Ba học sinh lớp 7 trường Marie Curie xuất bản sách về môi trường

24/07/2021 12:15
Thùy Linh
GDVN- Mục tiêu chính của nhóm tác giả là nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của thanh thiếu nhi và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng của cây xanh.

Ngày 23/7, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) họp báo trực tuyến giới thiệu cuốn sách “Một mẩu rừng cho bạn” của 3 tác giả Nguyệt Linh – Anh Kiệt – Khánh Ngọc (học sinh lớp 7 trường Marie Curie, Hà Nội).

Tại lễ giới thiệu sách, 3 tác giả Nguyệt Linh – Anh Kiệt – Khánh Ngọc cho biết, cuốn sách là tập hợp những hiểu biết, những suy nghĩ của các em về cây xanh, về rừng hướng tới đối tượng chính là các bạn học sinh. “Mục tiêu chính của chúng em là nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của thanh thiếu nhi và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng của cây xanh.

Từ đó, khuyến khích cộng đồng thực hiện các hành động xanh nhằm bảo vệ môi trường. Đây cũng là hoạt động để hưởng ứng Chương trình Trồng mới 1 tỷ cây xanh - Vì một Việt Nam Xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động”, Nguyệt Linh nói.

Lễ giới thiệu cuốn sách “Một mẩu rừng cho bạn” của 3 tác giả Nguyệt Linh – Anh Kiệt – Khánh Ngọc (học sinh lớp 7 trường Marie Curie, Hà Nội) (ảnh: Thùy Linh)

Lễ giới thiệu cuốn sách “Một mẩu rừng cho bạn” của 3 tác giả Nguyệt Linh – Anh Kiệt – Khánh Ngọc (học sinh lớp 7 trường Marie Curie, Hà Nội) (ảnh: Thùy Linh)

Thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie – nơi 3 tác giả “nhí” đang theo học lấy làm bất ngờ khi được mời dự lễ ra mắt sách vì không hề biết kế hoạch làm sách của các học trò.

Tại đây thầy Khang thay mặt Nhà trường mua 2.000 cuốn sách để đưa vào thư viện và đưa tới các lớp trong toàn trường để lan tỏa thông điệp mà Nguyệt Linh – Anh Kiệt – Khánh Ngọc gửi gắm tới các bạn học trò.

Là cô giáo chủ nhiệm của Nguyệt Linh và Anh Kiệt, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phạm Thái Lê rất xúc động khi đến dự lễ ra mắt sách của các em.

Cô Lê chia sẻ: “Các em là những bạn trẻ, tôi nghĩ, rất tiêu biểu cho thế hệ trẻ ý thức sâu sắc về vấn đề môi trường, hơn hẳn thế hệ chúng tôi. Các bạn ấy không chỉ có ý thức mỗi ngày trong hành vi của mình mà còn muốn lan toả tới nhiều người khác nữa.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua phải giãn cách vì Covid -19 nên khi nhận được tin về cuốn sách từ Nguyệt Linh tôi hơi bất ngờ. Các em không nghỉ để chơi như những bạn trẻ khác. Các em không giãn cách mà đang kết nối. Một sự kết nối kì diệu. Và sau đó tôi còn bất ngờ hơn khi cuốn sách tham gia gây quỹ trồng mới 1 triệu cây xanh khôi phục rừng đầu nguồn Mèo Vạc- Hà Giang.

Tôi thực sự khâm phục và tự hào về các em. Khâm phục bởi các em đã làm được việc có ích, thiết thực cho cộng đồng và xã hội. Tự hào vì mình may mắn được đồng hành cùng các em một quãng ngắn, được chia vui cùng thành quả “Một mẩu rừng cho bạn”. Cảm nhận mỗi một cuốn sách trao đi là một mầm cây mọc lên, lấp dần những khu đồi trọc khiến tôi không khỏi rưng rưng.

Hi vọng từ cuốn sách “Một mẩu rừng cho bạn” sẽ có nhiều hoạt động của các bạn trẻ hưởng ứng chương trình “Vì một Việt Nam Xanh” nói riêng và các hoạt động vì môi trường nói chung”.

Cuốn sách của 3 tác giả "nhí" trường Marie Curie, Hà Nội (ảnh: Thùy Linh)

Cuốn sách của 3 tác giả "nhí" trường Marie Curie, Hà Nội (ảnh: Thùy Linh)

Nhân dịp này, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường đồng thời tổ chức phát động Chiến dịch gây Quỹ Trồng mới 1 triệu cây xanh khôi phục Rừng đầu nguồn Mèo Vạc- Hà Giang.

Sau khi lắng nghe thông tin từ đại diện Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc huyện Mèo Vạc – Hà Giang về việc Mèo Vạc có đồi núi hiểm trở, độ dốc lớn, địa hình chia cắt mạnh, người dân thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trầm trọng (về mùa khô thường gây ra thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân khoảng 5 - 6 tháng, từ cuối tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau); tỷ lệ hộ nghèo cao trên 35% tổng số hộ; dân số toàn huyện trên 95% là dân tộc thiểu số; hoạt động phát triển kinh tế chủ yếu vẫn là thuần nông (trồng trọt và chăn nuôi).

Hiện nay trên địa bàn toàn huyện Mèo Vạc có tổng 20.500 ha rừng (bao gồm rừng đặc dụng, rừng tự nhiên và rừng trồng), tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt 35,4%. Xuất phát từ những khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt nên việc tổ chức trồng cây xanh, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn là hết sức cấp thiết để với mục đích giữ đất, sản sinh nguồn nước qua đó giảm bớt gánh nặng về nước sinh hoạt, đất sản xuất cho người dân trên địa bàn toàn huyện. Ngoài ra, để tăng thu nhập cho người dân, huyện cũng định hướng cho các xã, thị trấn quan tâm triển khai cho nhân dân trồng một số loài cây ăn quả đặc sản của địa phương để phục vụ du khách và định hướng phát triển thành hàng hóa, cải thiện thu nhập cho người nông dân.

Góp phần thực hiện thành công Đề án trồng 01 (một) tỷ cây xanh của cả nước, chung tay cùng Hà Giang, Thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie cho biết sẽ phát động tại trường Marie Curie gây quỹ trồng 1 vạn cây xanh để khôi phục rừng đầu nguồn tại Mèo Vạc.

Thùy Linh