Xét nghiệm Covid-19: Vai trò của các bộ kít xét nghiệm nhanh đến đâu?

05/07/2021 10:45
Thanh Thủy
GDVN- Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện 150.000 - 200.000 xét nghiệm mỗi ngày, trung bình 6.000-8.000 mẫu/ngày/quận, huyện, riêng để sàng lọc Covid-19.

Trong ngày 4/7, Việt Nam ghi nhận thêm 887 ca mắc mới. Trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có 599 ca, nâng tổng số ca mắc từ đầu đợt dịch đến nay là 6.034 ca, là địa phương có ca mắc cao nhất cả nước.

Đặc biệt từ mốc 5.000 ca lên 6.000 ca chỉ cách nhau 1 ngày.

Với nỗ lực khẩn trương, quyết liệt nhằm khống chế dịch bệnh sớm nhất, Thành phố Hồ Chí Minh đang tiến hành lấy mẫu, sàng lọc Covid-19 trên diện rộng.

Thành phố Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm, tầm soát Covid-19 cho hơn 89.200 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ảnh: P.L

Thành phố Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm, tầm soát Covid-19 cho hơn 89.200 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ảnh: P.L

Song song với việc triển khai xét nghiệm RT-PCR, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Trung tâm Y tế Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh trên địa bàn nhằm tăng cường khả năng phát hiện sớm người mắc Covid-19.

Theo dự kiến, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện 150.000 - 200.000 xét nghiệm mỗi ngày, trung bình 6.000-8.000 mẫu/ngày/quận, huyện, riêng Thành phố Thủ Đức từ 18.000 -24.000 mẫu/ngày. (1)

Trước thực tế diễn biến của dịch bệnh Covid-19 đòi hỏi phải có biện pháp xét nghiệm sàng lọc nhanh để có các giải pháp hữu hiệu nhằm khống chế dịch, việc sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh được xem là một giải pháp cần thiết.

Tuy nhiên, một vị chuyên gia trong lĩnh vực y tế có chia sẻ băn khoăn khi mới đây Viện Paul Ehrlich (PEI) và Viện Robert Koch (RKI) danh tiếng của Cộng hòa liên bang Đức đã tiến hành nghiên cứu so sánh 122 loại xét nghiệm nhanh kháng nguyên trên thế giới và kết luận rằng có 96 sản phẩm vượt qua tiêu chuẩn độ nhạy 75% với ngưỡng CT < 25, 26 sản phẩm không đạt chuẩn độ nhạy 75% với ngưỡng CT < 25 và bị đưa ra khỏi danh sách được sử dụng tại Cộng hòa liên bang Đức.

Đáng tiếc là trong số 26 sản phẩm không đạt chuẩn độ nhạy với ngưỡng CT < 25 lại có sản phẩm của công ty Việt Nam nằm trong danh sách không đạt chuẩn này (chỉ đạt độ ngạy 58.8% với ngưỡng CT < 25 và 4.3% với ngưỡng CT 25-30) và bị loại ra khỏi danh sách được phép sử dụng tại Cộng hòa liên bang Đức. (Ảnh table 2)

26 sản phẩm không đạt chuẩn độ nhạy 75% với ngưỡng CT < 25 và bị đưa ra khỏi danh sách được sử dụng tại Cộng hòa Liên bang Đức. Nguồn: https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2021.05.11.21257016v1.full.pdf26 sản phẩm không đạt chuẩn độ nhạy 75% với ngưỡng CT < 25 và bị đưa ra khỏi danh sách được sử dụng tại Cộng hòa Liên bang Đức. Nguồn: https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2021.05.11.21257016v1.full.pdf

Trong khi đó, 3 sản phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên nhập khẩu đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng tại Việt Nam là Panbio của Abbott (Hoa Kỳ), Espline SARS-CoV-2 của Fujirebio (Nhật Bản) và Standard Q COVID-19 Ag Test của hãng SD Biosensor (Hàn Quốc) đều đạt chuẩn với độ nhạy rất cao, trong đó có 2 sản phẩm đạt độ nhạy 100%. (2)

Vị này này chia sẻ lo lắng, không biết với kết quả ở trên, thì độ chính xác của sản phẩm này khi thực hiện xét nghiệm trong nước ở mức độ nào. Bởi, kết quả âm tính giả hay dương tính giả đều kéo theo rất nhiều chi phí vật chất, tốn kém về nhân lực cho việc xử lý phía sau.

Rõ ràng, trong tình huống cấp bách hiện nay, việc sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên là hết sức cần thiết. Số lượng các bộ kit sản xuất trong nước được đưa vào sử dụng trong những tuần gần đây là rất lớn.

Chính vì thế, cần kiểm soát tốt chất lượng, hiệu quả sử dụng của các sản phẩm này để tránh việc làm sai lệch kết quả sàng lọc, tầm soát, dẫn đến lãng phí công sức của các lực lượng chống dịch.

Trong khi đó, giá cả của các bộ kít trong nước và nhập khẩu gần như tương đương nhau. Và đặc biệt các sản phẩm của nước ngoài này được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu có độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác cao với đầy đủ bằng chứng khoa học được quốc tế công nhận.

Hơn bao giờ hết, việc công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục cấp phép và hiệu quả sử dụng của các sản phẩm xét nghiệm nhanh có nguồn gốc cả trong nước và nước ngoài là rất cấp thiết.

Trước những băn khoăn trên, Bộ Y tế cần thẩm định và minh bạch các thông tin về hiệu quả chính xác của các sản phẩm đã được cấp phép. Nên chăng cần thành lập các hội đồng đánh giá độc lập, thậm chí cần thuê các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá chất lượng sản phẩm để đảm bảo hiệu quả sử dụng.

Kết quả thẩm định, đánh giá cần được công khai trước khi khuyến khích các địa phương, đơn vị mua sắm và đưa vào sử dụng bất kỳ bộ kit xét nghiệm nhanh nào, để mỗi đồng tiền chi ra chống dịch Covid-19 đều mang lại hiệu quả cao nhất và hơn hết là sớm phát hiện đúng người mắc Covid-19, ngăn chặn nguồn lây ngoài cộng đồng để việc dập dịch sớm thành công.

Tài liệu tham khảo:

1: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/tp-hcm-du-kien-trien-khai-200000-xet-nghiem-khang-nguyen-nhanh-virus-sars-cov-2-moi-ngay

2: Tham khảo nguồn nghiên cứu được công bố:

https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2021.05.11.21257016v1.full-text

https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2021.05.11.21257016v1.full.pdf

Thanh Thủy