Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo Tập huấn do Ban quản lý chương trình ETEP (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức từ 25 - 27/11/2020 tại thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, đây là hội thảo rất quan trọng để cùng thống nhất kế hoạch, cách thức bồi dưỡng cũng như xây dựng kịch bản sư phạm trong việc bồi dưỡng giáo viên cốt cán cũng như giáo viên phổ thông đại trà và cán bộ quản lý.
Đặc biệt là việc kết nối giữa Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học sư phạm và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, lưu ý các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học sư phạm tham gia Chương trình ETEP quyết tâm triển khai thành công bồi dưỡng mô đun 2, 3, 4. Đây là ba mô đun quan trọng, quyết định sự thành công Chương trình 2018.
Theo Thứ trưởng, để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 với điểm đổi mới quan trọng là chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực của người học, đòi hỏi phải đổi mới tất cả các yếu tố tạo nên chất lượng từ mục tiêu, nội dung, phương pháp, đổi mới kiểm tra đánh giá…Và để thực hiện tốt Chương trình 2018 rất cần sự đổi mới thực sự từ đội ngũ nhà giáo.
Do vậy, cần tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên để giúp họ hiểu về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, hiểu môn học, về cách sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục, cách thức kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, để triển khai thành công Chương trình mới. Bởi đội ngũ giáo viên là người quyết định chất lượng đào tạo, là người trực tiếp tạo ra sản phẩm giáo dục.
Thứ trưởng chỉ đạo tất cả các tỉnh/thành phố cần triển khai tập huấn, bồi dưỡng đại trà cho giáo viên phổ thông mô đun 2,3,4 bằng Hệ thống LMS, đồng thời lưu ý các Sở Giáo dục và Đào tạo phải chủ động tham mưu cho tỉnh, thành phố để tất cả các giáo viên dạy lớp 1, lớp 2 và lớp 6 phải được bồi dưỡng qua Hệ thống LMS kịp thời, chất lượng.[1]
Dịch bệnh Covid-19, nên nhiều địa phương không thể triển khai bồi dưỡng chương trình mới theo đúng kế hoạch đề ra.
Có nơi đã hoàn thành mô đun 3, cũng có nơi đang triển khai mô đun 2 thì gặp dịch Covid-19 bùng phát, giãn cách xã hội, nên đành dang dở.
Như vậy, mục tiêu hoàn thành bồi dưỡng đại trà cho giáo viên phổ thông mô đun 2,3,4 để triển khai chương trình lớp 1,2,6 khó có thể đạt được trước khi vào năm học mới, khi chỉ còn 1 tháng nữa là năm học mới bắt đầu.
Làm thế nào để tạo thuận lợi cho giáo viên bồi dưỡng chương trình mới? (Ảnh minh hoạ: P.T) |
Bệnh “chứng chỉ” đang là vật cản giáo viên chủ động học bồi dưỡng chương trình mới?
Mô đun 2 “Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/THCS/THPT”;
Mô đun 3 “Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/THCS/THPT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực”;
Mô đun 4 “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/THCS/THPT”.
Thực tế, Chương trình ETEP không thể quyết định được thời gian, thời điểm bồi dưỡng cho giáo viên; giáo viên thực hiện bồi dưỡng mô đun nào, vào thời gian nào do Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo địa phương quyết định triển khai.
Giáo viên bồi dưỡng mô đun nào là do Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai; muốn chủ động học bồi dưỡng cũng không được, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo không “mở cửa” cũng đành chịu.
Ách tắc chủ yếu trong khâu triển khai khai bồi dưỡng chương trình mới ở các địa phương, chính là các địa phương không triển khai bồi dưỡng chương trình mới trực tiếp cho giáo viên trong các mô đun được.
Vì vậy, giáo viên không thể có sản phẩm Kế hoạch bài dạy… để “nộp bài cuối khóa” (bài kiểm tra chấm điểm tích lũy để cấp chứng chỉ) của mô đun.
Có thể nói, bệnh “chứng chỉ” đã “hành” giáo viên suốt thời gian qua, nay bệnh “chứng chỉ” đang là vật cản, cản trở giáo viên chủ động học bồi dưỡng mô đun 2, 3, 4…
Đôi điều kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo
Để thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, giáo viên phải tự chuyển đổi trong bản thân mình, từ tư duy giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang tư duy giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực của người học, đòi hỏi phải đổi mới tất cả các yếu tố tạo nên chất lượng từ mục tiêu, nội dung, phương pháp, kiểm tra đánh giá.
Muốn có những đổi mới mang tính “nội tại” trong mỗi giáo viên, giáo viên phải được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng, chủ động tham gia chương trình bồi dưỡng mô đun 1, 2, 3, 4…
Vì vậy, trước mắt do dịch bệnh, phải giãn cách xã hội, không thể tiến hành bồi dưỡng trực tiếp được, người viết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục “mở cửa” để bất cứ giáo viên nào đã được cấp tài khoản, có thể chủ động tự học, tự bồi dưỡng các mô đun 2, 3, 4….
Việc có sản phẩm Kế hoạch bài dạy… để “nộp bài cuối khóa” sau mỗi mô đun hãy để sau; quan trọng nhất bây giờ không phải là “Chứng chỉ”, mà là giúp giáo viên đổi mới tất cả các yếu tố tạo nên chất lượng từ mục tiêu, nội dung, phương pháp, kiểm tra đánh giá thông qua chương trình bồi dưỡng.
Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đổi mới phương thức bồi dưỡng mang tính chất truyền thụ kiến thức bằng phương thức phát triển phẩm chất, năng lực cho giáo viên, để giáo viên có hứng thú trong bồi dưỡng chương trình mới, thay vì chế tài bằng “chứng chỉ” để buộc giáo viên tham gia bồi dưỡng chương trình mới như hiện nay.
Sự thay đổi phương thức bồi dưỡng, hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực cho giáo viên, là bài học không cần lời, lan tỏa nhanh nhất mục tiêu đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến với mỗi nhà giáo.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://etep.moet.gov.vn/tintuc/chitiet?Id=1508
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.