Bộ mới nghĩ được 4 chủ đề thì “tích hợp” Lịch sử với Địa lý làm gì cho khổ?

21/08/2021 07:50
HƯƠNG MAI
GDVN- Chủ trương đưa hàng trăm ngàn giáo viên đi bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp, mỗi chứng chỉ có giá từ 3- 5,4 triệu đồng cũng khiến cho đội ngũ nhà giáo băn khoăn lắm.

Môn Lịch sử và Địa lí là 1 trong 2 môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở được bắt đầu thực hiện ở lớp 6 từ năm học 2021-2022 tới đây đang nhận được sự quan tâm của nhiều thầy cô giáo sẽ dạy môn học này.

Sự quan tâm nhiều hơn kể từ ngày 21/7 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở.

Tuy nhiên, đọc Quyết định này, cũng như Chương trình môn học, sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí lớp 6 thì chúng tôi thấy rằng sự khác biệt lớn nhất của môn học này là có 4 chủ đề chung cho cả 2 phân môn.

Còn lại, về cơ bản thì khối lượng kiến thức của 2 phân môn này vẫn được trình bày riêng biệt. Thế nhưng, từ sự thay đổi này đã kéo theo những tốn kém khá nhiều tiền bạc của Nhà nước và đội ngũ nhà giáo mà chất lượng thì chưa thể khẳng định được điều gì trong lúc này.

Tác giả sách giáo khoa viết riêng từng phân môn nhưng yêu cầu giáo viên dạy tất cả Ảnh: Nguyễn Cao

Tác giả sách giáo khoa viết riêng từng phân môn nhưng yêu cầu giáo viên dạy tất cả

Ảnh: Nguyễn Cao

4 năm học ở cấp Trung học cơ sở có 4 chủ đề chung

Ngày 2/1/2018, trên trang VOV - Báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Việt Nam có bài viết: "Môn Lịch sử trong sách giáo khoa mới sẽ thay đổi như thế nào?", phỏng vấn Phó giáo sư Tiến sĩ Nghiêm Đình Vỳ (thành viên của nhóm biên soạn chương trình sách giáo khoa mới).

Lúc đó, thầy Nghiêm Đình Vỳ chia sẻ: “Ở cấp Trung học cơ sở, học sinh phải học những thứ truyền thống và chuyên sâu theo thông sử.

Nhưng dự kiến cũng sẽ tích hợp giữa Lịch sử và Địa lí trong nội dung cụ thể của chương và theo các chủ đề chung.

Hiện tại, nhóm đã nghĩ ra được 4 chủ đề: Chẳng hạn chủ đề biển đảo, chủ đề đô thị, chủ đề Việt Nam trên con đường đổi mới, chủ đề văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long...”. [1]

Nhiều phản biện của đội ngũ chuyên gia, nhà giáo trên cả nước lúc bấy giờ không làm thay đổi được quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi "tích hợp" môn học Lịch sử và môn học Địa lí đang độc lập thành môn học mới với tên gọi là Lịch sử và Địa lí.

Và rồi, chương trình môn học chính thức được ban hành, cả môn học Lịch sử và Địa lí có 4 chủ đề cho 4 năm học Trung học cơ sở.

Năm học 2021-2022 tới đây, ngành giáo dục sẽ triển khai thực hiện dạy môn Lịch sử và Địa lí ở lớp 6. Để trang bị kiến thức cho đội ngũ nhà giáo dạy môn học mới này thì ngày 21/7 vừa qua, Bộ đã ban hành Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý.

Trong phần cơ sở đề xuất chương trình của quyết định này đã nhấn mạnh đến nội dung tích hợp như sau:

Chương trình môn Lịch sử và Địa lí ở Trung học cơ sở đã xác định, Lịch sử và Địa lí là môn học bắt buộc, được dạy học từ lớp 6 đến lớp 9. Môn Lịch sử và Địa lí cấp trung học cơ sở gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng.

Mức độ tích hợp được thể hiện ở ba cấp độ: tích hợp nội môn (trong từng nội dung giáo dục lịch sử và giáo dục địa lí); tích hợp nội dung lịch sử trong những phần phù hợp của bài Địa lí và tích hợp nội dung địa lí trong những phần phù hợp của bài Lịch sử; tích hợp theo các chủ đề chung.

Các mạch kiến thức lịch sử và địa lí được kết nối với nhau nhằm soi sáng và hỗ trợ lẫn nhau.

Ngoài ra, môn học có thêm một số chủ đề mang tính tích hợp, như: bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam: đô thị - lịch sử và hiện tại; văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; các cuộc đại phát kiến địa lí,...

Mạch nội dung của phân môn Lịch sử được sắp xếp theo logic thời gian lịch sử từ thời kỳ nguyên thủy, qua cổ đại, trung đại, đến cận đại và hiện đại. Trong từng thời kỳ, không gian lịch sử được tái hiện từ lịch sử thế giới, khu vực đến Việt Nam để đối chiếu, lý giải, làm sáng rõ những vấn đề lịch sử.

