Giáo viên không ngại học bồi dưỡng, chỉ sợ tốn tiền vô lý

16/08/2021 06:50
Đỗ Quyên
GDVN- Thầy cô giáo kêu ca việc học không phải chuyện sợ học bồi dưỡng mà kêu vì phải mất tiền trong khi cuộc sống chủ yếu trông chờ vào đồng lương ít ỏi hàng tháng.

Hằng năm, giáo viên các cấp thường xuyên phải học rất nhiều khóa bồi dưỡng ít thì một buổi, vài ngày nhiều thì tự bồi dưỡng cả tuần, nửa tháng và cả năm.

Từ những bồi dưỡng chuyên môn cấp trường, cấp tổ như bồi dưỡng phương pháp dạy học mới, chuyên đề mới, bồi dưỡng cách đánh giá học sinh, cách đánh giá giáo viên theo chuẩn mới, bồi dưỡng về chương trình, sách giáo khoa, bồi dưỡng thường xuyên…

Những buổi học bồi dưỡng thế này do nhà trường, phòng/sở tổ chức giáo viên sẽ không tốn tiền đóng góp (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: ubnd_longbien@hanoi.gov.vn)

Những buổi học bồi dưỡng thế này do nhà trường, phòng/sở tổ chức giáo viên sẽ không tốn tiền đóng góp (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: ubnd_longbien@hanoi.gov.vn)

Hiện nay, trong giai đoạn thay chương trình và sách giáo khoa mới, nhiều giáo viên tiếp tục được đề xuất phải học bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ như Chương trình bồi dưỡng giáo viên Tin học dạy môn Tin học và Công nghệ ở Tiểu học; Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy các môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên.

Cũng có những ý kiến của một số người ngoài ngành cho rằng là giáo viên thì phải lo học tập bồi dưỡng chứ kêu ca gì? Hay, giáo viên không học tập bồi dưỡng thường xuyên thì lấy kiến thức đâu để dạy? Bồi dưỡng là đúng rồi, đừng kêu ca nhiều nữa…

Chúng tôi không sợ học bồi dưỡng, chỉ sợ mất tiền vô lý

Khoản tiền giáo viên đã phải bỏ cho việc học bồi dưỡng kiến thức kỹ năng từ trước đến nay là không hề nhỏ. Chỉ tính sơ sơ như quy định về việc giáo viên phải có chứng chỉ Tin học, ngoại ngữ (trước đây học phí cao lại tốn tiền ăn uống, đi lại, thuê nhà ở) có người mất hơn chục triệu đồng/chứng chỉ.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp người mất ít thì hai triệu rưỡi, người mất nhiều khoảng 5 triệu đồng. Nay đề xuất học tiếp mấy chứng chỉ tích hợp, học phí sẽ từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/chứng chỉ.

Giáo viên ở một số tỉnh thành khác còn phải bỏ ra 300 ngàn đồng/người để được đăng nhập vào hệ thống để được học bồi dưỡng chương trình mới.

Thầy cô giáo kêu ca không phải chuyện sợ học bồi dưỡng mà kêu vì phải mất tiền trong khi cuộc sống của giáo viên chủ yếu trông chờ vào đồng lương hàng tháng.

Là một giáo viên đang đứng lớp, tôi thấy rằng nếu học bồi dưỡng không mất tiền thì chẳng ai kêu ca. Điều làm nhiều thầy cô giáo bức xúc, chán nản và bất bình vì một số chương trình bồi dưỡng kiến thức đã buộc nhiều nhà giáo phải chắt bóp đồng lương ít ỏi mình để lấy cái chứng chỉ có mỗi tác dụng kẹp vào hồ sơ,

Những đồng lương ít ỏi của nhà giáo hàng tháng, phải cố tằn tiện các khoản chi tiêu may ra mới đủ nhưng vẫn phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để nộp cho các khóa học bồi dưỡng, rồi sau đó lại kéo cày trả nợ đến hết năm.

Chưa xong món nợ chứng chỉ này lại đẻ ra món nợ chứng chỉ khác và cứ thế có giáo viên trở thành con nợ chứng chỉ cả đời.

Hãy cho chúng tôi học online nhưng không phải nộp học phí

Khác với nhiều ngành nghề khác, kiến thức có thể chỉ học một thời gian nhất định và kinh nghiệm làm việc sẽ dạy tiếp cho họ.

Thế nhưng, là nhà giáo thì phải xác định học cả đời. Giáo viên biết mười dạy một mới là giáo viên giỏi. Nên câu, học, học nữa, học mãi sẽ chẳng bao giờ sai với những người làm thầy.

Có điều, Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy cho những nhà giáo chúng tôi được tự học, hoặc học online vào những khoảng thời gian sau hè (tháng 8) và không phải đóng một khoản tiền như cách mà chúng tôi đang học các mô-đun cho chương trình mới hiện nay.

Để chắc chắn giáo viên sẽ học, các bài học cần được thiết kế ngắn gọn, xúc tích theo các mô-đun. Giáo viên nào học xong sẽ được cấp một giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học.

Những khóa bồi dưỡng thế này dù mất thời gian nhưng lại không mất tiền. Bởi thế, giáo viên vẫn chấp hành tốt và sẽ không ý kiến gì.

Đỗ Quyên