từ các sản phẩm tái chế, cô giáo Nguyễn Thanh Ngọc Thảo đã dành một phần để đồng hành cùng dự án mang nước sạch đến vùng cao cùng người bạn thân.
Sau khi dự án khép lại, cô tiếp tục dành dụm và ủng hộ 100% số tiền bán sản phẩm cho Hội Chữ Thập đỏ và Quận đoàn quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.