Ngày 4/8/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số: 2551/QĐ-BGDĐT ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Theo đó tại Điều 1. Ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong toàn quốc như sau:
“1. Tựu trường sớm nhất vào ngày 01 tháng 9 năm 2021. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất từ ngày 23 tháng 8 năm 2021.
2. Tổ chức khai giảng vào ngày 05 tháng 9 năm 2021.
3. Kết thúc học kỳ I trước ngày 16 tháng 01 năm 2022, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25 tháng 5 năm 2022 và kết thúc năm học trước ngày 31 tháng 5 năm 2022.
4. Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) trước ngày 30 tháng 6 năm 2022.[…]”
Bên cạnh đó, tại Điều 4 của Quyết định số: 2551/QĐ-BGDĐT quy định rõ:
“1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định:
a) Kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp với thực tiễn của địa phương;
b) Thời gian nghỉ học, thời gian tựu trường sớm và thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày so với quy định tại Điều 1 của Quyết định này để bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong trường hợp đặc biệt”.
Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các địa phương (các tỉnh/ thành) căn cứ tình hình thực tế xây dựng kế hoạch thời gian, trong đó có lưu ý thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày, tức là đảm bảo thời gian kết thúc năm học trước ngày 15/6/2022.
Nhiều địa phương cũng đã lên kế hoạch dạy học trực tuyến (online) khi dịch bệnh diễn biến phức tạp để đảm bảo khung thời gian trên.
Tuy nhiên, việc ban hành khung thời gian lúc này gặp vô vàn thách thức vì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, vì khó khăn khi dạy trực tuyến, trong bài viết này xin được nêu những thách thức khi dạy trực tuyến và các giải pháp để thực hiện đảm bảo kế hoạch chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Học sinh tiểu học Thành phố Hồ Chí Minh học qua internet năm 2020 (ảnh minh họa: P.N) |
Việc dạy trực tuyến còn nhiều thách thức
Thực tế việc dạy trực tuyến ngay cả địa phương lớn, có điều kiện như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội,… còn gặp vô cùng khó khăn, nếu ở các địa phương khác thì còn khó khăn hơn nhiều, hiệu quả còn rất thấp.
Những khó khăn hiện nay là: Thiếu sách giáo khoa, thiếu tập vở, máy tính, mạng internet không có, dụng cụ học tập như viết, vở nhiều nơi cũng chưa có, nhiều học sinh thời gian dài chưa đến trường nên không biết mình học lớp nào, không có dụng cụ thí nghiệm,…
Trong đó khó khăn nữa là việc trang bị máy vi tính để học online là điều cũng chưa thực hiện được, máy vi tính dùng để học online phải có cấu hình tương đối tốt, có đầy đủ camera hoặc webcam, âm thanh phải đảm bảo,…
Hiện nay, ở vùng quê việc có máy vi tính tại nhà là rất ít, nhiều gia đình khó khăn cũng không đủ kinh phí để trang trải việc mua sắm máy vi tính cho con.
Nhiều gia đình có 2, 3 con học những lớp khác nhau thì cũng vô cùng vất vả, tình hình dịch bệnh khó khăn, điều kiện kinh tế giảm sút, mất việc,... nên việc mua 2, 3 máy vi tính cho con học là điều không đảm bảo, bên cạnh đó nếu có tiền cũng không có nơi để bán mà mua.
Nhiều gia đình công nhân, nông dân nghèo không điện thoại thông minh, không iPad, không laptop thì việc học sẽ không tiến hành được.
Việc học trên điện thoại thông minh thì khó vì màn hình nhỏ, việc ghi chép bài, tương tác giáo viên và học sinh sẽ khó khăn,…
Vấn đề khó tiếp theo là sĩ số quá đông, có lớp thì từ 40 - 50 học sinh/ lớp nên trường tổ chức học qua Zoom hay dùng phần mềm miễn phí khác thì việc truy cập cũng không đảm bảo.
Một tiết học có 45 phút từ khâu chuẩn bị, ổn định, kiểm tra, xử lý đường truyền,... đã hết thời gian.
Bên cạnh đó còn việc sử dụng suốt ngày trên điện thoại, máy vi tính cũng có thể ảnh hưởng đến thị lực, trí não và tâm lý, sức khỏe của các em,….
Rồi những việc tín hiệu đường truyền xấu, những tình huống không ngờ khi dạy học trực tuyến, nếu lớp học có 40 học sinh là 40 địa điểm khác nhau,…
Tôi nhận thấy, trong thời gian qua ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng trong dạy học trực tuyến, xây dựng các công cụ học trực tuyến, tôi cho rằng việc này là rất tốt.
