Theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1 năm 2021 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, ở môn tiếng Anh thì cả nước có gần 4.600 bài thi trong tổng số gần 870.000 thí sinh cả nước đạt được điểm 10.
Điểm trung bình của học sinh đạt 5,84, còn điểm trung vị là 5,6. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4, và gần 350.000 học sinh đạt điểm dưới trung bình (chiếm tỷ lệ 40,27%).
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về phổ điểm của môn thi tiếng Anh năm nay, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Trình độ ngoại ngữ, cách dạy và học ở các vùng miền thật sự là bị chênh lệch quá lớn, nhất là khi chuyển sang dạy và học trực tuyến do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Những học sinh ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa hầu như không thể có máy tính hay các thiết bị di động để học theo hình thức này.
Điều này đã thể hiện rất rõ qua kết quả thi môn tiếng Anh của kỳ thi tốt nghiệp trong đợt 1. Sổ học sinh có điểm thi tiếng Anh dưới trung bình, số học sinh có điểm cao đều lớn hơn những năm trước.
Phổ điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp, đợt 1 năm nay (ảnh: CTV) |
Thầy Đỗ Văn Dũng cho biết: Điều này chứng tỏ một điều rằng, các học sinh ở thành phố bây giờ được phụ huynh đầu tư rất nhiều vào việc học tiếng Anh. Em nào trước khi thi thì cũng có máy tính bảng, được học trực tuyến với các thầy cô giáo người nước ngoài.
Ngược lại rằng, các em học sinh ở vùng quê, vùng nông thôn thì chủ yếu chỉ học tiếng Anh qua sách giáo khoa, chưa kể đến trình độ của các giáo viên cũng có phần yếu hơn.
“Đây là sự bất công, bất cập rất lớn, mà tất cả chúng ta, kể cả những người đang làm trong ngành giáo dục cần phải giải quyết, hỗ trợ các em học sinh ở vùng nghèo khó trong các năm tới” – Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng kết luận.
Cũng đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh – Giám đốc Ban đảm bảo chất lượng giáo dục, Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng đưa ra ý kiến: Qua những gì thể hiện ở phổ điểm môn tiếng Anh thì có thể thấy sự bất bình đẳng trong việc dạy và học tiếng Anh.
Tỉnh, địa phương nào có kinh tế khá thì điểm thi tiếng Anh cao, còn ở vùng núi, vùng sâu vùng xa thì điểm thấp. Đó là sự phân cực rất rõ ràng.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, ảnh: Xuân Trung / GDVN. |
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh đưa ra giả thuyết, đó có thể là do năm nay, kỳ thi được diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát, có nhiều yếu tố xã hội tác động, chuẩn bị thi thì học trực tuyến môn tiếng Anh bị tác động nhiều hơn ở những vùng nghèo khó.
Tiếng Anh chính là môn học nhạy cảm nhất đối với các vùng miền. Những vùng nào kinh tế còn khó khăn, thì thông thường tiếng Anh sẽ là môn học không được quan tâm nhiều.
Theo Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, nhìn vào biểu đồ phổ điểm môn tiếng Anh năm nay còn cho thấy, chúng ta có nhiều dự án về học tiếng Anh, tuy nhiên nó chưa được hiệu quả lắm, hoặc coi chừng có thể đầu tư lệch, thay vì đầu tư cho người nghèo thì lại coi chừng đầu tư cho người giàu nhiều hơn.
Cô Vũ Thị Phương Anh đề nghị, cần có một chính sách để học sinh và sinh viên tiếp cận tốt hơn với môn tiếng Anh, vì dù sao các học sinh – sinh viên mà giỏi tiếng Anh thì vẫn tốt hơn, không có tiếng Anh thì thật sự quá thiệt thòi.
Về việc sự ảnh hưởng của phổ điểm môn tiếng Anh vào việc xét tuyển ở các trường đại học, thầy Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, truyền thông của Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh dự đoán, với phổ điểm này thì có thể ít nhiều gây khó khăn cho các trường đại học sử dụng môn tiếng Anh khi xác định điểm chuẩn.
“Muốn tuyển được thí sinh có chất lượng, có lẽ các trường đại học cần phải tính đến các điều kiện phụ” – thầy Phạm Thái Sơn kết luận.