LTS: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Tiến sĩ Hoàng Xuân Vinh, Đại học Quốc gia Hà Nội góp ý về các chính sách, chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo theo góc nhìn của ông.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này. Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.
Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của công cuộc cải cách giáo dục. Những thành quả của nó không thể nhìn thấy ngay mà phải qua thời kỳ phát triển chúng ta mới có sự nhìn nhận và đánh giá được. Sự thành công hay không luôn gắn với vận mệnh của quốc gia dân tộc.
So sánh và nhìn nhận qua sự phát triển của những quốc gia có sự tương đồng về văn hóa với Việt Nam như Nhật Bản, Singapore, Philippines là bài học cho cuộc cải cách này.
Nhật Bản với bề dày về thời gian bắt đầu từ cuộc cách mạng Minh Trị với định hướng đúng đắn đã đưa đất nước phát triển đuổi kịp phương Tây.
Singapore là đất nước non trẻ với tư duy đổi mới độc lập cũng tạo nên những đột phá trong quá trình phát triển.
Philippines là một nước tương tự như Việt Nam thoát ra từ sự đô hộ của phương Tây (Mỹ) nhưng với tư duy phụ thuộc trong cải cách đất nước vẫn chưa phát triển. Đây là những bức tranh để chúng ta so sánh, rút ra bài học cho mình.
1. Nhìn vào sự phát triển của Nhật Bản
Ta hãy bắt đầu từ cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân (Meiji Ishin) của Nhật Bản. Cuộc cách mạng này được diễn ra từ năm 1868 nghĩa là cách đây 153 năm, một cuộc cải cách lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Cuộc cải cách không chỉ làm thay đổi căn bản xã hội Nhật Bản mà còn có những ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều quốc gia châu Á.
Cuộc cách mạng đã làm thay đổi hình thái xã hội, thiết lập chính quyền, phát triển kinh tế, văn hóa đặc biệt là cải cách về giáo dục ở Nhật Bản.
Vậy cải cách về giáo dục trong cuộc cách mạng này có ý nghĩa gì trong sự phát triển của Nhật Bản hôm nay?
Ngay từ năm Minh Trị thứ 5 (1872), Chính phủ Nhật Bản đã thể hiện quyết tâm xây dựng hệ thống giáo dục mới theo đó triết lý đơn giản của họ là “Để mọi người có thể lập thân, gây dựng sản nghiệp và sinh sống. Nhờ đó có thể tu thân, khai mở tri thức và nâng cao tài nghệ”.
Phương châm của nước Nhật lúc bấy giờ là: “Giáo dục theo khoa học kỹ thuật phương tây”. Chính phủ Minh Trị cũng đã cải cách hệ thống giáo dục theo hình mẫu của các nước Âu Mỹ, du nhập sách giáo khoa và chú trọng các môn học về khoa học tự nhiên, kỹ thuật... và cử những người tài sang phương tây học tập.
Theo thống kê, hằng năm (từ 1875 đến 1885) mỗi năm nước Nhật có khoảng 20 lưu học sinh với tổng số có “250 lưu học sinh quốc phí và 123 lưu học sinh tư phí” du học các nước phương tây.
Những người này sau khi về nước đã có thể thay thế các chuyên gia nước ngoài và đóng vai trò quan trọng trong các cơ quan Chính phủ, cũng như góp phần đào tạo lớp trí thức mới, tầng lớp đóng vai trò thúc đẩy quá trình tiến bộ của Nhật Bản.
Một nhà giáo dục của Nhật Bản thời bấy giờ Fukuzawa Yukichi cũng đã mở trường Keio Gijuku với “Phương châm giáo dục: dạy chủ yếu về khoa học tự nhiên và giáo dục tinh thần độc lập”. Theo ông, đó chính là hai điểm ưu việt của nền giáo dục phương Tây so với phương Đông.
Theo một số nhà nghiên cứu của Việt Nam “Có thể còn một số điều cần bàn cãi, nhưng sự lựa chọn văn minh phương Tây để giữ vững độc lập dân tộc và phát triển đất nước đã được lịch sử chứng minh là một sự lựa chọn sáng suốt.
Và để sự lựa chọn đó được coi là đúng đắn thì không thể không kể đến sự khôn khéo và bài bản trong cách thức tiếp thu, chia sẻ tri thức.
Có thể nói những cách thức đó là “bí quyết” giúp Nhật Bản thực hiện thành công công cuộc Minh Trị Duy tân, qua được thử thách của thời đại.
Cải cách Minh Trị là tiền đề để phát triển Nhật Bản trở thành Quốc gia như hiện nay trong đó có sự phát triển của các doanh nghiệp hùng mạnh của Nhật Bản, tạo nên giá trị và sức mạnh Nhật Bản trong bối cảnh phát triển của thế giới hiện nay.
2. Sự trỗi dậy của Singapore
Sự phát triển của Singapore không xuất phát lâu dài như Nhật Bản mà bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước khi Singapore trở thành nước độc lập.