Tình hình này, sắp tới đây rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương tiếp tục xem xét giải quyết các việc trên để đảm bảo việc dạy và học online từng bước đảm bảo và chất lượng được nâng lên.
Phương án để tổ chức đảm bảo kế hoạch thời gian năm học
Do hiện nay dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp, người viết xin được đề xuất phương án sau để tổ chức năm học của học sinh để đảm bảo kết thúc năm học trước 15/6/2022.
Theo đó, học sinh các cấp đến trường từ ngày 27/9/2021.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, và nhiều tỉnh thành đã thực hiện các giải pháp quyết liệt, với quyết tâm rất cao có thể dập được dịch, kết hợp tiêm Vắc xin diện rộng. Thì hy vọng đến ngày 15/9 tình hình ổn định.
Người viết xin được đề xuất việc dạy học có thể bắt đầu từ cuối tháng 9 theo khung bên dưới, vẫn đảm bảo số tuần thực học, kết thúc năm học trước 15/6 theo kế hoạch thời gian của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần).
Kiến nghị về kế hoạch khung thời gian năm học 2021 – 2022
HỌC KỲ 1 (từ 27/9/2021 đến 29/01/2022 ) |
HỌC KỲ 2 (từ 07/02/2022 đến 04/6/2022) |
Tuần 1 từ 27/9 đến 02/10/2021 |
Tuần 19 từ 07/02 đến 12/02/2022 |
Tuần 2 từ 04/10 đến 09/10/2021 |
Tuần 20 từ 14/02 đến 19/02/2022 |
Tuần 3 từ 11/10 đến 16/10/2021 |
Tuần 21 từ 21/02 đến 26/02/2022 |
Tuần 4 từ 18/10 đến 23/10/2021 |
Tuần 22 từ 28/02 đến 05/3/2022 |
Tuần 5 từ 25/10 đến 30/10/2021 |
Tuần 23 từ 07/3 đến 12/3/2022 |
Tuần 6 từ 01/11 đến 06/11/2021 |
Tuần 24 từ 14/3 đến 19/3/2022 |
Tuần 7 từ 08/11 đến 13/11/2021 |
Tuần 25 từ 21/3 đến 26/3/2022 |
Tuần 8 từ 15/11 đến 20/11/2021 |
Tuần 26 từ 28/3 đến 2/4/2022 |
Tuần 9 từ 22/11 đến 27/11/2021 |
Tuần 27 từ 4/4 đến 9/4/2022 |
Tuần 10 từ 29/11 đến 04/12/2021 |
Tuần 28 từ 11/4 đến 16/4/2022 |
Tuần 11 từ 06/12 đến 11/12/2021 |
Tuần 29 từ 18/4 đến 23/4/2022 |
Tuần 12 từ 13/12 đến 18/12/2021 |
Tuần 30 từ 25/4 đến 30/4/2022 |
Tuần 13 từ 20/12 đến 25/12/2021 |
Tuần 31 từ 2/5 đến 7/5/2022 |
Tuần 14 từ 27/12 đến 01/01/2022 |
Tuần 32 từ 9/5 đến 14/5/2022 |
Tuần 15 từ 03/01 đến 08/01/2022 |
Tuần 33 từ 16/5 đến 21/5/2022 |
Tuần 16 từ 10/01 đến 15/01/2022 |
Tuần 34 từ 23/5 đến 28/5/2022 |
Tuần 17 từ 17/01 đến 22/01/2022 |
Tuần 35 từ 30/5 đến 4/6/2022 |
Tuần 18 từ 24/01 đến 29/01/2022 (Nghỉ tết Âm lịch 1 tuần từ 31/01 đến 05/02/2022) |
Như vậy thời gian kết thúc năm học vẫn trước 15/6/2022 như kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 30/6/2022 vẫn được đảm bảo như quy định.
Thời gian theo kế hoạch này bao gồm cả việc dạy học trực tiếp, trực tuyến.
Bên cạnh đó kết hợp các biện pháp học trực tiếp, học trực tuyến, học tại nhà một cách linh hoạt hiệu quả.
Người viết cho rằng đây là phương án khả thi nhất có thể áp dụng cho hầu hết các địa phương cả nước kết hợp linh hoạt các giải pháp khác.
Bên cạnh đó, trong tình hình này xin Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu giảm sĩ số học sinh trên lớp để vừa đảm bảo nâng cao chất lượng, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Trên đây là phương án đề xuất của người viết về khung thời gian kế hoạch thời gian năm học 2021-2022, vẫn đảm bảo dạy học an toàn, đảm bảo chương trình, khung thời gian do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.