Nữ giảng viên điều dưỡng giúp sản phụ "vượt cạn" thành công trong vùng dịch

08/08/2021 06:29
Ngọc Quang
GDVN- Trong tình thế vô cùng nguy cấp, cô Trương Bảo Vy đã bình tĩnh xử lý để sản phụ sinh bé gái thành công ngay tại nhà.

Vừa hết ca trực tầm soát Covid-19 buổi sáng tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh), đang chuẩn bị trở về khu tập trung để nghỉ trưa thì cô Trương Bảo Vy – Giảng viên Trường Cao đẳng Viễn Đông bất ngờ nhận được thông tin có một nữ sản phụ trở dạ sắp sinh ngay tại nhà, không còn đủ thời gian tới bệnh viện.

Cô Vy xúc động nhớ lại: “Hôm ấy là vào ngày 30/7, chồng của chị ấy chạy đến báo tin vô cùng lo lắng. Lúc xảy ra tình huống này thì không có nữ hộ sinh của trạm y tế, còn các anh chị khác đang tham gia chống dịch thì chưa có kinh nghiệm về vấn đề này nên không dám xử lý.

Thực tế thì em không thuộc chuyên ngành sinh sản, nhưng nhờ có nhiều năm kinh nghiệm dẫn sinh viên đi thực tập ở các khoa sản nên em xung phong đỡ đẻ. Do tình thế nguy cấp, chỉ có em và một chị thuộc bệnh viện ung bướu địa phương cầm theo dụng cụ chạy đến nhà sản phụ. Tới nơi thì bé đã ra đời, còn dây rốn tím tái, em liền vào hỗ trợ hồi sức cho bé, cắt rốn, chăm sóc mẹ.

Lúc mới tới thấy bé bắt đầu tím, em cũng lo lắm, nhưng may là có kinh nghiệm nên em cũng đủ khả năng ứng phó với tình huống đó. Khi bé cất tiếng khóc, niềm vui như vỡ òa trong căn phòng nhỏ”.

Nữ giảng viên Trương Bảo Vy và những giọt mồ hôi hạnh phúc sau khi giúp phụ sản sinh bé gái thành công ngay tại nhà (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: NN

Nữ giảng viên Trương Bảo Vy và những giọt mồ hôi hạnh phúc sau khi giúp phụ sản sinh bé gái thành công ngay tại nhà (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: NN

Cô Trương Bảo Vy chia sẻ, lúc nhận được tin báo là phải thật nhanh chạy đến nhà sản phụ, không có thời gian để mặc đồ bảo hộ phòng chống Covid-19 và gia đình em bé lúc ấy cũng chưa qua tầm soát, xét nghiệm. Tuy vậy, trong tình huống nguy cấp thì chỉ có một mục tiêu duy nhất là phải thật nhanh để xử lý phù hợp giữ gìn sự an toàn cho cả mẹ và bé chứ chẳng còn thời gian nghĩ tới sự an toàn của bản thân.

“Cũng thật may mắn là sau khi sinh bé xong, cả gia đình được xét nghiệm nhanh và đều có kết quả âm tính. Đây là một kỷ niệm rất đáng nhớ trong cuộc đời của em, trong lúc phải đối diện với muôn vàn khó khăn khi chống dịch thì lại được trực tiếp chào đón bé gái ra đời”, cô Vy tâm sự.

Cô Trương Bảo Vy (sinh năm 1994) vốn là cựu sinh viên Trường Cao đẳng Viễn Đông. Tốt nghiệp với thành tích học tập ấn tượng, cô Vy đã được mời ở lại trường làm giảng viên. Suốt 1 tháng qua, Cô Vy cùng 37 giảng viên, sinh viên của trường đã chi viện, có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác phòng, chống dịch tại huyện Hóc Môn.

Hiện nay đội tình nguyện của Trường Cao đẳng Viễn Đông (tổng cộng 38 người) phân chia về 12 xã của huyện Hóc Môn, phối hợp cùng các lực lượng khác tiến hành tầm soát, đưa những trường hợp bị mắc Covid-19 cách ly và điều trị.

Theo dự kiến đoàn tình nguyện thực hiện nhiệm vụ 14 ngày (từ ngày 10/7), nhưng do diễn biến dịch phức tạp nên địa phương đề nghị đoàn tiếp tục tham gia thêm 10 ngày (nâng tổng số ngày tình nguyện lên 24 ngày). Tuy nhiên, tới ngày 2/8, Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn tiếp tục có công văn gửi tới Trường Cao đẳng Viễn Đông đề nghị tạo điều kiện cho phép 38 giảng viên và sinh viên tiếp tục tham gia công tác phòng, chống dịch thêm một thời gian do số ca nhiễm virus và nghi nhiễm tại địa phương vẫn còn rất cao (đã có hơn 4.100 ca nhiễm và hơn 1.100 ca nghi nhiễm).

Trước đó, để động viên đoàn tình nguyện chống dịch, Thạc sĩ Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông đã trực tiếp tới huyện Hóc Môn thăm hỏi, động viên và trao kinh phí hỗ trợ cho từng giảng viên, sinh viên.

Thầy Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông thăm và tặng kinh phí hỗ trợ cho các tình nguyện viên chống dịch. Ảnh: TH.

Thầy Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông thăm và tặng kinh phí hỗ trợ cho các tình nguyện viên chống dịch. Ảnh: TH.

