Nếu tính toàn tỉnh Bình Thuận cho đến thời điểm này thì số người mắc Covid-19 cũng chưa phải là nhiều so với nhiều tỉnh thành khác. Tuy nhiên, nếu tính riêng thị xã La Gi với 110 ngàn dân nhưng số người mắc Covid-19 đã chiếm gần 1% tổng dân số của toàn thị xã.
Trường học đã trở thành khu cách ly (Ảnh P.T) |
Năm học mới sắp cận kề, điều làm những nhà giáo chúng tôi lo lắng nhất là dạy và học thế nào đây? Khai giảng có thể tổ chức online nhưng triển khai việc dạy và học bằng online ngay tại nơi đây là điều không thể.
Mặc dù, hình thức dạy học online đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Bộ có "kịch bản" chung nhưng mỗi địa phương tùy theo tình hình thực tế, đặc thù các vùng, miền phải có "kịch bản" của địa phương để triển khai năm học.
Trong đó có nhiều phương án khác nhau để sẵn sàng chuyển trạng thái từ dạy học trực tuyến sang trực tiếp và ngược lại hoặc kết hợp các hình thức dạy học khác nhau”.
Nhiều cơ sở giáo dục trở thành bệnh viện dã chiến và khu cách ly
Với tỷ lệ 1% người nhiễm Covid-19 tại thị xã La Gi hiện nay mà trong đó nhiều thầy cô giáo hiện là F0, F1, nhiều cơ sở giáo dục đã trở thành khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến, một số thầy cô giáo khác đang được tăng cường phụ trách công tác phòng, chống dịch thì thật khó khăn để triển khai năm học mới trong thời gian sớm nhất.
Một khó khăn lớn nữa, tỷ lệ giáo viên được tiêm vắc xin còn quá ít, chỉ mới triển khai cho giáo viên mầm non, trung học phổ thông và một số ít thầy cô giáo ở tâm dịch của thị xã cùng với ban giám hiệu các trường.
Giáo viên tiểu học và trung học cơ sở cũng như nhiều người dân của thị xã vẫn chưa tiếp cận được với vắc xin. Vì thế, để tạo ra miễn dịch cộng đồng nơi đây vẫn còn khá lâu.
Dạy online gần như là không thể
Nói là thị xã nhưng người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông và nghề biển. Vì thế, điều kiện kinh tế không ít gia đình vẫn gặp khó khăn. Một bộ phận phụ huynh nghỉ học sớm, ít tiếp cận với công nghệ thông tin. Đây chính là thách thức lớn khi nhà trường triển khai giảng dạy online.
Nếu vì bất đắc dĩ, học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông có thể triển khai hình thức học online dù không đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, với bậc tiểu học mà đặc biệt là học sinh lớp 1 và 2 vẫn đang là thách thức lớn.
Với học sinh lớp 1, chương trình và sách giáo khoa lại quá nặng, giáo viên dạy trực tiếp còn “bở hơi tai” mà học sinh còn chưa nắm được bài. Nay, tổ chức dạy online liệu có ổn không?
Phần lớn học sinh lớp 1 đang cần nghe cô giảng, cô hướng dẫn trực tiếp, làm theo cô từng bước nhỏ như đọc mẫu, viết theo mẫu…nhiều em cô phải làm mẫu nhiều lần, phải cầm tay để làm theo mà vẫn chưa học được thì nay giảng trực tuyến thật khó với các em.
Đó là chưa nói đến việc các em chưa biết kết nối với giáo viên, chưa biết các thao tác để duy trì tiết học…rồi mạng chập chờn, thiết bị học không có, làm sao có thể huy động đủ 100% học sinh tham gia?
Người viết bài đã từng kết nối với học sinh của lớp để dạy ôn tập hè cho học sinh bằng phần mềm Zoom, tuy nhiên cả 32 phụ huynh của lớp đều có lý do rất chính đáng.
Người nói rằng không biết tải phần mềm, không biết để hướng dẫn con học. Người nói rằng nhà em không có máy vi tính, có cái điện thoại cà dật thì 2 đứa dành nhau sao học? Người nói nhà mình không có mạng nên chịu thôi…
Gửi đề ôn cho học sinh mùa dịch bệnh (Ảnh P.T) |
Tôi đã phải soạn đề, phô tô và phát về cho phụ huynh hướng dẫn cho các em ôn tập. Sau một tuần, giáo viên sẽ chấm, sửa bài và trao cho đề mới. Cùng với đó là gửi bài ôn lên Zalo, tin nhắn qua facebook, emai…
Tuy thế, với cách dạy này nếu không có sự hỗ trợ nhiệt tình của phụ huynh thì xem như thua.
Những cách dạy như thế chỉ dùng để ôn tập. Nếu như để dạy bài mới thì gần như không thể được. Bởi, học sinh tiểu học cần được nghe giảng, được thực hành mẫu sau đó mới làm.
“Kịch bản” nào cho giáo dục ở thị xã La Gi?
Nếu tình hình dịch bệnh của thị xã vẫn chưa được kiểm soát thì giáo dục quê tôi sẽ thế nào?
Nếu hết tháng 9 học sinh mới quay lại trường thì vẫn không đáng lo lắm. Bởi, theo khung chương trình học kỳ 1 sẽ có thêm khoảng 2 tuần dự trữ gọi là (tuần 18A, 18B). Học kỳ II sẽ có khoảng 1 tuần dự trữ là tuần (35B), rồi thời gian nghỉ Tết có thêm 1 tuần dư.
Thế nên sẽ lấy những tuần dự trữ và tuần dư bù vào thời gian học do nghỉ Covid vào tháng 9 thì xem như cũng vừa thời gian. Nhưng nếu như hết tháng 9 học sinh vẫn chưa thể tựu trường thì sẽ thế nào?
Chắc chắn áp dụng dạy online như nhiều tỉnh thành khác cho học sinh tiểu học là điều không thể. Tuy nhiên, thị xã La Gi có lợi thế, những trường học nơi đây đều dạy 2 buổi/ngày. Buổi một phần lớn dạy kiến thức mới, buổi hai dạy ôn tập thực hành.
Nếu học sinh tựu trường quá chậm so với thực tế thì ngành giáo dục địa phương cần có hướng dẫn chạy chương trình vào cả buổi hai. Những tiết ôn tập, thực hành sẽ được đưa về nhà cho phụ huynh hỗ trợ.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.