Giáo viên lo thiếu chứng chỉ bồi dưỡng môn tích hợp, có bị tinh giản biên chế?

25/07/2021 06:41
BÙI NAM
GDVN- Việc tập huấn, bồi dưỡng như thế nào, thời gian nào, địa điểm nào, kinh phí ra sao? Là những câu hỏi mà giáo viên các môn tích hợp rất quan tâm lo lắng.

Sau bài viết “Trường sư phạm mở lớp chứng chỉ 2 môn tích hợp, phí 3-5,4 triệu đồng” của tác giả Thanh An đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh có trường sư phạm thông báo tuyển sinh lớp bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí ở trường Trung học cơ sở, cụ thể mỗi giáo viên học từ 20-36 tín chỉ, tương đương 150.000 đồng/ tín chỉ.

Mỗi tín chỉ có kinh phí bồi dưỡng là 150.000 đồng thì chúng ta thấy lớp 20 tín chỉ sẽ có giá là 3.000.000 đồng và lớp 36 tín chỉ sẽ có giá là 5.400.000 đồng.

Sau bài viết được đăng tải, được cộng đồng giáo viên chia sẻ thì rất nhiều ý kiến bức xúc về thông tin các giáo viên vừa dạy, vừa tập huấn chương trình mới (9 mô đun của Bộ), lại phải bỏ một thời gian và lượng kinh phí không nhỏ để đi học các tín chỉ của các môn tích hợp.

Tiếp theo đó, cũng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tác giả Lê Văn Minh có bài viết “Bồi dưỡng 2 môn tích hợp mới, Bộ để các trường tự bơi, giáo viên bỏ tiền ra học?

Bài viết tiếp tục phản ánh việc quy định chưa rõ ràng việc giáo viên các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa có thể phải tự bỏ tiền túi để đi bồi dưỡng các môn Khoa học tự nhiên, Sử và Địa trong chương trình mới.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị sơ kết công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông ngày 23/4/2021, ảnh minh họa, nguồn: moet.gov.vn.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị sơ kết công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông ngày 23/4/2021, ảnh minh họa, nguồn: moet.gov.vn.

Nhiều giáo viên lo lắng nếu không tranh thủ đi học thì có thể sắp tới có thể bị “tinh giản” biên chế hoặc không được sắp xếp, bố trí giảng dạy vì các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa gần như đã bị xóa sổ.

Việc tập huấn, bồi dưỡng như thế nào, thời gian nào, địa điểm nào, kinh phí ra sao? Là những câu hỏi mà giáo viên các môn tích hợp rất quan tâm lo lắng.

Trong phạm vi bài viết, xin được nêu những vấn đề mong Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định cụ thể để các giáo viên yên tâm công tác, tránh hoang mang, lo lắng.

Thứ nhất, giáo viên các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa chưa tập huấn có bị xem là chưa đạt chuẩn không?

Các bộ môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa bậc trung học cơ sở không còn tồn tại mà được thay thế bằng 2 môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý (là 2 môn học mới) nên những giáo viên đơn môn nhiều năm nay dù có trình độ đại học hoặc thạc sĩ nhưng vẫn có thể bị coi là giáo viên không đạt chuẩn hoặc không thể bố trí công tác được do không phù hợp vị trí việc làm?

Do đó, một số giáo viên trên vì điều kiện nào đó không bồi dưỡng được theo lộ trình hoặc do tuổi cao, không tiếp thu được, hoặc do sự cố nào khác không hoàn thành việc bồi dưỡng được thì những giáo viên trên có phải là giáo viên không đạt chuẩn không? Nếu không đạt chuẩn thì có thuộc đối tượng phải tinh giản biên chế hay không?

Giáo viên rất lo lắng điều này, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích rõ để giáo viên yên tâm công tác.

Về tính pháp lý thì theo quan điểm của các nhân người viết, rất khó xem những giáo viên trên là chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo bởi vì theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 có quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:

“…Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông…”

Vậy thì những giáo viên trên đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo, nên rất khó để quy định họ chưa đạt chuẩn trình độ vì họ có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên (Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa).

Tuy nhiên, như đã nói do thay đổi chương trình mới, các môn đó không còn, giả sử ở một trường nào đó đến năm 2024 đã đào tạo được giáo viên tích hợp, còn những giáo viên nào chưa có chứng chỉ môn tích hợp thì sẽ phân công họ như thế nào? Khó có thể coi là chưa đạt chuẩn, nhưng các trường lại không thể bố trí giảng dạy được.

Thứ hai, nên quy định cụ thể việc tập huấn, bồi dưỡng các môn tích hợp là miễn phí

Nếu là giáo viên chưa đạt chuẩn thì sẽ được đào tạo, bồi dưỡng miễn phí theo lộ trình theo quy định của Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP như sau:

Ngày 30/6/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 8 năm 2020…

Để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên thực hiện nâng trình độ chuẩn, Điều 10 Nghị định 71 nêu rõ quyền lợi của các đối tượng này gồm:

“Được cơ quan quản lý, sử dụng tạo điều kiện về thời gian; được hỗ trợ tiền đóng học phí (áp dụng theo quy định hiện hành của pháp luật đối với sinh viên sư phạm);

Được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác liên tục;

Được hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật.” [1]

Phóng viên Giáo dục Việt Nam liên hệ với Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và được cho biết:

“Các địa phương hỗ trợ giáo viên 100% kinh phí đào tạo để các cơ sở đào tạo theo hình thức hợp đồng cung ứng dịch vụ”.

