Trong Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, điểm xét tốt nghiệp Trung học phổ thông cho học sinh theo công thức gồm: 70% là điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, còn lại là 30% điểm trung bình học bạ lớp 12 của học sinh.
Việc cơ cấu điểm học bạ chiếm 30% điểm xét tốt nghiệp cũng tạo ra những ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, cơ cấu 30% điểm học bạ trung học phổ thông lớp 12 như một chiếc “phao cứu sinh” đối với học sinh yếu, khó mà có thể đánh giá được năng lực thực sự của học sinh đó.
Thầy Phan Thành Công - Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình. Ảnh: moet.gov.vn |
Tuy nhiên, cũng có những luồng ý kiến khác cho rằng, trong tương lai đây sẽ là một phương án phổ biến theo cả quá trình học tập của học sinh. Đặc biệt, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương, thì độ chênh lệch giữa điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ của các học sinh không “vênh” nhau là mấy.
Trước những luồng ý kiến trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy Phan Thành Công - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình, để lắng nghe những chia sẻ dưới góc độ của một người đứng đầu ngành giáo dục của một tỉnh.
Phóng viên: Trong Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, cơ cấu điểm xét tốt nghiệp gồm 70% là điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, còn lại là 30% được lấy từ điểm trung bình học bạ lớp 12. Thầy đánh giá về phương án tính điểm này thế nào?
Thầy Phan Thành Công: Trước tiên, thay mặt ngành giáo dục tỉnh Ninh Bình tôi xin cảm ơn quý Tạp chí đã dành sự quan tâm đến các chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo nói riêng và sự quan tâm đến sự nghiệp phát triển giáo dục của địa phương nói riêng.
Theo tôi, khi áp dụng phương án sử dụng cơ cấu 30% điểm học bạ trong việc xét tốt nghiệp Trung học phổ thông thì trước hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tính đến các yếu tố, quan trọng nhất đó là tính thực chất. Bởi, khi đưa một chủ trương gì các cơ quan quản lý cũng đã cân nhắc rất kỹ.
Phóng viên: Với tình hình thực tiễn của địa phương, các năm học áp dụng cách tính điểm này có điểm gì nổi lên thưa thầy?
Thầy Phan Thành Công: Thực tế, đối với tình hình giáo dục trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, qua những kỳ thi tốt nghiệp được chúng tôi tổ chức thì có thể nhận thấy rõ ràng một điều là độ lệch về điểm thi và điểm trung bình học bạ của các học sinh lớp 12 hầu như là rất ít, đô chênh lệch không cao.
Như vậy, có thể khẳng định một điều là, khi đưa vào áp dụng thì dù có căn cứ theo điểm học bạ với tỷ lệ 30% thì nó cũng đã phản ánh rất sát tình hình học tập của học sinh đó.
Chính vì tỷ lệ chênh lệch giữa điểm thi tốt nghiệp và học bạ ít như vậy, nên với ngành giáo dục của Ninh Bình, việc điểm xét tốt nghiệp của học sinh với cơ cấu 30% điểm trong học bạ của học sinh hoàn toàn nó không có gì ảnh hưởng đến việc đánh giá thực chất năng lực học tập của học sinh đó cả.
Phóng viên: Dưới góc độ và kinh nghiệm của người đứng đầu ngành giáo dục của một tỉnh, theo thầy thì cần làm gì để việc áp dựng cơ cấu tính điểm như trên đem lại hiệu quả thiết thực với giáo dục các địa phương?
Thầy Phan Thành Công: Để có thể đưa ra những nhận định thật sát sườn về việc này thì trước hết, toàn ngành giáo dục của địa phương ấy phải thật đồng lòng thực hiện.
Tất nhiên, bất cứ một phương án nào khi được đưa ra nó cũng được cơ quan quản lý cân nhắc rất kỹ lưỡng. Và tính thiết thực của nó như thế nào thì buộc phải chờ qua thời gian thẩm định, đánh giá trong quá trình thực hiện thực tế, khi ấy chúng ta mới có thể cho ra những phát ngôn chuẩn xác được.
Ở một số địa phương khác, có thể có độ lệch nhất định khi đánh giá giữa điểm thi thực tế và điểm xét trong học bạ lớp 12, nhưng với tình hình giáo dục của Ninh Bình thì các tỷ lệ này đang rất sát nhau. Chúng tôi đang áp dụng rất tốt.
Việc xét tốt nghiệp Trung học phổ thông với cơ cấu 30% điểm học bạ đang để lại những ý kiến trái chiều. Ảnh minh hoạ: Thuỳ Linh |
Phóng viên: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 xảy ra, nhiều học sinh đã không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo xét đặc cách tốt nghiệp cho các em. Chắc chắn, điểm học bạ lúc này là một căn cứ quan trọng và về lâu dài, việc giữ cơ cấu này sẽ khiến các em nỗ lực trong toàn bộ quá trình học tập ở trường phổ thông, thưa thầy?
Thầy Phan Thành Công: Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp như hiện nay, khi mà rất nhiều địa phương có thời gian bị giãn cách xã hội trùng với thời điểm thi tốt nghiệp thì việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán đến phương án đảm bảo việc hoàn thành tốt nghiệp chương trình đúng lộ trình là một điều hết sức cần thiết.
Ngoài ra, cách làm này cũng sẽ đảm bảo được chất lượng thí sinh và tính minh bạch trong công tác xét công nhận tốt nghiệp cho các học sinh.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn thầy!