“Tích hợp” và những câu hỏi gửi tới Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

23/08/2021 13:22
Xuân Dương
GDVN- Toàn bộ chương trình môn học Lịch sử và Địa lí bậc trung học cơ sở thể hiện sự “tích hợp” trong 4 chủ đề, nếu chia ra phải chăng mỗi năm chỉ có 1 chủ đề?

Ngày 21/07/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT (Quyết định 2455) kèm theo là quyết định này là Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp Lịch sử và Địa lý.

Giáo viên dạy môn tích hợp Lịch sử và Địa lý sẽ được bồi dưỡng 130 tiết Lịch sử, 155 tiết Địa lí và 12 tiết “Các chủ đề tích hợp Lịch sử và Địa lí ở trường trung học cơ sở”, số tiết này tương đương 20 tín chỉ.

Quyết định 2455 nêu rõ khóa bồi dưỡng này “Cung cấp lát cắt dọc của mỗi ngành với kiến thức cơ bản tương ứng với mạch nội dung kiến thức cụ thể về Lịch sử và Địa lí của mỗi lớp học trong chương trình giáo dục trung học cơ sở”.

Như vậy, hoạt động giáo dục của khóa bồi dưỡng đã được chẻ làm đôi bởi một “lát cắt dọc”, một nửa là dạy giáo viên Địa lí kiến thức Lịch sử và nửa kia là dạy giáo viên Lịch sử kiến thức Địa lí.

Mục đích cuối cùng nhằm hình thành đội ngũ nhà giáo “3 trong 1”, vừa có kiến thức Lịch sử, Địa lí riêng rẽ, lại thêm chút xíu kiến thức “tích hợp”.

Sau khi có chứng chỉ bồi dưỡng, giáo viên Địa lí sẽ phải dạy thêm Lịch sử và giáo viên Lịch sử sẽ dạy cả Địa lí từ lớp 6 đến lớp 9.

Tổng số tiết bồi dưỡng (không kể tự học) là 297. Xét theo phân bổ quỹ thời gian, số tiết dành cho bồi dưỡng kiến thức “tích hợp” mà các thày cô được học là 12 trên tổng số 297 tiết, chỉ chiếm 4,04%.

Mặt khác Quyết định 2455 nêu rõ tại khoản 3.2, điều 3: “Khối kiến thức này còn nhằm cung cấp cho người học những hướng dẫn chuyên môn khi dạy 4 chủ đề chung của môn học”.

Điều này có nghĩa là toàn bộ chương trình môn học Lịch sử và Địa lí bậc trung học cơ sở thể hiện sự “tích hợp” trong 4 chủ đề, nếu chia ra phải chăng mỗi năm chỉ có 1 chủ đề?

Với thời lượng như thế, nói đây là môn “tích hợp” có phải là hơi khiên cưỡng?

Ảnh minh hoạ: Baogialai.com.vn

Ảnh minh hoạ: Baogialai.com.vn

Có nhiều vấn đề cần sự trao đổi rộng rãi của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà giáo (các đối tượng bị tác động trực tiếp của Quyết định 2455) và những người quản lý giáo dục, đặc biệt là các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng.

Thứ nhất, thày đào tạo giáo viên tích hợp:

Khoản 6.3, điều 6 Quyết định 2455 quy định việc chọn giảng viên giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng giáo viên “tích hợp”:

“- Giảng viên thuộc các cơ sở đào tạo đại học sư phạm hoặc các trường đại học có khoa sư phạm có đào tạo các chuyên ngành SP Lịch sử, SP Địa lí.

- Giảng viên là người có trình độ chuyên môn các ngành Lịch sử, Địa lí; có kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời có khả năng truyền đạt kiến thức, kỹ năng.

- Giảng viên tham gia giảng dạy cần nghiên cứu tài liệu, thường xuyên cập nhật kiến thức mới, các tình huống thực tiễn để trang bị cho học viên những năng lực, kiến thức, kỹ năng theo mục tiêu đề ra”.

Thày dạy không bị đòi hỏi phải có kiến thức tích hợp bởi họ chỉ được phân công dạy từng phân môn theo “lát cắt dọc”.