Cô Vy cho biết: “Thời gian tham gia phòng chống dịch kéo dài và phải làm việc trong thời tiết nóng bức, mặc đồ bảo hộ kín nên nhiều hôm các tình nguyện viên bị xuống sức, cũng rất mệt, nhưng đều động viên nhau cùng cố gắng, bởi vì nếu bây giờ chúng em rút về cũng không có lực lượng thay thế.

Khó khăn gian khổ chúng em đều cố gắng vượt qua, nhưng cũng mong người dân nâng cao ý thức cùng phòng chống dịch. Trên thực tế ý thức của nhiều người dân không tốt nên dẫn tới sự lây lan nhiều và phức tạp vô cùng. Có khu trọ 38 người sinh sống thì qua xét nghiệm đã phát hiện 17 người bị nhiễm và chắc chắn sẽ tăng lên vì họ sinh hoạt chung không đeo khẩu trang. Chúng em rất buồn vì nếu như vẫn còn nhiều người không có ý thức giữ gìn như vậy thì công sức của chúng em và các lực lượng đổ bể hết”.

Vì dịch bệnh phức tạp mà kế hoạch kết hôn của cô giáo Trương Bảo Vy đã phải tạm hoãn tới 4 lần. Hiện nay, chồng sắp cưới của cô Vy công tác tại Hội chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai và cũng đang ngày đêm tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19.

“Lần gần nhất, chúng em dự kiến đăng ký kết hôn vào ngày 27/7, nhưng do cả hai đều đang tham gia cuộc chiến chống dịch nên tiếp tục phải hoãn. Mong là tình hình sẽ tốt lên để tới tháng 10 chúng em có được một tổ ấm nhỏ. Bố mẹ hai bên đều mong chờ nhưng cũng hiểu và ủng hộ chúng em tham gia chống dịch, bảo vệ sức khỏe bà con nhân dân”, cô Vy chia sẻ.

Đội tình nguyện tới nhà dân thực hiện tầm soát, chống dịch. Ảnh: NN.

Đội tình nguyện tới nhà dân thực hiện tầm soát, chống dịch. Ảnh: NN.

Dù đã tham gia phòng chống dịch Covid-19 tròn 1 tháng nhưng khi có đề nghị từ Uỷ ban nhân dân huyện Hóc Môn, thầy và trò Trường Cao đẳng Viễn Đông đã đồng ý tiếp tục kéo dài thời gian tình nguyện.
Trần Vương Như Quỳnh (quê xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ:
“Em vừa mới tốt nghiệp ngành điều dưỡng đa khoa khoá 11 Trường Cao đẳng Viễn Đông, đúng dịp trường tổ chức đoàn tình nguyện nên em đăng ký tham gia chống dịch. Em được phân công làm nhiệm vụ tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, hàng ngày tiếp nhận những ca F1 và lấy mẫu xét nghiệp của họ.

Em đi chống dịch ở nhà ba mẹ đều rất lo lắng, một phần cũng vì tình hình dịch diễn biến căng thẳng. Hàng ngày, ba mẹ đều gọi điện dặn con gái chú ý an toàn, ăn uống đầy đủ đảm bảo sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ.

Mấy ngày đầu tham gia tình nguyện chưa quen, phải mặc đồ bảo hộ kín và làm việc dưới trời nắng liên tục nên có hôm em bị cảm, nhưng có thầy cô và các bạn chăm sóc - động viên nên nhanh chóng vượt qua.

Có lẽ nhiệm vụ tình nguyện còn dài và còn nhiều khó khăn, song chúng em sẽ cùng nhau nỗ lực cố gắng và cũng mong nhân dân nâng cao ý thức phòng chống dịch để đạt được kết quả tốt hơn”.

Hồ Quốc Anh (quê xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) chia sẻ: “Em vừa tốt nghiệp chuyên ngành xét nghiệm Trường Cao đẳng Viễn Đông và đăng ký tình nguyện cùng các thầy cô đi chống dịch, mong rằng có thể góp một phần sức lực nhỏ bé của mình bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thực sự thì đi chống dịch cũng có những lo lắng nhất định, nhưng mình là nhân viên y tế thì xác định cho dù khó khăn cũng phải vượt qua.

Hiện em đang chi viện cùng các thành viên tại xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn), hàng ngày làm 2 ca sáng chiều, lấy mẫu và truy vết F0. Mỗi ca làm việc như vậy kéo dài 4 tiếng, sau đó chúng em còn phải phân chia nhau trực ca tối. Thời tiết trong này nắng nóng nên thì ai cũng ướt đẫm cả ngày, nhưng phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, đến giờ chúng em đã rất quen với điều ấy.

Ban đầu khi biết em đăng ký đi chống dịch ba mẹ rất lo lắng, nhưng sau nhiều lần thuyết phục thì ba mẹ cũng đồng ý cho em góp sức lực để bảo vệ đất nước. Hàng ngày, ba mẹ đều gọi điện động viên em, chính điều đó giúp em có thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nhà trường và địa phương cũng rất quan tâm tới điều kiện ăn nghỉ nên mọi người đều thấy yên tâm.

Những ngày chống dịch có rất nhiều chuyện xúc động, em nhớ nhất là có lần khi lấy mẫu những ca nghi nhiễm lúc nhìn kết quả em gần như chết lặng vì trong gia đình ấy bố mẹ thì âm tính nhưng bé 2 tuổi và bé 7 tháng tuổi thì dương tính. Người mẹ nhìn kết quả không tin vào mắt mình, chị ấy đã khóc rất nhiều và chúng em cũng không thể kiềm được cảm xúc. Cuối cùng, chị ấy dù có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng đã xin được đi cùng chăm sóc cho hai bé phải đến khu cách ly, điều trị".

Ngọc Quang