Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, để góp một phần sức lực của mình, 165 giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng đã lên đường hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thái Nghĩa – Giám đốc trung tâm chẩn đoán y khoa, Trường Đại học Kỹ thuật Y – dược Đà Nẵng, thường trực ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID của trường và là Trưởng đoàn tình nguyện chống Covid-19 thông tin:
Đoàn tình nguyện của Trường Đại học Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng vào chi viện Thành phố Hồ Chí Minh gồm có 165 giảng viên, sinh viên chia làm 2 nhóm.
Nhóm 1 gồm 75 giảng viên, sinh viên lên chuyến bay ngày 19/7, nhóm còn lại 90 người bay vào ngày 21/7 (do chuyến bay Hà Nội – Sài Gòn chỉ có cách nhật).
Đoàn 165 người của Trường Đại học Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng chia làm 5 nhóm đến 5 địa điểm khác nhau trên địa bàn thành phố Thủ Đức (ảnh: NTCC) |
Khi vào tới nơi, đoàn được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận và phân công về thành phố Thủ Đức để tiến hành công việc chính là lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả người dân trong các phường trực thuộc thành phố Thủ Đức.
Tới nơi, đoàn 165 người của Trường Đại học Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng chia làm 5 nhóm đến 5 địa điểm khác nhau trên địa bàn thành phố Thủ Đức.
Vì các nhóm ở các nơi cách xa nhau, thậm chí làm nhiệm vụ trong khu phong tỏa do đó để điều hành được toàn bộ thì thầy Nguyễn Thái Nghĩa lập group để giao nhiệm vụ, kế hoạch cho từng trưởng nhóm bởi bản thân không tự di chuyển được, hoàn toàn phụ thuộc vào phương tiện di chuyển do thành phố Thủ Đức sắp xếp.
Thầy Nghĩa kể, tầm 19-20h hôm trước, thành phố Thủ Đức sẽ gửi kế hoạch mà thành phố dự kiến triển khai vào ngày mai đi đâu, nơi đó bao nhiêu dân, cần bao nhiêu điểm lấy mẫu…, "dựa vào đó tôi phân công cho các trưởng nhóm để thực hiện cho khớp với kế hoạch của thành phố", thầy Nghĩa nói.
Hình ảnh sinh viên trường Trường Đại học Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng tham gia lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại thành phố Thủ Đức (ảnh: NTCC) |
Do ở trường các em sinh viên đã được tập huấn về lấy mẫu xét nghiệm nhưng đó là lý thuyết, giờ đây khi thực chiến ban đầu có chút bỡ ngỡ tuy nhiên đi kèm ở các điểm lấy mẫu có giảng viên của nhà trường nên chỉ cần nhìn thầy cô làm 1-2 lần là các em không còn bỡ ngỡ nữa, dần làm được thuần thục.
“Sau mấy ngày, tôi nhận được phản hồi từ các địa phương có giảng viên, sinh viên của Nhà trường tham gia hỗ trợ đều gửi lời cảm ơn và đánh giá cách làm việc của thầy – trò Trường Đại học Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng rất chuyên nghiệp”, thầy Nghĩa chia sẻ.
Công việc truy vết đòi hỏi luôn chân, luôn tay
Cũng tham gia hỗ trợ chống dịch cùng thành phố Hồ Chí Minh, thầy trò trường Đại học Y tế Công cộng (Hà Nội) vào hỗ trợ chống dịch bắt đầu từ ngày 16/7. Đoàn có 105 người gồm 5 giảng viên và 100 sinh viên, được chia về các quận, huyện để làm công tác truy vết các ca nhiễm COVID-19.
Công việc tại nơi mỗi ngày có hàng ngàn ca nhiễm COVID-19 luôn trong trạng thái quá tải. Tuy nhiên, tinh thần làm việc của thầy và trò trường Đại học Y tế công cộng luôn ở mức cao nhất, ai cũng mong muốn hoàn thành tốt công việc, nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.
Từng có kinh nghiệm chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh, nhiều sinh trường Đại học Y tế Công cộng ngay sau khi vào Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt tay ngay vào công việc. Mọi người đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ với mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát.
Lan Anh, sinh viên K17 Đại học Y tế Công cộng tâm sự, công việc của chúng em bắt đầu từ sáng sớm đến tối muộn, yêu cầu sự tập trung và độ căng thẳng cao. Có những hôm thầy trò phải thức tới khuya để xây dựng những kế hoạch, nhưng ai cũng cố gắng, không nản chí.
Lan Anh, sinh viên K17 Đại học Y tế Công cộng tâm sự, công việc của chúng em bắt đầu từ sáng sớm đến tối muộn, yêu cầu sự tập trung và độ căng thẳng cao (ảnh: NVCC) |
Mỗi nhóm truy vết bao gồm 2-3 người, một bên sẽ gọi điện đến các F1 để lấy thông tin, một người khác sẽ nhập số liệu, ai cũng luôn chân, luôn tay. Công việc này nếu không được làm cẩn thận thì khả năng làm sai rất cao và phải truy vết lại từ đầu. Như thế sẽ ảnh hưởng tới nhiều người và mất thời gian.
Giờ đây, thầy Nghĩa, Lan Anh và tất cả mọi người đều hy vọng dịch bệnh COVID-19 nhanh hết để cuộc sống quay trở lại bình thường.