Là một tỉnh giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, Đồng Nai cũng không tránh khỏi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong đợt dịch thứ 4 trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận 180 ca. Tổng cộng từ khi có dịch đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 212 ca dương tính với Covid-19. Trong đó, có 1 ca tử vong, 32 ca đã được điều trị khỏi, còn lại đang điều trị.
Để có biện pháp cấp bách để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, từ ngày 9/7, toàn tỉnh Đồng Nai thực hiện các biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Trước tình hình đó, tập thể thầy trò Trường Cao đẳng y tế Đồng Nai đã chủ động thành lập đội tình nguyện gồm hơn 120 thành viên là thầy cô, bác sĩ trẻ và sinh viên các ngành học của trường.
Để có thể sẵn sàng vào tâm dịch và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai tổ chức tập huấn toàn thể tình nguyện viên của trường với đầy đủ các kỹ năng chuyên môn như: phun khử trùng tại các địa điểm liên quan đến ca bệnh, sử dụng đồ phòng hộ cá nhân, lấy mẫu xét nghiệm, bảo quản và vận chuyển mẫu xét nghiệm, điều tra truy vết…
Với tinh thần xung kích, đội tình nguyện của trường luôn trong tư thế sẵn sàng tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng khi có yêu cầu.
Mới đây nhất, ngày 3/7, gần 70 thầy cô, sinh viên tình nguyện của Trường Cao đẳng y tế Đồng Nai ra quân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại huyện Thống Nhất, nơi đang là tâm dịch tại Đồng Nai.
Nhiệm vụ quan trọng lần này của các thầy trò trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai cùng với ngành y tế tỉnh và địa phương phải thần tốc rà soát, phát hiện các trường hợp mắc bệnh tại 4 xã đang phong tỏa gồm xã: Gia kiệm, Gia Tân 1, Gia Tân 2, Gia Tân 3, thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Tại đây, tình nguyên viên của trường đã cùng với cán bộ Sở Y tế Đồng Nai đã tốc lực lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho khoảng gần 80.000 người dân. Kết quả, chỉ vỏn vẹn sau 3 ngày tiến hành, 80.000 mẫu xét nghiệm đã hoàn tất
Hơn 100 sinh viên tình nguyện Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai lên đường đi lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động trong Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pou Chen Việt Nam (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) |
Đây là đợt lấy mẫu xét nghiệm đồng loạt với số lượng lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ngoài các lực tượng tại chỗ của Trung tâm Y tế huyện Thống Nhất tham gia, Sở Y tế còn huy động thêm lực lượng tại các đơn vị như Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai và các bệnh viện tỉnh.
Đặc biệt, trong đợt lấy mẫu xét nghiệm này, có sự đóng góp tích cực của gần 70 thầy cô và sinh viên tình nguyện của Trường Cao đẳng y tế Đồng Nai
Sinh viên quyết không từ nan
Ghi nhận thực tế cho thấy, buổi đầu tiên tham gia lấy mẫu cộng đồng, các bạn sinh viên tình nguyện không tránh khỏi những bỡ ngỡ và có phần hơi lung túng trước khi ráp đội hình cùng với các lực lượng y tế phối hợp. Tuy vậy, các bạn trong đội tình nguyện cũng nhanh chống thích nghi và công việc tiến hành đạt yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn.
Là người tham gia xuyên suốt quá trình lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng ở địa bàn xã Gia Kiệm, em Võ Thị Hương Anh, sinh viên lớp Cao đẳng Điều dưỡng 12D, Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai cho biết, lần đầu tiên đi tình nguyện tham gia phòng chống dịch ngoài cộng đồng, nhiều khi phối hợp chưa ăn ý lắm nên làm việc hơi lặp cặp. Đặc biệt là khó khăn là nơi ăn ở hơi khó khăn.
Khó khăn nhất có thể kể là phải làm việc trong trạng thái nóng bức, ngột ngạt. Một phần là do thời tiết ở khu vực này rất nắng nóng, lại phải mặc đồ bảo hộ trong nhiều giờ liên, cộng với cường độ làm việc cao.
Bản thân mình là khỏe nhất nhóm mà đôi lúc vẫn mệt lả người, làm xong việc rồi nuốt cơm không nổi luôn do mệt người. Nhưng, cũng có một số bạn nữ khác bị hạ đường huyết, thậm chí bị xỉu. Không chỉ riêng sinh viên mà ngay cả một số nữ nhân viên y tế cũng có trường hợp phải xỉu tại chỗ do tần suất làm việc quá cao và điều kiện trời quá nóng bức, mặc đồ bảo hộ kín mít quá lâu.
