Tại Hội nghị Trung ương 3 vừa qua, công tác cán bộ tiếp tục được Đảng, Nhà nước chú trọng, nhằm nâng cao chất lượng, đưa lại những lợi ích, cống hiến cho nhân dân, đất nước. Điều đó được thể hiện qua nội dung thảo luận cho ý kiến về quy định thi hành điều lệ Đảng và quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng khoá XIII.
Công tác cán bộ gồm nhiều khâu, từ tuyển chọn, nhận xét, đánh giá, đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, bổ nhiệm, sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ.
Tất cả các khâu thực hiện trong công tác cán bộ là một chỉnh thể thống nhất, có quan hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau. Chính vì vậy, để có kết quả tốt nhất trong công tác cán bộ cần phải thực hiện đồng bộ tất cả các khâu và không được xem nhẹ bất cứ công việc nào.
Mặc dù đã có những thể chế, quy phạm, quy định có tính hệ thống, chặt chẽ và có những trường hợp cán bộ sai phạm bị xử lý nghiêm làm tiền lệ nhưng vẫn xảy ra những vụ việc mới, có tính chất nghiêm trọng, để lại nhiều hệ quả nặng nề.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: Quốc hội) |
Luôn tâm huyết với vấn đề công tác nhân sự, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết: "Chúng ta có các chủ trương về quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, quản lý cán bộ từ trung ương rất chặt chẽ nhưng khâu tổ chức, thực hiện, quản lý không phải nơi nào, địa phương nào cũng như nhau và có kết quả tốt”.
Theo bà Bùi Thị An, việc có cán bộ sai phạm đã là đáng buồn nhưng sai phạm có tổ chức, có hệ thống, thậm chí có những cán bộ sai phạm hết từ vị trí này đến vị trí khác thì đó là điều không thể chấp nhận. Đây được xem là lỗ hổng rất lớn trong công tác cán bộ, ở tất cả các khâu.
Nguy hiểm hơn là những sai phạm ấy lại còn được nhiều người liên kết bao che cho nên nhiều năm liền địa phương chỉ thấy báo cáo thành tích, không xử được cán bộ, gây nên sự bức xúc âm ỉ trong chính bộ máy và dư luận xã hội.
“Nếu chỉ nói về công tác cán bộ là chọn nhân sự vào vị trí này, vị trí kia thì không hoàn toàn đúng. Bởi có những cán bộ khi mới tuyển mộ thì rất tốt nhưng rồi sau một thời gian giữ các vị trí có quyền, có chức mới bị tha hóa.
Chính vì thế, lí do để những sai phạm xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng là có những lỗ hổng ở tất cả các khâu, thậm chí các lỗ hổng nhỏ liên kết lại với nhau, tạo thành lỗ hổng lớn và tồn tại trong thời gian dài”, bà An cho hay.
Theo dõi sự những sự việc gần đây, bà Bùi Thị An nhận thấy rằng, sự vụ của cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và nhiều cán bộ dưới quyền mắc sai phạm trong một thời gian dài hàng chục năm nay mới được xử lý thì cần phải xem lại cơ chế kiểm tra, giám sát.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật, thậm chí đang bị tạm giam phục vụ điều tra.
Tại tỉnh Khánh Hoà, hai cựu Chủ tịch tỉnh là Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh bị dính vòng lao lý vì những sai phạm về quản lý đất đai.
Trước đó, một ví dụ điển hình là trường hợp sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh tại tỉnh Đồng Nai.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã quyết định kỷ luật đối bà Thanh bằng hình thức cách hết chức vụ trong Đảng và cho thôi làm Đại biểu Quốc hội vì đã vi phạm luật phòng chống tham nhũng.
Cụ thể, trong thời gian giữ chức tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công nghiệp tỉnh Đồng Nai (từ năm 2003 đến tháng 1 năm 2009), Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà tham gia điều hành công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Hưng do chồng bà sáng lập và là chủ tịch Hội đồng thành viên.
Ngoài ra trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai (từ tháng 6 năm 2011 đến tháng 9 năm 2014), bà Thanh đã ký nhiều văn bản sai phạm, không thuộc lĩnh vực mình phụ trách, không thông qua tập thể Ủy ban Nhân dân tỉnh, chưa báo cáo Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư.
Bà Phan Thị Mỹ Thanh còn kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không đúng quy định của Đảng và Nhà nước là vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.
Từ những thí dụ điển hình nêu trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An đánh giá, sai phạm của cán bộ rất dễ xảy ra nếu bản lĩnh cá nhân không tốt và quản lý, giám sát của các cơ quan cấp trên chưa đủ chặt chẽ. Cán bộ vào vòng lao lý là do kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo.
Nhiều cán bộ giữ vị trí quan trọng ở địa phương nhưng tha hoá dẫn tới hậu quả đau đớn. Cán bộ tha hóa từ cấp thấp nhưng vẫn leo sâu chui cao lên cấp trên. Thời gian sai phạm không chỉ một vài năm mà tận hai nhiệm kỳ mới phát hiện ra, như sự vụ của bà Phan Thị Mỹ Thanh từ năm 2008 đến năm 2016 mới bị phát hiện xử lý. Mới nhất là trường hợp cựu Bí thư Bình Dương cũng diễn ra nhiều năm.
“Chúng ta cho rằng công tác cán bộ chặt chẽ hoàn thiện. Tuy nhiên thực tế cho thấy rằng, chỉ hoàn thiện và đầy đủ trên mặt hệ thống văn bản còn việc thực hiện thì chưa được như mong muốn.
Cán bộ vi phạm thể chế, quy phạm thì phải xử lý thật nghiêm khắc và triệt để. Cấp trên quản lý trực tiếp cũng phải chịu trách nhiệm về thiếu giám sát, thiếu quản lý, thiếu sự quan tâm tới cấp dưới và chính xác thì đó cũng là nhiệm vụ của cấp trên được nhân dân giao phó”, bà An cho hay.
Bà Bùi Thị An cho rằng, lựa chọn một nhân sự trong bộ máy nhà nước, là nhân dân tin tưởng giao phó trọng trách quốc gia dân tộc.
Mỗi cán bộ bắt buộc phải đủ tâm, đủ tài, đủ năng lực, trí tuệ, đạo đức, phẩm hạnh, sáng suốt để vượt qua những cám dỗ về tiền tài, vật lực, cống hiến hết mình cho lẽ phải, cho nhân dân, đất nước.
Có như vậy thì mới xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phát triển, nhân dân ngày càng đủ đầy, hạnh phúc.