Thành công của họ có nhiều nguyên nhân tuy nhiên một trong những nguyên nhân ấy là sự phát triển của nền giáo dục.
Cũng như Nhật Bản, Singapore cải cách nền giáo dục với phương châm học tập sự tiến bộ của phương tây áp dụng cho đất nước Singapore.
Với ngôn ngữ Tiếng Anh là chủ đạo, coi trọng giáo dục tiểu học là nền tảng hình thành thế hệ trẻ có kiến thức và tinh thần dân tộc.
Giáo dục định hướng bắt đầu từ bậc tiểu học đang là đặc điểm nổi trội của nền giáo dục này.
Giáo dục định hướng giúp cho học sinh hướng nghề nghiệp, học tập của mình phù hợp với năng lực để sau này có nguồn nhân lực hiệu quả.
Hầu hết các sinh viên ở Singapore sau khi ra trường được sử dụng đúng với nghề nghiệp của mình được đào tạo trong hệ thống giáo dục.
Có thể thấy rằng hệ thống giáo dục đang giúp cho Singapore đào tạo và phát triển nguồn nhân lực quốc gia một cách hiệu quả.
3. Phát triển đi ngang của Philippines
So với Singapore, Philippines là nước có lịch sử lâu đời nhiều năm bị thống trị bởi Hoa Kỳ và chịu ảnh hưởng bởi Hoa Kỳ. Tuy nhiên nhìn về sự phát triển, Philippines hiện nay còn kém xa so với Singapore mặc dù thời điểm cải cách xã hội của Philippines diễn ra trước nhiều so với Singapore (Philippines giành độc lập 1945).
Như vậy Philippines có lợi thế phát triển hơn nhiều nhưng tại sao lại chậm phát triển như vậy. Sẽ có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong các nguyên nhân chủ yếu bắt đầu nền giáo dục.
Với nhiều năm đô hộ bởi Hoa Kỳ cho đến khi danh được độc lập, Philippines chủ trường phát triển nền giáo dục phương tây với hình thức vận dụng tuyệt đối mô hình.
Mặc dù Philippines là nước đa ngôn ngữ nhưng ngôn ngữ chủ yếu sử dụng là ngôn ngữ Filipino và tiếng Anh là những ngôn ngữ chính thức.
Có thể thấy, Philippines cũng như Nhật Bản và Singapore đều có phương châm học tập mô hình giáo dục và văn minh phương tây. Nhưng khác với hai nước còn lại Philippines vận dụng tuyệt đối mô hình.
Điều này làm cho tính “độc lập” trong sự phát triển không còn nguyên vẹn. Tư duy về phát triển của dân tộc gắn với thời đại đang bị mất đi không còn động lực để phát triển.
Đó là những yếu tố “cốt tử” trong sự phát triển của đất nước gắn với tư duy phụ thuộc. Như vậy sao chép nền giáo dục của phương tây một cách nguyên vẹn không phải là lựa chọn cho sự phát triển quốc gia.
Tiến sĩ Hoàng Xuân Vinh (áo trắng ngồi giữa) tại hội thảo toán học, Đại học Quốc gia Philippines. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
4. Hàm ý cho Việt Nam
Với chương trình giáo dục 2018 được coi là cuộc cải cách gần đây nhất của giáo dục Việt Nam với nhiều khẩu hiệu và chương trình hành động.
Bắt đầu là khung chương trình với Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT trong đó ngoài vấn đề “dạy chữ, dạy người” chương trình cũng nêu được vấn đề “định hướng nghề nghiệp” nhằm làm thay đổi nền giáo dục hiện nay từ “dạy kiến thức” sang “nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.”
Chương trình đã được áp dụng cho các lớp 1 năm học 2020 – 2021, và cuốn chiếu cho những năm sau.
Bước đầu chương trình có nhiều đổi mới trong đó có: Đổi mới về các môn học cho từng lớp, từng cấp và đổi mới về phương pháp dạy học.
Vấn đề đặt ra là quan niệm xã hội đối với giáo dục, hành động của chính phủ và quá trình biên soạn sách giáo khoa, đổi mới giáo viên là khâu mấu chốt trong định hướng nền giáo dục trong chiến lược phát triển quốc gia trong từng thời kỳ và định hướng lâu dài.
Nhật Bản, từ Cách mạng Minh Trị đến khi đuổi kịp phương tây, đất nước họ chia thành 5 giai đoạn. Trong mỗi giai đoạn đoạn họ vận dụng lợi thế trong đó có phát triển nguồn nhân lực quốc gia mà giáo dục là trọng tâm.
Đồng thời phát huy lợi thế của các nước đi sau mà “lợi thế dùng công nghệ, tư bản và các nguồn lực kinh doanh khác của các nước đi trước để phát triển nhanh rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước. Nếu tự nghiên cứu để tìm công nghệ mới, tự mình tiết kiệm để tích lũy tư bản thì tốc độ phát triển sẽ chậm và khó đuổi kịp các nước đi trước. Nhật Bản là nước rất tích cực phát huy lợi thế này trong đó chủ yếu là du nhập công nghệ”.
