38 giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Viễn Đông thần tốc đuổi giặc Covid-19

22/07/2021 11:51
Ngọc Quang
GDVN- 38 thầy cô, sinh viên là những chốt chặn vững vàng trong cuộc chiến đánh giặc Covid-19 còn rất nhiều gian nan.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận đoàn tình nguyện gồm 38 giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Viễn Đông tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bắt đầu từ 12/7/2021 tại huyện Hóc Môn.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông bày tỏ: “Trước những diễn biến phức tạp khó lường của dịch Covid-19, chúng tôi luôn sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ cùng phòng, chống dịch để bảo vệ tốt nhất sức khỏe của người dân.

Để chuẩn bị đảm bảo an toàn cho đoàn tình nguyện và hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhà trường đã triển khai khám sức khỏe, tiêm phòng theo quy định và kết hợp với cơ quan chức năng tập huấn rất kỹ về công tác chuyên môn.

Nhà trường, các thầy cô và các em sinh viên luôn quyết tâm cao nhất, luôn sẵn sàng đóng góp hết sức mình vào cuộc chiến chống dịch. Mỗi chúng ta hãy cùng nhau chung tay góp sức thì sẽ sớm ngăn chặn và đẩy lùi được dịch bệnh”.

Đoàn tình nguyện Trường Cao đẳng Viễn Đông thần tốc đuổi giặc Covid-19. Ảnh: BV.

Đoàn tình nguyện Trường Cao đẳng Viễn Đông thần tốc đuổi giặc Covid-19. Ảnh: BV.

20h30 ngày 21/7 vừa kết thúc công việc, giảng viên Nguyễn Trần Thiện Đức – Trưởng đoàn tình nguyện chống Covid-19 của Trường Cao đẳng Viễn Đông có những chia sẻ đầu tiên về nhiệm vụ của đoàn tình nguyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Thầy Đức cho biết: “Đoàn có 38 người, trong đó có 5 thầy cô và 33 sinh viên cùng nhau tham gia chống dịch. Đoàn được phân chia về 12 xã của huyện Hóc Môn để phối hợp cùng với các cán bộ y tế và bệnh viện huyện, thực hiện nhiệm vụ tầm soát, xét nghiệm cho người dân nhằm tránh lây nhiễm chéo.

Hàng ngày, đúng 7h30 là phải triển khai nhiệm vụ đi lấy mẫu cộng đồng, lấy mẫu khu phong toả, lấy mẫu các trường hợp tiếp xúc gần F1, F2, lấy mẫu chốt chặn để phát hiện các trường hợp ra ngoài ko cần thiết, tham gia truy vết các F0. Mục đích cuối cùng là kịp thời chặn đứng đường lây, giảm tối thiểu nhất số ca nhiễm trong thị trấn Hóc Môn.

Các thầy cô và sinh viên rất mừng vì sau nhiều ngày nỗ lực cùng với các cơ quan của địa phương thì huyện Hóc Môn ban đầu từ nhóm có nguy cơ cao nằm trong tốp 2 nay đã xuống tốp 6. Hy vọng rằng trong những ngày tới huyện Hóc Môn sẽ ra khỏi tốp 10, như vậy thì cũng có nghĩa là mức độ an toàn trong địa bàn huyện rất tốt”.

Thầy Đức chia sẻ, suốt hàng chục ngày tham gia phòng chống dịch tất cả các thầy cô và sinh viên đều không được về nhà, sau khi hoàn thành nhiệm vụ còn phải thực hiện cách ly theo quy định, vì thế rất nhớ gia đình.

“Vì mục tiêu chung của cả đội, vì sự an toàn của bà con nhân dân nên tất cả đều động viên nhau cố gắng vượt qua. Sức khỏe và tinh thần của toàn đội hiện rất tốt, mọi người đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất”, thầy Đức cho hay.

Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Trần Thiện Đức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đoàn tình nguyện cũng phải đối diện với nhiều khó khăn.

Có những ngày chỉ ở một điểm cũng phát hiện trên dưới 10 ca dương tính, những lúc như vậy thì các em phải làm việc với cường độ cao hơn để rà soát, truy vết những người có liên quan. Ngày nào cũng phải mặc đồ bảo hộ kín mít trong thời tiết nắng nóng quả là vô cùng mệt mỏi, thậm chí nhiều hôm các em phải làm việc tới 9 giờ tối mới xong công việc, trở về chỗ nghỉ đã mệt nhoài. Dù vậy các thầy cô và các em luôn giữ vững ý chí, động viên nhau vượt khó.

