Sau một năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận còn nhiều hạn chế trong đó có vấn đề chuẩn bị đội ngũ giáo viên.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mặc dù các địa phương đã chủ động nhiều giải pháp nhưng tình trạng thừa, thiếu giáo viên vẫn xảy ra ở nhiều địa phương trong nhiều năm qua và chưa được giải quyết một cách căn bản do nhiều nguyên nhân như việc bố trí biên chế, tuyển dụng, hợp đồng, điều chuyển giáo viên, dự báo nhu cầu, chuẩn bị nguồn tuyển, xây dựng Đề án vị trí việc làm… ở địa phương còn nhiều khó khăn; quy mô dân số hằng năm tăng theo tỷ lệ tăng tự nhiên, tăng dân số cơ học ở các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp, việc di dân tự do của đồng bào miền núi phía Bắc vào vùng Tây Nguyên; thiếu nguồn tuyển dụng…;
Tỷ lệ giáo viên/lớp ở cấp tiểu học nhiều nơi chưa đạt 1,50 theo quy định thậm chí chỉ đạt tỷ lệ là 1,20 (10 tỉnh có tỷ lệ giáo viên/lớp thấp nhất là: Hải Dương 1,2; Gia Lai 1,21; Thái Nguyên 1,22; Tuyên Quang 1,22; Thanh Hóa 1,23; Nghệ An 1,26; Hưng Yên 1,26; Bắc Ninh 1,27; Quảng Nam 1,27; Bình Dương 1,27).
Ảnh minh họa: Lã Tiến |
Bên cạnh đó, đối với cấp tiểu học, việc đào tạo, bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học còn nhiều khó khăn, bất cập. So với số lượng giáo viên hiện có thì cấp tiểu học vẫn còn thiếu khoảng 6.348 giáo viên Tin học và 5.107 giáo viên Tiếng Anh. Việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học hiện đang gặp một số khó khăn mang tính đặc thù.
Lý do được chỉ ra là, một số địa phương chưa tính đến giáo viên tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học trong định mức phân bổ số lượng người làm việc; thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, Tin học cho cấp tiểu học.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc triển khai các kế hoạch công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của các địa phương đã phải lùi thời gian, thay đổi hình thức... dẫn đến chậm tiến độ. Một số địa phương còn khó khăn, lúng túng trong việc bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đặc biệt, việc ban hành Thông tư hướng dẫn lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn chậm, dẫn tới nhiều dịa phương còn lúng túng trong việc bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động này.