Nóng bỏng tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng

16/11/2011 07:00
NGHĨA NHÂN/Pháp luật TPHCM
Có tới 48/63 tỉnh, thành xảy ra các vụ án liên quan đến tín dụng, bao gồm cả tín dụng đen và hoạt động ngân hàng.
Ngày 15-11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) nhóm họp phiên thứ 16, kể từ khi có Luật PCTN, với 8/10 thành viên là nhân sự mới, vừa bổ nhiệm theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH. Cuộc họp tập trung đánh giá công tác PCTN quý III và nhiệm vụ những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012.

Sai phạm hàng chục ngàn tỉ đồng

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng đang nổi lên với những vụ việc nghiêm trọng: lừa đảo, tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Công Thương (Chi nhánh Nhà Bè, TP.HCM) ước sai phạm 3.400 tỉ đồng; lừa đảo, tham nhũng tại Ngân hàng Phát triển (Chi nhánh Đắk Lắk) sai phạm 1.000 tỉ đồng; Công ty Công chính tại Lâm Đồng lừa đảo, chiếm đoạt của nhiều ngân hàng 500 tỉ đồng...

Đáng chú ý, tổng cộng 22 vụ án lớn trong hoạt động tín dụng, ngân hàng có giá trị sai phạm hàng chục ngàn tỉ đồng, trên 3.000 lượng vàng nhưng việc phát hiện lại chủ yếu qua đơn thư tố cáo, chứ không phải từ thanh tra, kiểm toán.
Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết trước diễn biến bất thường này, ngành đã yêu cầu các địa phương báo cáo án thì thấy có tới 48/63 tỉnh, thành xảy ra các vụ án liên quan đến tín dụng, bao gồm cả tín dụng đen và hoạt động ngân hàng. Đã xuất hiện những lúng túng trong việc xử lý các vụ việc loại này, nhất là về đánh giá chứng cứ, tội danh, xác định thiệt hại...
Trước tình hình này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương, gợi ý mở hội nghị chuyên đề để có đánh giá đầy đủ về tình hình, thống nhất nhận thức áp dụng pháp luật khi xử lý tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng vốn rất nhạy cảm, kể cả về xác định trách nhiệm người đứng đầu tổ chức tín dụng khi để xảy ra tội phạm, thất thoát.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Tham nhũng giảm thật hay là chưa bị lộ?
Tổng hợp báo cáo của các cơ quan tố tụng trung ương cho thấy trong chín tháng đầu năm, việc khởi tố, truy tố, xét xử án tham nhũng giảm cả về số lượng và số bị can/bị cáo. Đáng chú ý, trong quý III, có tới 13 tỉnh như Khánh Hòa, Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Nam, Tuyên Quang... báo cáo không phát hiện, khởi tố được vụ tham nhũng nào.
Thủ tướng đề nghị phân tích rõ, chặt chẽ hơn về tình hình tham nhũng và kết quả công tác PCTN. “Dự thảo báo cáo nói đạt kết quả tích cực, đấy là liệt kê những việc đã làm như tuyên truyền, hoàn thiện thể chế, thực hiện các giải pháp phòng ngừa. Nhưng đánh giá vào bản chất, hiệu quả thì sao? Cả ba con số điều tra, truy tố, xét xử tham nhũng đều giảm, liên tục mấy năm liền.

Vậy là tham nhũng giảm thật hay vẫn còn mà điều tra, truy tố chưa ra? 13 tỉnh không phát hiện vụ tham nhũng nào, là không có tham nhũng hay có mà không làm?” - Thủ tướng đặt câu hỏi.
Thủ tướng cũng nêu cảm nhận rằng thời gian gần đây tố cáo đông người, đơn thư giảm nhiều. Đi tiếp xúc cử tri, thấy bà con quan tâm nhiều tới các vấn đề kinh tế, xã hội hơn là tệ nạn tham nhũng. Nhưng chỉ cảm nhận như vậy chưa đủ để đánh giá thực trạng tham nhũng. Thủ tướng yêu cầu: “Ban Chỉ đạo chúng ta cần đánh giá sâu sắc. Nếu cần thiết thì lập đoàn về 13 tỉnh kia, xem thực hư công tác PCTN ở đó thế nào”.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết qua theo dõi của ngành công an thì tình hình tham nhũng vẫn còn rất phức tạp. Số vụ việc khởi tố, truy tố, xét xử giảm chưa phản ánh hết tình hình. Theo ông, việc 13 tỉnh cả quý không phát hiện được vụ tham nhũng nào là “có vấn đề”. “Thực tế, khá nhiều vụ là do Bộ phát hiện, chứ không phải tự địa phương. Sau đó mới cân nhắc, phân cấp về cho tỉnh điều tra, xử lý” - ông nói.
Có xu hướng “kéo dài, teo tóp, giảm nhẹ”