Có lẽ trong giáo dục định hướng cần nêu rõ những điểm cụ thể để phát triển nguồn nhân lực quốc gia theo định hướng đó mà chỉ có con đường sử dụng công nghệ phương tây là bài học mà Nhật Bản để lại quý giá cho ta. Vậy Việt Nam cần có những bài học gì trong cải cách giáo dục hiện hành?
Theo một số nhà nghiên cứu Việt Nam có những bài học sau đây:
Thứ nhất, xác định vai trò quan trọng của giáo dục và đầu tư cho giáo dục cao tương xứng với vai trò đó. Bài học này đã được Việt Nam xác định với các nghị quyết của Đảng, Quốc Hội và Chính phủ. Vấn đề cần được thể chế hóa trong quá trình thực hiện.
Bài học của Minh Trị Duy tân là: “giáo dục có tác động sâu rộng đến năm vấn đề cơ bản: (i) Sự phồn vinh vật chất của mỗi nước; (ii) Thương nghiệp của mỗi nước; (iii) Lợi ích trong công nghiệp, nông nghiệp của mỗi nước; (iv) Trạng thái đạo đức, xã hội của mỗi nước; (v) Hiệu quả về mặt chính trị, pháp luật”.
Thứ hai, tiếp thu toàn diện văn minh phương Tây. Họ cho rằng “giáo dục chính là chiếc chìa khoá bí mật tạo nên sức mạnh của phương Tây và nó cũng không phải là một cái gì không thể tiếp thu được”. Phát minh của nhân loại là sản phẩm chung của loài người, nước nào vận dụng được nhanh hơn, tốt hơn thì sẽ có lợi và phát triển nhằm đuổi kịp nền văn minh đó.
Thứ ba, đổi mới chương trình dạy học. Bài học của Minh Trị là “Chương trình và chất lượng dạy học bị ảnh hưởng từ chương trình giảng dạy của Mỹ và các nước phương Tây; hệ thống sách giáo khoa cũng được sửa đổi liên tục theo hướng hiện đại hoá và đáp ứng được các nhu cầu của xã hội.
Nguyên tắc tiếp thu văn minh phương Tây trên cơ sở duy trì bản sắc dân tộc được Nhật Bản quán triệt trên tinh thần bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống, đặc biệt là duy trì các giá trị nội dung giáo dục đạo đức. Chính phủ Nhật Bản chủ trương “kỹ nghệ phương Tây, đạo đức phương Đông”. Theo đó, môn Tu thân (đạo đức) luôn là môn học được quan tâm trong nhà trường Nhật Bản.”
Việc cải cách giáo dục của Việt Nam đang diễn ra tuy nhiên chưa thấy một triết lý nào là chủ đạo mà hình như ở mỗi môn học đang học tập một chương trình nào đó của một nước nào đó chưa có sự định hướng hay thống nhất rõ ràng.
Thứ tư, coi trọng đội ngũ giáo viên, mời các chuyên gia cố vấn. Với bài học này, Việt Nam cần đầu tư kinh phí, lựa chọn chuyên gia, cố vấn của nước ngoài đến với Giáo dục Việt Nam trong tinh thần Việt Nam “Đi tắt đón đầu” nhằm đuổi kịp các nước tiên tiến.
Thứ năm, cử sinh viên ra nước ngoài học tập. Bài học này đã được Việt Nam vận dụng. Cho đến nay có rất nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh đang học tập ở các nước tiên tiến như Mỹ, Anh Quốc, Nhật Bản,… bằng nhiều hình thức khác nhau.
Tuy nhiên vấn đề ở đây là Chính Phủ cần có định hướng để những kiến thức đó được quay về để phục vụ quốc gia theo chiến lược quốc gia.
Thứ sáu, xây dựng mô hình tự chủ, tự trị trong đại học. Bài học này Việt Nam mới bắt đầu với những định hướng “tự chủ đại học” của chính phủ. Tuy nhiên tốc độ diễn ra đang rất chậm. Cải cách cơ chế, đặc biệt là hành lang pháp lý thúc đẩy tự chủ chưa quyết liệt. Các trường Đại học quen với cơ chế bao cấp chưa sẵn sàng. Nguồn nhân lực cho hướng này chưa sẵn sàng cho một cuộc cải cách sâu và rộng.
Tóm lại, giáo dục là quan trọng trong quá trình quản trị quốc gia. Nếu được Chính phủ và hệ thống giáo dục hiện nay đầu tư, thúc đẩy quá trình cải cách giáo dục một cách có hiệu quả thì chất lượng nguồn nhân lực quốc gia sẽ được nâng cao hướng đến phát triển và thịnh vượng. Bài học của các nước đi trước như Nhật Bản, Singapore, Philippines đang có giá trị cho Việt Nam hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Văn Thọ, Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Anh Thu (Đồng chủ biên), Minh trị duy tân 150 năm nhìn lại. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2020.
2. Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Chương trình giáo dục phổ thông, NXB Đại học sư phạm 2020.