Như vậy có nghĩa là giáo viên khối trường công lập sẽ được các địa phương hỗ trợ 100% khi tham dự học nâng chuẩn. [2]

Tuy nhiên như đã phân tích ở trên, rất khó, cũng không có quy định nào để quy các giáo viên đã có trình độ đại học hoặc thạc sĩ trên chưa đạt chuẩn.

Do đó, nên việc bồi dưỡng chứng chỉ các môn còn lại của môn tích hợp cũng không thể áp dụng Nghị định 71 về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chưa đạt chuẩn.

Giáo viên đang rất lo lắng vấn đề trên, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, sớm có lời giải thích rõ ràng, tránh gây hoang mang cho giáo viên và nên quy định cụ thể giáo viên sẽ được bồi dưỡng các môn tích hợp là miễn phí.

Thứ ba, thời gian, địa điểm tập huấn, bồi dưỡng

Chắc chắn sẽ bồi dưỡng giáo viên các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa để trở thành giáo viên tích hợp với số lượng giáo viên trong nước rất là lớn.

Đây là vấn đề khó, khi giáo viên bắt buộc phải thực hiện nhiệm vụ của mình theo định mức 19 tiết/ tuần theo quy định.

Việc tập huấn theo như trên thì từ 20 đến 36 tín chỉ, ví dụ giáo viên Hóa học thì phải học thêm phần nội dung về Vật lý, Sinh học để có chứng chỉ và dạy được môn Khoa học tự nhiên. Mỗi tín chỉ tương ứng với 15 tiết, như vậy giáo viên phải học từ 300 - 540 tiết, số tiết không hề nhỏ.

Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có kế hoạch đào tạo giáo viên như thế nào khi giáo viên phải bồi dưỡng các môn khác nhau rất nhiều, ví dụ giáo viên Lịch sử tập huấn thêm kiến thức địa lý, môn Vật lý phải bồi dưỡng kiến thức hóa học, sinh học; giáo viên môn Sinh học cần bồi dưỡng kiến thức vật lý, hóa học,… nói chung việc bồi dưỡng không hề đơn giản về tổ chức lớp, thời gian, địa điểm,…

Rất mong ngay từ bây giờ Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành rõ quy định về việc bồi dưỡng, giáo viên bồi dưỡng ngày cuối tuần hay các ngày trong tuần.

Nếu việc học tập, bồi dưỡng ngày cuối tuần thì chỉ có ngày Chủ nhật (thứ Bảy giáo viên trung học cơ sở vẫn làm việc), nếu chỉ bồi dưỡng một ngày Chủ nhật được 8 tiết/ tuần thì nếu hoàn thành 36 tín chỉ (540 tiết) phải đến 67,5 tuần (phải đến 2 năm).

Như vậy thời gian quá dài, giáo viên vừa công tác, giảng dạy, phải đi học, bồi dưỡng ngày chủ nhật gần 2 năm thì không hợp lý.

Giáo viên không đủ sức để vừa dạy, vừa đi học, bồi dưỡng các môn tích hợp trên, thực tế cho dù giáo viên có cố gắng như thế nào thì việc bồi dưỡng trên cũng không hiệu quả, giảng dạy ở trường cũng không hiệu quả.

Nếu việc đi học, bồi dưỡng các tín chỉ môn tích hợp thì liệu giáo viên có được nghỉ dạy để đi tập huấn, trong thời gian đi học, bồi dưỡng trên giáo viên có được hưởng nguyên lương, khi mà số lượng giáo viên cần đi học, bồi dưỡng quá lớn, sẽ khó khăn cho các trường trong vấn đề tập huấn.

Để giáo viên yên tâm công tác và rút ngắn thời gian đào tạo, bồi dưỡng để nhanh chóng có đầy đủ giáo viên các bộ môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý thì Bộ nên giao cho các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng này tại các địa phương các ngày trong tuần và trong thời gian hè, nhưng phải xoay vòng giáo viên học đảm bảo có giáo viên giảng dạy tại trường.

Và quy định cụ thể trong thời gian đi tập huấn, bồi dưỡng sẽ được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có), bên cạnh đó được hỗ trợ chi phí đi lại, sinh hoạt,… trong quá trình học.

Giáo viên đã rất vất vả trong việc dạy, tập huấn các mô đun bồi dưỡng thường xuyên, các công tác khác,… nên tạo mọi điều kiện tối đa để giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng.

Vấn đề cuối cùng là giả sử một giáo viên học cao đẳng sư phạm Hóa – Sinh, tuy nhiên đã học hoàn chỉnh đại học môn Hóa, và chỉ dạy một môn Hóa cách đây hơn 20 năm, kiến thức môn Sinh cũng không còn, như vậy giáo viên trên khi đi học, bồi dưỡng có phải học môn Sinh và môn Lý hay chỉ học một môn Lý, nhưng thực chất kiến thức môn Sinh của giáo viên trên đã còn rất ít.

Trên đây là những thắc mắc, băn khoăn của người viết cũng như của một số giáo viên về việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên các môn tích hợp trong thời gian tới, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo giải đáp cho giáo viên được rõ.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=200355 (Nghị định 71/2020/NĐ-CP)

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-truong-cong-lap-duoc-ho-tro-100-kinh-phi-dao-tao-nang-chuan-post210618.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM