Bình Dương đang là một trong những tỉnh trở thành "điểm nóng" phòng chống dịch Covid-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, 314 cán bộ giảng viên, sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một đã xung phong tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ Dầu Một bày tỏ: “Đây chính là lúc cả xã hội phải cùng chung sức đồng lòng, quyết tâm đẩy lùi giặc Covid-19. Chúng tôi, các giảng viên, sinh viên của trường cũng luôn trong tâm thế sẵn sàng đó, chỉ cần được điều động, chúng tôi không ngại lên đường, cùng toàn tỉnh, cùng tổ quốc chống dịch.
Hiện tại, các khu phòng học, giảng đường của trường cũng đã được trưng dụng làm khu cách ly tập trung với sức chứa đến 500 người. 314 giảng viên, sinh viên cũng tình nguyện đến làm nhiệm vụ tại các huyện thị khác nhau, thực hiện các nhiệm vụ chống dịch".
Trường Đại học Thủ Dầu Một hỗ trợ thực phẩm cho các em sinh viên đang bị mắc kẹt tại tỉnh Bình Dương. (Ảnh: NVCC) |
Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức phát quà hỗ trợ thực phẩm cho sinh viên đang bị mắc kẹt tại trường và tại tỉnh Bình Dương, khi các em không thể về quê trong thời gian dịch bùng phát. Hiện tại có khoảng 2000 sinh viên đang mắc kẹt vì dịch và luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ trường.
Tích cực cùng tỉnh nhà chống dịch nhưng mọi hoạt động đào tạo, giảng dạy của Trường Đại học Thủ Dầu Một vẫn được tổ chức bình thường trên các nền tảng trực tuyến.
Là người kết nối và làm việc với các đội tình nguyện đang tham gia chống dịch, thầy Võ Trà Nam - Trưởng phòng Công tác Sinh viên cho biết: “Từ đợt dịch đầu tiên cho đến nay, các thầy cô và sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một luôn sát cánh cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Tỉnh Đoàn trong các hoạt đồng phòng chống Covid-19. Tùy vào tình hình thực tế, có những đoàn ra quân ngắn hạn, có đoàn làm nhiệm vụ dài hạn.
Đặc biệt trong đợt dịch thứ tư này, đoàn tình nguyện của trường tập trung lực lượng với quyết tâm cao, phân chia thành các đội hình chống dịch để thực hiện từng nhiệm vụ khác nhau”.
Các tình nguyện viên được tập huấn kỹ lưỡng để thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm. (Ảnh: NVCC) |
Cụ thể, đội hình đầu tiên tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm. Đây là công việc mang tính chuyên môn cao nên các thành viên của đoàn đã được Sở Y tế tập huấn bài bản, kỹ lưỡng trước khi nhận nhiệm vụ.
Thứ hai là đội hình hỗ trợ công tác lấy mẫu và tiêm vaccine phòng Covid-19 với công việc là hướng dẫn người dân xếp hàng, đảm bảo khoảng cách khi đến lấy mẫu hoặc tiêm phòng vaccine.
Đội hình thứ ba của trường làm công việc tại các điểm chốt giao thông trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, có các đội tình nguyện làm công tác nhập liệu, đảm bảo cập nhật các dữ liệu về người dân trong công tác lấy mẫu và tiêm phòng vaccine.
Một số giảng viên, sinh viên của trường còn tham gia vào công việc đặc biệt là trực tổng đài 1022 - Tổng đài tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Những chiến binh trẻ vừa phải đảm bảo việc học hành thi cử, vừa nhiệt tình trong các hoạt động chống dịch. (Ảnh: NVCC) |
“Đợt dịch này số ca nhiễm tăng nhanh, diễn biến dịch bệnh phức tạp nên rất cần nhân lực ra quân làm nhiệm vụ. Trước đây, chủ yếu sinh viên ngành y làm nhiệm vụ chuyên môn là lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay các đoàn y tế còn phải thực hiện công việc tiêm vaccine, hỗ trợ chăm sóc, điều trị bệnh nhân nên chuyển công tác tập huấn lấy mẫu cho các đội tình nguyện khác.
Dẫu không phải sinh viên ngành y nhưng sau khi được tập huấn kỹ về các hoạt động chuyên môn cũng như kiến thức phòng chống dịch, giảng viên và sinh viên của trường quyết tâm lên đường, góp sức cùng đồng bào vượt qua giai đoạn khó khăn. 100% tình nguyện viên cũng đã được tiêm vaccine phòng dịch Covid-19”, thầy Nam chia sẻ.
Trong thời gian này, mọi công việc, hoạt động giảng dạy của trường vẫn được tiến hành bình thường qua hình thức trực tuyến. Đây cũng là một trong những khó khăn với các tình nguyện viên đang làm nhiệm vụ.
Nhiều giảng viên, sinh viên vừa có lịch giảng dạy, học tập vừa có lịch đi chống dịch. Chính vì vậy, các nhóm phải phối hợp và phân chia công việc một cách hợp lý, cùng hỗ trợ cho nhau để đảm bảo được cả hai nhiệm vụ. Những sinh viên nào có lịch học, lịch thi thì đồng đội phải cùng hỗ trợ để em đó được ưu tiên cho việc học, thi cử của mình.
“Áp lực về thời gian, áp lực công việc là thế nhưng các tình nguyện viên vẫn luôn hăng hái, nhiệt tình, sẵn sàng cống hiến và dấn thân vào tâm dịch. Chúng tôi luôn giữ vững quyết tâm ban đầu, cùng nhau đẩy lùi “giặc Covid”.
Nhà trường và các thầy cô tự hào về những chiến binh trẻ, không ngại khó khăn hiểm nguy, cống hiến cho quê hương để một ngày các em được trở lại giảng đường, và cuộc sống của người dân cũng trở lại bình thường như trước”, thầy Nam tâm sự.
Cũng theo thầy Nam, để động viên tinh thần các thầy cô và các em sinh viên tham gia chống dịch, Tỉnh ủy và nhà trường đã có chính sách hỗ trợ các tình nguyện viên vững tâm trong cuộc chiến chống lại kẻ thù Covid-19.