Sai phạm của cựu Bí thư Bình Dương như "bọc nhọt" gây nguy hại cho đất nước

13/07/2021 06:39
Cao Kim Anh
GDVN- Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: "Những thành phần cán bộ tha hóa lại thường ẩn náu rất kỹ, khi bị phát hiện thì hậu quả đã nặng nề".

Công tác nhân sự được xem là khâu được chú trọng nhất khi thực hiện công tác quy hoạch cán bộ trong bộ máy nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"; "Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong".

Thực tế đã chứng minh trong quá trình phát triển của đất nước, sự chuẩn bị cẩn trọng trong công tác cán bộ đã mang lại nhiều lợi ích, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít trường hợp cá nhân, tập thể cán bộ tha hóa, biến chất, lợi dụng, lạm dụng quyền lực để biến nó làm công cụ thực hiện các hành vi sai phạm, tham nhũng... dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng.

Đã có không ít các cán bộ nắm giữ những vị trí quan trọng vì lòng tham địa vị, chức tước, suy đồi đạo đức, tha hóa vì đồng tiền mà phải nhận hậu quả là những bản án nghiêm khắc trước vành móng ngựa. Thế nhưng vẫn có những vụ việc sai phạm tiếp tục xảy ra có tính chất nghiêm trọng hơn.

Điều này khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi băn khoăn trong công tác cán bộ, đặc biệt là ở khâu tuyển chọn nhân sự.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, cho biết: “Nói đến công tác nhân sự là nói đến các quy định về tiêu chuẩn, chính sách, chế độ, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ.

Điều đáng nói nhất trong công tác cán bộ là quy trình lựa chọn, đào tạo, giao trọng trách cho con người vào đơn vị, vị trí, công việc cụ thể.

Cán bộ, nhân sự được tuyển mộ phải có thực lực, có tâm, có tài, có nhân phẩm, đạo đức để có thể thực hiện đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đất nước".

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau). Ảnh: Cao Kim Anh.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau). Ảnh: Cao Kim Anh.

Theo Đại biểu Lê Thanh Vân, trong một thời gian dài, công tác nhân sự đã có nhiều lần chấn chỉnh về tiêu chuẩn, về cách thức, phương thức tuyển chọn... nhưng càng chấn chỉnh lại càng phát hiện ra cán bộ sai phạm ở mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn và có liên quan tới nhiều người.

Đó cũng là lí do vì sao những nhiệm kỳ gần đây, đặc biệt là khóa XII, khóa XIII các cơ quan lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm nhiều hơn đến công tác nhân sự.

"Trên thực tế, thời gian qua, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu kín, chạy thi đua, khen thưởng, chạy danh hiệu… đã được phản ánh rất nhiều.

Điều đáng buồn là những thành phần cán bộ tha hóa lại thường ẩn náu rất kỹ, khi bị phát hiện thì hậu quả đã nặng nề. Có những cán bộ khi phát hiện ra sai phạm thì đã kinh qua rất nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước", ông Vân nêu thực tế.

Một ví dụ gần nhất được Đại biểu Lê Thanh Vân nhắc đến gần đây nhất chính là vụ việc sai phạm của cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.

Ngoài những cá nhân có trực tiếp liên quan đến sai phạm bị xử lý thì cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam là người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm đối với những sai phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiếm tra, giám sát để một số tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản tại Tổng công ty sản xuất và xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3.2), gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến hình ảnh uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trước đó, ông Trần Văn Nam liên quan đến những sai phạm mang tính hệ thống từ khi giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh như: ký văn bản áp dụng giá đất tính thu tiền sử dụng đất, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước; thực hiện trái chủ trương về phương án sử dụng 43 ha đất tại Tổng công ty 3.2…

Điều đáng nói là sai phạm của ông Trần Văn Nam đã xảy ra từ trước đó hai nhiệm kỳ nhưng không bị phát hiện, xử lý.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng: “Để tránh những hệ luỵ lâu dài thì những người có trọng trách phải nhìn thấu được năng lực, phẩm chất, đong đếm được kết quả công tác cụ thể của cán bộ, thấu được phẩm hạnh, đạo đức công vụ, đạo đức lối sống của họ.

Muốn làm được thì phải thực hiện giám sát nghiêm túc của tập thể rộng chứ không phải từ một vài cá nhân có chức, có quyền. Nếu vẫn chỉ là kiểm tra đánh giá từ vài vị trí có chức quyền thì có thể không khách quan, bị ảnh hưởng bởi lợi ích nhóm, tiền bạc, rồi xảy ra sai phạm tập thể”.

Đã không ít trường hợp cán bộ, trong đó có rất nhiều người từng giữ vị trí cán bộ cấp cao, cậy quyền, cậy thế của mình để che đậy cho cấp dưới suốt thời gian dài.

“Đó là việc dựa vào quyền thế để đưa người thân, ruột thịt, đưa cánh hậu, đồ đệ, đưa bậu xậu rồi từ vỏ bọc đó nhân danh là tập thể để khéo che đậy, kết bè, kết cánh, cùng nhau sai phạm có tổ chức. Lúc đó, việc đưa ra tập thể, giám sát một vài cá nhân thực hiện chỉ mang tính hợp thức hóa mà thôi”, ông Vân nhấn mạnh.

Ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Ảnh: TTXVN.

Ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Ảnh: TTXVN.

Theo Đại biểu Lê Thanh Vân, thực tế những vụ việc gần đây phần lớn được phát hiện thường do mâu thuẫn nội bộ ngay trong tổ chức sai phạm bục phát hoặc do nhân dân, do truyền thông phát hiện ra dấu hiệu sai phạm. Vì vậy, cần tiếp tục nâng cao vai trò giám sát của công chúng, của truyền thông.

Trong một cơ quan, tổ chức có khi phát hiện sai phạm nhưng không xử lý bởi vì liên quan đến trách nhiệm cá nhân người quản lý. Đó cũng được xem lý do vì sao, rất nhiều sự vụ khi bị phát hiện có số cán bộ sai phạm lớn, có tổ chức, có hệ thống.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Mỗi cán bộ đang thực hiện quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ cũng chính do nhân dân tin tưởng giao phó, thực hiện.

“Muốn Đảng mạnh, trong sạch, muốn loại trừ các cán bộ, nhân sự tham nhũng thì phải dựa vào dân, phải có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Chỉ nhân dân mới có tinh nhãn, sáng suốt phát hiện ra những sai phạm trong công tác nhân sự.

Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm, không nhân nhượng đối với những cá nhân, cán bộ, tổ chức sai phạm, không để tồn tại những bọc nhọt, ủ bệnh lâu ngày, ém nhẹm trong hệ thống như trường hợp cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương”, Đại biểu Lê Thanh Vân nhận định.

Cao Kim Anh