Mạch nội dung của phân môn Địa lí được sắp xếp theo logic không gian là chủ đạo, đi từ Địa lí tự nhiên đại cương đến Địa lí các châu lục, và sau đó tập trung vào các nội dung của Địa lí tự nhiên Việt Nam, Địa lí dân cư và Địa lí kinh tế Việt Nam.

Mặc dù hai mạch nội dung được sắp xếp theo logic khác nhau, nhưng nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau. Bốn chủ đề chung mang tính tích hợp cao được phân phối phù hợp với mạch nội dung chính của mỗi lớp”.[2]

Việc “tích hợp nội môn”; “tích hợp nội dung lịch sử trong những phần phù hợp của bài Địa lí và tích hợp nội dung địa lí trong những phần phù hợp của bài Lịch sử” thì lâu nay vẫn đang thực hiện ở các nhà trường.

Vấn đề khác biệt còn lại của môn học này là nhóm viết chương trình “đã nghĩ ra được 4 chủ đề” chung mà thôi.

Nội dung sách giáo khoa lớp 6 vẫn bố trí phần Lịch sử và phần Địa lí riêng biệt, 2 nhóm tác giả sách giáo khoa cũng bố trí riêng, phân môn nào của ai thì người đó viết.

Dù hy vọng rất nhiều nhưng chỉ có 4 chủ đề chung, bình quân mỗi năm học có 1 chủ đề mà xóa đi 2 môn học đã hiện hữu hàng trăm năm qua quả là đáng tiếc vô cùng cho lần thay đổi chương trình lần này để rồi lên đến cấp Trung học phổ thông thì môn học này lại tách thành 2 môn độc lập.

Số tiền cho việc bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp sẽ rất lớn

Được biết, đề án viết lại chương trình, sách giáo khoa mới được thầy Phạm Vũ Luận, thầy Nguyễn Minh Hiển manh nha năm 2008, chính thức đặt vấn đề năm 2011 và đến 2014 thì được thông qua bằng Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Thế nhưng, năm 2021-2022, khi mà các môn học tích hợp được đưa vào giảng dạy thì ngành giáo dục vẫn chưa có được lớp giáo viên tích hợp đúng nghĩa ra trường.

Trong 6 đối tượng mà Bộ Giáo dục chủ trương đưa vào học bồi dưỡng để lấy chứng chỉ tích hợp theo Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT có cả sinh viên năm cuối của các trường cao đẳng sư phạm.

Như vậy, có nhanh cũng phải một vài năm nữa thì ngành giáo dục mới có những lớp giáo viên tích hợp đầu tiên ra trường để đảm nhận công việc giảng dạy các môn học tích hợp.

Giáo viên đang dạy các môn học độc lập hiện nay là Lịch sử và môn Địa lí, thậm chí cả sinh viên năm cuối sư phạm phải học chứng chỉ tích hợp mới “được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Lịch sử và Địa lí”.[2]

Chúng tôi làm phép tính đơn giản, mỗi tỉnh tính trung bình có 7 00 giáo viên Sử, Địa thì 63 tỉnh thành sẽ có khoảng 50 ngàn giáo viên trong diện phải bồi dưỡng chứng chỉ.

Theo thông báo giá mà một số trường đại học đã chiêu sinh, lớp 20 tín chỉ có giá 3 triệu đồng, lớp 36 tín chỉ có giá 5,4 triệu đồng thì số tiền phí đào tạo cho môn học này sẽ lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Số tiền này, dù là ngân sách Nhà nước chi trả hay giáo viên đóng góp cũng sẽ là rất lớn. Ngoài ra, việc giáo viên học tập tại các trường đại học sư phạm cũng sẽ phát sinh thêm rất nhiều tiền ăn ở, đi lại.

Nếu cộng thêm cả giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, giáo viên Tin học ở cấp Tiểu học nữa thì số tiền sẽ gấp nhiều lần vì số lượng giáo viên môn Khoa học tự nhiên còn nhiều hơn giáo viên môn Lịch sử và Địa lí.

Nhưng, khi có chứng chỉ rồi thì cũng rất khó để hy vọng những giáo viên này dạy tốt như chuyên môn mình đã được đào tạo và dạy đơn môn lâu nay.

Trong khi đó, nó còn kéo theo rất nhiều khó khăn trong việc phân công giảng dạy, tổ chức làm đề kiểm tra, vào điểm ở các nhà trường trong những năm tới đây mà trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài phân tích của các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học mổ xẻ, phản biện, góp ý.

Dù không dám nghĩ nhiều về chất lượng giáo dục đối với các môn tích hợp trong tương lai nhưng chỉ nhìn vào cách sách giáo khoa lớp 6 viết theo 2 phần riêng biệt, cả 4 năm học có 4 chủ đề mà Bộ lại có chủ trương đưa hàng trăm ngàn giáo viên đi bồi dưỡng để lấy chứng chỉ tích hợp, mỗi chứng chỉ có giá từ 3- 5,4 triệu đồng cũng khiến cho đội ngũ nhà giáo có rất nhiều…băn khoăn lắm.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/mon-lich-su-trong-sach-giao-khoa-moi-se-thay-doi-nhu-the-nao-713355.vov

[2] Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT

HƯƠNG MAI