3.000 lượng vàng (số tròn) và hàng chục ngàn tỉ đồng là tổng giá trị sai phạm của 22 vụ án lớn trong hoạt động tín dụng, ngân hàng đã phát hiện trong thời gian qua.

Ở góc nhìn của cơ quan công tố, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết tập thể lãnh đạo Viện đã họp, đánh giá về hiện tượng việc xử lý án tham nhũng có xu hướng “kéo dài, teo tóp, giảm nhẹ” và thấy rằng “cần đánh giá lại chất lượng điều tra ban đầu”. Theo ông, trước đây, khi trinh sát vẫn còn là một giai đoạn tương đối độc lập, việc điều tra tiền tố tụng được triển khai khá kỹ. Từ khi sửa Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, trinh sát gắn nhiều với điều tra tố tụng, nên giai đoạn điều tra “có vấn đề chất lượng”.
Cũng theo ông Bình, dường như có khoảng trống sau khi giải thể Ban Nội chính Trung ương. Trước đây, khi còn Ban Nội chính, những vụ án lớn, nghiêm trọng, có vướng mắc hoặc ý kiến đánh giá khác nhau, Ban thường đứng ra phân giải, đánh giá, nên việc xử lý án khá nhanh gọn. Còn nay, nhiều vụ án tham nhũng rơi vào tình trạng có ý kiến, nhận thức khác nhau, hồ sơ trả tới trả lui, chậm tiến độ.

Mặt khác, theo ông Bình, nhận thức khác nhau còn do thiếu văn bản hướng dẫn những vấn đề hay gặp phải trong án tham nhũng. “Ban Chỉ đạo Trung ương cần tăng cường việc chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan ra văn bản hướng dẫn, trước hết là các vấn đề liên quan đến tội phạm trong xây dựng cơ bản và lĩnh vực mới nổi sóng là tín dụng - ngân hàng” - ông Bình kiến nghị.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng lo ngại về những bất cập trong các văn bản pháp luật phục vụ cho việc đấu tranh, điều tra tham nhũng. Luật PCTN quy định 12 hành vi tham nhũng nhưng Bộ luật Hình sự đến nay mới chỉ hình sự hóa bảy hành vi. Giám định tư pháp vẫn là khâu yếu, làm chậm tiến độ xử lý án, nhất là các vụ liên quan đến xây dựng cơ bản. Một khó khăn nữa là tội phạm có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều, trong khi hiệp định tương trợ tư pháp của Việt Nam ký với các nước chưa nhiều, gây khó khăn rất lớn cho việc điều tra.
Đẩy mạnh thông tin trên báo chí
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Văn phòng Ban Chỉ đạo tiếp thu các ý kiến, tham mưu cho Ban Chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra việc hướng dẫn các vấn đề vướng mắc trong xử lý án tham nhũng. Thời gian tới, PCTN cần tập trung vào những mảng nóng như thu hồi đất, giao đất; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, khi đã phát hiện các hành vi tham nhũng, phải xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật… với những bản án thích đáng, đủ sức răn đe; đồng thời kịp thời biểu dương, khen thưởng và có các biện pháp bảo vệ những cá nhân phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng.
Thủ tướng cũng đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng nhưng phải bảo đảm tính khách quan, trung thực; tránh thổi phồng sự kiện làm dư luận hiểu lầm sự vụ là “đầu voi đuôi chuột”.
NGHĨA NHÂN/Pháp luật TPHCM