Thày bồi dưỡng “kiến thức tích hợp” cho học viên phải là giảng viên các Đại học Sư phạm hoặc là “người có trình độ chuyên môn các ngành Lịch sử, Địa lí” nhưng có thêm khả năng “truyền đạt kiến thức, kỹ năng” từng phân môn chứ không phải là kiến thức “tích hợp” cả hai môn.

Nói cách khác chỉ cần họ là giảng viên phân môn (Lịch sử hoặc Địa lí) và không có điều khoản nào ghi trong Quyết định 2455 yêu cầu họ phải đạt chuẩn “tích hợp”.

Thày không “tích hợp”, giáo trình “tích hợp” không có nhưng chỉ với 20 tín chỉ bồi dưỡng là đào tạo ra hàng loạt giáo viên "tích hợp”, vậy có phải sẽ xuất hiện rất nhiều “Lò đào tạo giáo viên tích hợp” giống kiểu “lò đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ” mà chính Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thanh, kiểm tra vài năm trước!

Và như vậy, liệu có phải câu thành ngữ “Không thày đố mày làm nên” đã sai hoàn toàn, có phải chỉ cần học viên (06 đối tượng theo Quyết định 2455) “học thật, thi thật” là tự khắc họ sẽ biến thành giáo viên tích hợp?

Vấn đề tiếp theo xin hỏi là trong Quyết định 2455, có ba cụm từ được sử dụng: “chủ đề tích hợp”; “chủ đề liên môn Lịch sử và Địa lí”; “chủ đề chung của môn học”.

“Tích hợp”, “chung” và “liên môn” có nội hàm khác nhau vậy cụm từ nào là chính xác và vì sao lại phải dùng đến ba cụm từ khác nhau?

Với thực tế nêu trên, liệu có thể kết luận chúng ta chưa chuẩn bị kịp không những các kiến thức sẽ tích hợp mà còn cả đội ngũ giảng viên thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên sẽ dạy tích hợp bậc trung học cơ sở?

Thứ hai, khía cạnh pháp lý

Khoản b, điều 72, Luật Giáo dục 2019 quy định “Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo” như sau:

a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm,…”.

Để có bằng cử nhân một chuyên ngành nào đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT, theo đó tại mục a, khoản 2, điều 7 quy định:

“Chương trình đào tạo đại học: 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành;…”.

Đến đây xuất hiện hai câu hỏi:

Một là, với khối lượng bồi dưỡng 20 tín chỉ, nếu kiểm tra đạt yêu cầu thì một giáo viên Địa lí hoặc Lịch sử sẽ được cấp chứng chỉ để dạy môn tích hợp, nghĩa là giáo viên Địa lí sẽ có thể dạy Lịch sử và giáo viên Lịch sử sẽ dạy Địa lí.

Điều này có trái với quy định của Luật Giáo dục 2019, theo đó giáo viên dạy trung học cơ sở phải có bằng cử nhân môn học sẽ dạy tức là phải học chương trình sư phạm 120 tín chỉ?

Hai là, trong số 06 đối tượng được tham gia bồi dưỡng kiến thức tích hợp, nhiều đối tượng có trình độ cao đẳng sư phạm (ngành Lịch sử hoặc Địa lí) hoặc đang là sinh viên năm cuối các trường cao đẳng sư phạm,…

Có thể đây là vấn đề mang tính nhân văn được những người soạn thảo Quyết định 2455 dự kiến, đó là những người có trình độ cao đẳng tương lai sẽ tự bồi dưỡng để có bằng cử nhân nên cho phép họ chuẩn bị trước là cần thiết.

Khả năng thứ hai là việc cho phép người trình độ cao đẳng tham gia bồi dưỡng kiến thức tích hợp Lịch sử và Địa lý vì cơ quan quản lý đã chuẩn bị bậc học mầm non cũng sẽ có môn tích hợp này (người có trình độ cao đẳng sư phạm chỉ được dạy bậc mầm non).

Liệu có khả năng khác là đội ngũ soạn thảo Quyết định 2455 cho rằng một văn bản hành chính của Bộ có thể phủ quyết một quy định trong Luật Giáo dục, nghĩa là những người trình độ cao đẳng đã tham gia khóa bồi dưỡng và được cấp chứng chỉ đều có thể dạy môn tích hợp tại các trường trung học cơ sở?

Xuân Dương