Ngày 26/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đợt 1 năm 2021. Theo kết quả thống kê thì kỳ thi năm nay cả nước có 24.318 bài thi điểm 10 nhưng cũng có tới 1.280 bài thi bị điểm liệt ở 9 môn thi.
Với 172 bài thi bị điểm liệt, trong đó có tới 26 bài thi bị điểm 0 nên môn Ngữ văn đứng ở vị trí thứ 2 về số môn có nhiều điểm liệt nhất trong kỳ thi vừa qua.
Đây có lẽ là một điều đáng buồn bởi đề môn Ngữ văn năm nay không khó, đáp án chấm môn Văn có phần thoáng, thí sinh dễ lấy điểm trung bình, trong đó có 2 câu ở phần đọc hiểu chỉ cần chép lại một vài câu văn trong đề bài đã có 1,5 điểm.
Vậy nhưng, vẫn có tới 26 thí sinh bị điểm 0 môn Văn trong kỳ thi cuối cùng của bậc học phổ thông thì thật là một điều đáng cho nhiều người suy nghĩ nhưng biết trách ai bây giờ ngoài việc các thí sinh phải tự trách mình?
Điểm Ngữ văn năm 2021, ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn |
Môn Ngữ văn xếp thứ 2 về số bài thi có điểm liệt cao nhất
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đợt 1 năm nay, cả nước có 1.280 bài thi bị điểm liệt.Cụ thể: môn Lịch sử với 540 bài thi; xếp thứ hai là môn Ngữ văn với 172 bài thi; thứ ba là môn tiếng Anh với 144 bài thi; môn Toán xếp thứ tư với 119 bài thi.
Tiếp theo là môn Địa lý với 118 bài; Sinh học có 75 bài thi; Hóa học có 58 bài; Giáo dục công dân 29 bài và môn Vật lý 25 bài thi.
Như vậy, chúng ta dễ dàng nhìn thấy môn Ngữ văn đứng ở vị trí thứ 2 về điểm liệt năm nay.
Nếu đem so sánh với 2 kỳ thi của 2 năm gần đây thì tỉ lệ điểm trung bình, điểm liệt môn Ngữ văn năm nay cũng không phải là thất vọng. Bởi vì năm 2019 thì môn Ngữ văn có điểm trung bình là 5,49 mà có tới 1.265 bài thi bị điểm liệt, trong đó có 9 bài điểm 0.
Năm 2020 điểm trung bình môn Văn là 6,62 điểm và có 119 bài thi đạt từ 1 điểm trở xuống, chiếm tỷ lệ 0,01%, trong đó có 19 bài điểm 0.
Kỳ thi đợt 1 năm 2021 vừa qua thì môn Văn có điểm trung bình là 6.47 điểm, trong đó, có 172 bài thi điểm liệt, chiếm tỷ lệ 0,02% số lượng bài thi nhưng có tới 26 thí sinh bị điểm 0.
Như vậy, điểm liệt môn Văn năm nay cao hơn năm 2020 một chút nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với kỳ thi năm 2019. Thế nhưng, với 172 thí sinh bị điểm liệt môn Văn vẫn khiến chúng ta phải buồn, phải thất vọng vì nhiều lẽ.
Bởi, lâu nay thì môn Văn vẫn là môn được xem là môn…“chống liệt” tốt nghiệp vì nhiều thí sinh quan niệm môn học này chỉ cần biết dăm câu, ba đoạn là qua được điểm liệt và hướng tới điểm trung bình.
Hơn nữa, nếu nhìn vào đề thi và đáp án môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay thì chúng ta thấy học sinh không cần phải học nhiều, chỉ cần chú ý một chút là dễ dàng đạt được điểm trung bình trở lên.
Bởi, phần đọc hiểu chiếm 3 điểm, thì có 1,5 điểm là “điểm cho” vì chỉ cần chép lại vài câu văn trong đề bài sang là có điểm tuyệt đối theo đáp án. Phần vận dụng thấp 2 điểm cũng tương đối nhẹ nhàng, có nhiều cách triển khai, liên hệ.
Phần vận dụng cao 5 điểm thì vào một số đoạn trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh nên đây không phải là một tác phẩm khó trong chương trình môn Ngữ văn lớp 12.