Nói về ấn tượng khi đi làm nhiệm vụ tại đây, Hương Anh cho biết,người dân địa phương rất nhiệt tình chung tay, góp sức phòng chống dịch, rất nhiều tình nguyện viên tham gia vận chuyển ủng hộ nhu yếu phẩm cho bà con trong khu phong tỏa, mình cảm thấy nơi tinh thần giúp đỡ lẫn nhau của dân tộc ta được hiển hiện một cách rõ nét vàđầy ấm áp.
Lần đầu trải nghiệm công việc xa nhà, Hương Anh cảm thấy rất khâm phục tinh thần làm việc của các anh công an và lực lượng dân quân. Có những chốt lấy mẫu xét nghiệm nằm tận trong thôn rẫy như ấp Đông Kim, đường sá xa xôi, hẻo lánh, các anh vẫn luôn thay phiên nhau chở từng nhân viên y tế và đội tình nguyện đi vào trong khu vực này để lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.
Các anh rất nhiệt tình, chịu khó, liên tục chạy tới, chạy lui nhiều lần để vận chuyển các thiết bị y tế, nhu yếu phẩm với quảng đường khá xa, trong suốt mấy ngày liền, bất kể trời mưa hay nắng. Có nhiều lúc thiếu thiết bị như que thử, ống nghiệm, các anh dân quân phải chạy đi lòng vòng tất cả cácchốt khác để mượn về để kịp lấy mẫu cho bà con
“Để đảm bảo an toàn, Nhà trường đã tổ chức cho toàn thể thành viên đoàn tình nguyện của trường cách ly tập trung tại Ký túc xá của trường sau đợt lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng tại 4 xã thuộc huyện Thống Nhất. Hiện tại, tất cả các bạn trong đội tình nguyện đã hoàn thành thời gian cách ly theo quy định", Hương Anh thông tin thêm.
Vừa cách ly xong, sáng ngày 10/7, Hương Anh và toàn thể sinh viên tình nguyện của trường đã có mặt ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pou Chen Việt Nam (phường Hóa An, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) để lấy mẫu xét nghiệm cho gần 17.000 người lao động trong Công ty này.
Em Võ Thị Hương Anh cùng với đội tình nguyện Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai đang lấy mẫu xét nghiệm tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. |
Ngoài đội tình nghiệm túc trực để sẵn sàng nhận lệnh đột xuất để lên đường đi làm nhiệm vụ hỗ lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, Nhà trường còn bố trí một nhóm sinh viên tình nguyện gần 20 người làm tình nguyện viên tại Bệnh viện Đồng Nai.
Các tình nguyện viên nơiđây có nhiệm vụ chính gồm: hỗ trợ công tác khai báo y tế cho bệnh nhân tại bệnh viện, lấy mẫu test nhanh sàng lọc Covid-19, ghi tên mẫu, trả kết quả…
Là nhóm trưởng nên em Lê Thị Mỹ Uyên, sinh viên trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai luôn gương mẫu, từ tác phong đến công tác chuyên môn đều phải chuẩn mực. Mỹ Uyên cho biết: “Điều đáng lưu ý nhất là phải đặc biệt chú trọng đến nguyên tắc an toàn, luôn duy trì đồ bảo hộ, khẩu trang, găng tay y tế, sát khuẩn, khử trùng sau khi xong việc.
Cũng do yêu cầu an toàn nên chúng em luôn có gắng duy trì đồ bảo hộ, khẩu trang suốt thời gian 1 ca làm việc, sau đó thay đồ ra, vệ sinh, sát khuẩn thật kĩ càng rồi mới có thể ăn, uống. Hiện nay, đa số các bạn trong nhóm tụi em mỗi ngày đều về nhà cùng gia đình sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Bệnh viện. Do đó, bất kỳ sơ suất nào dù nhỏ trong công tác đảm bảo an toàn đều cô thể gây nguy hiểm trực tiếp đến bản thân và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe gia đình, người thân và cộng đồng”.
Thầy cô nỗ lực thu xếp, tiếp sức sinh viên
Qua trao đổi với phóng viên, đa phần các bạn sinh viên tình nguyện trường y Đồng Nai luôn có thừa tinh thần quyết tâm cống hiến sức trẻ vì cộng đồng, không ngại khó khăn gian khó vì mọi người. Thế nhưng, để giúp các bạn có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình thì không thể không kể đến nhân tố đầu tàu, đó là các thầy cô, giảng viên, đội ngũ y, bác sĩ của trường luôn trực tiếp đồng hành cùng các bạn sinh viên.
