Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thắc mắc của một số giáo viên mầm non ở Lạng Sơn phản ánh về việc phải nộp kinh phí học Bồi dưỡng thường xuyên năm học 2020 – 2021.
Theo đó, nhiều giáo viên mầm non ở Lạng Sơn cho biết họ đã nhận được kế hoạch và văn bản liên quan việc thực hiện công tác bồi dưỡng thường xuyên năm học 2020 - 2021 trong đó có văn bản của Trường Cao đẳng sư phạm Lạng Sơn quy định kinh phí mỗi giáo viên mầm non tham gia bồi dưỡng phải nộp là 835.000 đồng/học viên/khóa bồi dưỡng.
Tuy nhiên, những giáo viên mầm non này có thắc mắc là cũng đi học bồi dưỡng thường xuyên nhưng giáo viên các cấp học khác như trung học cơ sở và tiểu học không hề phải nộp bất cứ khoản chi phí nào.
Các giáo viên này cũng thắc mác, những năm học trước đây đối với cấp học mầm non khi tham gia các lớp bồi dưỡng thường xuyên này họ không phải nộp kinh phí để học vậy tại sao năm nay họ phải nộp.
Các cô giáo phản ánh và nhờ Tòa soạn tìm hiểu, xác minh việc thu tiền giáo viên mầm non để thực hiện công tác bồi dưỡng thường xuyên theo văn bản của Trường Cao đẳng sư phạm Lạng Sơn như vậy đã đúng các quy định của pháp luật hay chưa?
Bởi theo các cô, lương giáo viên mầm non đã rất thấp, nay họ lại phải mất gần 1 triệu đồng tiền đóng học phí bồi dưỡng thường xuyên. Đối với các cô giáo mầm non từ các huyện xa trung tâm về Thành phố Lạng Sơn họ còn phải mất thêm chi phí đi lại, nghỉ trọ… có khi mất cả tháng lương cho việc bồi dưỡng thường xuyên.
Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn về việc bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên năm học 2020 - 2021. Ảnh chụp tài liệu do giáo viên cung cấp |
Trong khi theo tìm hiểu của các cô, Điều 15, Điều 16 Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo Thông tư 09/2019/TT-BGDĐT ngày 12/11/2019 thì kinh phí bồi dưỡng thường xuyên được dự toán trong kinh phí chi thường xuyên hằng năm, từ kinh phí hỗ trợ của các chương trình, dự án hoặc từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
Liên quan đến các thắc mắc trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với thầy Hoàng Quốc Tuấn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn.
Thông tin ban đầu với phóng viên, thầy Hoàng Quốc Tuấn cho biết: “Hiện tại với giáo viên phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chương trình bồi dưỡng cho giáo viên dạy chương trình sách giáo khoa mới, còn giáo viên mầm non thì không.
Nói một cách ngắn gọn thì giáo viên phổ thông cũng phải bồi dưỡng như giáo viên mầm non tuy nhiên do thực hiện chương trình Sách giáo khoa mới nên Bộ cho phép dùng kinh phí bồi dưỡng chương trình tập huấn sách giáo khoa mới tính cho bồi dưỡng thường xuyên.
Cụ thể là giáo viên phổ thông có đề án chương trình ETEP (chương trình Bồi dưỡng giáo viên Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018) kinh phí này được tài trợ và cũng được tính cho chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên đi tập huấn do vậy giáo viên cấp này không mất kinh phí.
Còn đối với giáo viên mầm non dù không phải thực hiện chương trình sách giáo khoa mới nhưng vẫn phải thực hiện chương trình Bồi dưỡng thường xuyên bình thường theo thông tư 19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Thông tư 19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế bồi dưỡng thường xuyên thì có thay đổi cho với trước.
Thông tư mới có nhiều hình thức khác so với trước đây dù vẫn có có hội nghị, hội thảo của Sở… nhưng bây giờ quy chế đó yêu cầu phải có một cơ sở đào tạo được cấp phép thì mới thực hiện bồi dưỡng thường xuyên được. Tại tỉnh Lạng Sơn có đơn vị được phép thực hiện là trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn.
Còn ngân sách thực hiện chương trình thì phải theo quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng chính phủ trong đó có việc bồi dưỡng giáo viên. Việc bồi dưỡng giáo viên cũng có đề cập đến kinh phí nhưng không nêu cụ thể".
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cũng nêu thêm về việc hỗ trợ kinh phí cho giáo viên mầm non đi tập huấn.
Cụ thể, thầy Hoàng Quốc Tuấn cho biết: "Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tham mưu cho tỉnh Lạng Sơn là đề nghị các huyện bố trí kinh phí đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức nói chung để quan tâm cho giáo viên.
Hiện tại thì một số huyện đang xin, còn các huyện còn lại cũng chưa được chấp thuận hẳn cho nên dẫn đến tình trạng một số giáo viên vẫn phải đóng kinh phí khi tham gia bồi dưỡng thường xuyên.
Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phải làm việc kỹ hơn với các địa phương về tài chính xem như thế nào. Bởi vì số lượng cán bộ quản lý, cán bộ giáo viên mầm non cũng tương đối lớn.
Có thể hiểu rào cản tâm lý của giáo viên khi chọn gửi thắc mắc về Tòa soạn. Thời gian tới Tỉnh sẽ xem xét kỹ cơ chế cân đối tài chính từ các nguồn để giúp đỡ giáo viên mầm non.
Trước mắt thì có một số huyện như Văn Lãng và Thành phố Lạng Sơn đã đề nghị căn cứ trên một số các văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn để đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố sử dụng kinh phí bồi dưỡng cán bộ để hỗ trợ giáo viên đi tập huấn khoảng 50%. Trước mắt là như vậy.
Thời gian tới Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có thông tin cụ thể hơn”