Điều đặc biệt là chủ đề bài thơ Sóng lại rất gần gũi với học trò ở lứa tuổi 18, 19... khi các em đã biết rung động, nhớ thương. Nhưng, dù đề thi có phần nhẹ nhàng như vậy mà vẫn có hàng trăm thí sinh không làm được.
Có tới 172 điểm liệt nhưng đáng buồn hơn cả là có tới 26 thí sinh bị điểm 0 môn Văn thì không biết trong suốt thời gian 120 phút làm bài thi thì những thí sinh này làm gì, viết gì mà có kết quả như vậy?
Vì sao điểm liệt môn Văn vẫn luôn nằm trong tốp đầu các môn học
Thực ra, ai cũng dễ dàng nhìn thấy là môn Ngữ văn rất được coi trọng trong nhà trường và trong các kỳ thi. Đây là môn học luôn có số tiết nhiều nhất ở các năm học và là môn thi bắt buộc trong thi tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, thi đánh giá năng lực…
Trong các môn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông hiện nay thì môn Ngữ văn là môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp và cũng là môn thi tự luận duy nhất.
Đề thi môn Văn những năm nay gần đây thì đa số thí sinh đều đánh giá đề là không khó, cấu trúc đề đã quá quen thuộc trong nhiều năm trời.
Qua các năm, nhiều giáo viên cũng nhận định là đề thi không hề đánh đố học trò và thực tế thì điểm văn hàng năm không thấp so với các môn thi khác.
Hơn nữa, đây là kỳ thi mà vừa lấy kết quả tốt nghiệp, vừa lấy kết quả xét tuyển đại học, những thầy cô chấm bài là người địa phương nên nói thật là học sinh chỉ cần viết có ý là giám khảo sẽ cho điểm.
Thế nhưng, điểm liệt môn Văn hàng năm luôn khiến cho nhiều người trăn trở vì năm 2019 là môn thi có điểm liệt nhiều nhất với 1.265 bài thi, chiếm 40% điểm liệt các môn.
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đợt 1 năm nay có 172 thí sinh điểm liệt, là môn đứng thứ 2 có điểm liệt nhiều nhất thì đâu là nguyên nhân của vấn đề?
Có phải môn Ngữ văn ở bậc phổ thông qua nhiều lần đổi mới vẫn nặng nề kiến thức hàn lâm, và tính ứng dụng thực tiễn không cao nên học trò thường không có hứng thú với môn học này chăng? Hay là tại thầy và trò ở các nhà trường?
Vì sao những thí sinh này lại dễ dàng vượt qua 12 năm học một cách ngoạn mục đến như vậy, nhất là kỳ thi tuyển sinh 10 để vào học Trung học phổ thông?
Có phải nhà trường, thầy cô vì bệnh thành tích mà đánh giá không chính xác nên mới có những sản phẩm lỗi như thế này?
Và, những thầy cô ở các nhà trường phổ thông mà có học sinh bị điểm liệt môn Văn, nhất là những thí sinh bị điểm 0 sẽ nghĩ gì về kết quả này, cũng như quá trình dạy dỗ và đánh giá, xếp loại học trò trong nhiều năm học?
Bởi, các em đã có 5 năm học môn Tiếng Việt, 7 năm học môn Ngữ văn mà cuối lớp 12 lại bị 0 điểm thì không chỉ kiến thức cơ bản bị hổng mà có lẽ các em chẳng có chút kiến thức gì về môn Văn nên đề bài có nhiều câu hỏi nhỏ nhưng không làm được câu nào hoặc làm câu nào cũng sai?
Nhưng có lẽ, nói gì thì nói, trách nhiệm và ý thức học tập của những thí sinh điểm 0 môn Văn đáng trách vô cùng bởi khi đã 18 tuổi đầu, đã trải qua nhiều kỳ thi thật, thi thử mà để bài Văn bị điểm 0 thì thí sinh phải tự trách mình trước đã.
Rõ ràng, rất nhiều vấn đề về việc đổi mới dạy và học Văn hiện nay đang bộc lộ những hạn chế và rất cần tháo gỡ. Bởi, một môn học đã dạy liên tục 12 năm, lại thi tự luận mà có tới 26 bài thi điểm 0 của học sinh cuối lớp 12 thì quả thật là rất buồn.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.