Với trọng trách hướng dẫn sinh viên trong suốt quá trình sinh viên làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm ngoài cộng đồng, các thầy cô phải vất vả theo sát, hướng dẫn các em sinh viên chi tiết từng công việc. Ngoài ra, để có mặt trong “mặt trận” chống dịch này, không ít thầycô còn có những khó khăn riêng mà đòi hỏi quý thầy cô phải âm thầm nỗ lực vượt qua.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Huy, giảng viên Trường Cao đẳng y tế Đồng Nai là một ví dụ. Mặc dù vợ sanh em bé vừa mới đầy tháng, thời điểm mà người vợ, người mẹ nào cũng rất cần có sự hỗ trợ chăm sóc từ chồng và người nhà, thế nhưng bác sĩ Quốc Huy đành phải tạm gác lại việc riêng, quyết tâm tình nguyện xông ra tuyến đầu chống dịch cùng với đội sinh viên tình nguyện của trường.
Theo bác sĩ Huy, một khi đã khoác lên mình chiếc áo Blouse trắng là xác định sứ mệnh của mình là cứu người. Không có lý do gì có thể cản trở được tôi ra tuyến đầu chống dịch. Hơn nữa, tôi là một giảng viên, phải làm gương cho sinh viên chứ!”, bác sĩ Huy nói và cho biết thêm, các em sinh viên mặc dù đã được tập huấn rất kỹ lưỡng, nhưng cũng rất cần các thầy cô kèm cặp, hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhởthêm, bởi các em còn rất trẻ, dễ có tâm lý phân tâm, lơ là hay thậm chí bất cẩn khi làm nhiệm vụ.
Một trường hợp khác là thầy Nguyễn Văn Minh, giảng viên Khoa Khoa học Cơ bản, Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai, cũng có hoàn cảnh gia đình khó khăn tương tự. Hiện, thầy Minh đang có con nhỏ mới 8 tháng tuổi nhưng cũng xung phong đi hướng dẫn sinh viên ra tuyến đầu chống dịch.
Thầy Minh tâm sự: “Con mình mới 8 tháng tuổi, hằng ngày mình cũng thường xuyên phụ vợ chăm con và chia sẻ việc nhà. Nên khi đã quyết định đi vào tâm dịch để làm nhiệm vụ chống COVID - 19, mình cố gắng động viên vợ hãy an tâm, không có gì nguy hiểm vì tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp an toàn rồi, đồng thời thuyết phục vợ chịu khó ở nhà gánh vác công việc gia đình”.
Một trường hợp khác là Thạc sĩ, Dược sĩ Lê Thị Hạnh, giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai. Là mẹ của hai đứa con nhỏ, cô Hạnh vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chống dịch.
Cô Hạnh chia sẻ: “Bản thân tôi có 2 đứa con nhỏ, 1 bé 6 tuổi và 1 bé 8 tuổi. Tuổi này, không phải là còn quá nhỏ, nhưng có điều từ trước tới giờ, cả 2 bé đều chưa rời mẹ. Để chuẩn bị cho chuyến công tác xa nhà ở lại dài ngày này, tôi phải đã lên kế hoạch, phân công chi tiết nhiệm vụ của từng thành viên gia đình.
Bên cạnh đó, tôi làm công tác tâm lý cho các bé thật tốt, giải thích cho các bé hiểu việc làm ý nghĩa của mẹ và hoàn cảnh bắt buộc mẹ phải xa con vài ngày. Ngoài ra, tôi còn nói với con, đây là dịp để các con trải nghiệm cuộc sống xa mẹ, khẳng định khả năng tự lập của các con. Khi đi ra công tác ở vùng dịch, nhiều lúc rất nhớ con nhưng không dám gọi điện vì sợ vô tình gợi cho các con nỗi nhớ mẹ. Khi nào cần thiết lắm thì gọi cho ba của các con thôi”.
Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai, với tinh thần xung phong, tình nguyện, tập thể giảng viên và sinh viên của trường trong thời gian đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ chống dịch và đã được ngành y tế đánh giá cao.
Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục vận động, bổ sung thêm nhân lực đội tình nguyệnđể luôn sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ khi ngành y tế có yêu cầu; đồng thời thường xuyên nhắc nhở các thầy cô và các bạn sinh viên phải tiếp tục đề cao việc tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh trong quá trình làm nhiệm vụ.