Chúng em mong rằng bà con nhân dân hãy cùng chia sẻ, mỗi người hãy tự nâng cao ý thức của mình cũng sẽ đóng góp rất quan trọng vào công tác phòng chống dịch. Nếu mọi người cứ tự ý đi lại khắp nơi di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác, như vậy sẽ không đảm bảo an toàn và rất khó khăn cho nhiệm vụ dập dịch”.

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: BV.

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: BV.

Giảng viên Trương Bảo Vy – Phó đoàn tình nguyện Trường Cao đẳng Viễn Đông cho biết thêm: “Lúc đầu thực hiện chiến dịch, cả thầy và trò xác định đây là trận chiến khó khăn và lâu dài nên vì vậy Khoa Điều dưỡng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn công tác mặc đồ phòng hộ cá nhân cho các bạn qua hình thức online để sẵn sàng tinh thần chiến đấu cao nhất.

Tuy nhiên khi thực sự bước ra chiến trường, dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng thật sự có nhiều vấn đề mà cả thầy và trò đều khá bỡ ngỡ. Ví dụ như khi đã mặc đồ bảo hộ thì mọi người phải nhịn uống nước lâu nhất có thể, thậm chí nhịn cả vệ sinh trong suốt quá trình làm việc, bởi vì thực tế là mình không biết những người dân đang xét nghiệm xung quanh có ai nhiễm không, chỉ cần hở đồ ra uống ngụm nước cũng có thể bị lây nhiễm.

Đặc biệt thời tiết tại đây nắng nóng liên tục, mồ hôi rơi ướt hết người, cay cả mắt nhưng vẫn phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Những hôm trời mưa thì mát dịu hơn, nhưng nguy cơ lây nhiễm lại cao hơn vì đồ ướt, do đó tùy từng tình huống các thầy cô và sinh viên phải sáng tạo, đảm bảo an toàn cho chính mình trong quá trình triển khai nhiệm vụ”.

Các thầy cô và sinh viên tình nguyện phải làm việc cả ngày trong bộ đồ bảo hộ kín. Ảnh: BV

Các thầy cô và sinh viên tình nguyện phải làm việc cả ngày trong bộ đồ bảo hộ kín. Ảnh: BV

Cô Bảo Vy tâm sự, có rất nhiều tình huống xảy ra trong quá trình làm nhiệm vụ, đặc biệt là khi phát hiện những ca F0.

“Những người bị dương tính rất buồn, ánh mắt thất thần không chỉ bởi bản thân nhiễm bệnh mà họ còn vô tình lây cho người nhà, lây cho hàng xóm, người thân, đồng nghiệp. Có lần tầm soát ở khu nhà trọ phát hiện ra cả gia đình trong đó có cả cháu bé 18 tháng tuổi bị dương tính. Thương lắm! Cháu bé còn nhỏ quá, nhưng dịch bệnh chẳng chừa ai cả, phải chung sức vượt qua thôi”.

Trong cuộc chiến chống dịch cam go ấy, thầy cô và các em sinh viên cơ sợ bị lây nhiễm không?

Cô Vy nói: “Ai cũng có lúc sợ bị lây nhiễm! Nhưng sợ lây nhiễm cho bản thân mình chỉ là chuyện nhỏ, cái mà thầy cô và sinh viên lo hơn là lỡ có ai nhiễm thì sẽ thiếu đi lực lượng chống dịch, cho nên mọi người đều phải rất cẩn thận bảo vệ cho chính mình. Dù hàng ngày phải làm việc ngoài trời nắng nóng, mỗi gương mặt sạm đi, da tay thì nhăn nheo vì đeo găng và rửa cồn nhiều… nhưng mọi người đều cảm thấy vui vì đã được góp sức cho cuộc chiến chống dịch.

Theo dự kiến ban đầu thì đoàn sẽ tham gia chiến dịch 14 ngày, tuy nhiên do tình hình còn nhiều phức tạp nên cơ quan địa phương đã đề nghị đoàn sẽ tiếp tục tham gia thêm 10 ngày nữa. Mỗi ngày đi làm nhiệm vụ, chúng em được lãnh đạo địa phương quan tâm chu đáo nơi ăn nghỉ, thầy Hiệu trưởng cũng thường xuyên gọi điện và nhắn tin hỏi thăm sức khỏe, động viên đoàn tình nguyện nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ”.

Ngọc Quang