Thưa Bộ Giáo dục, cả nước đang thừa 10.344 hay đang thiếu hơn 71.941 giáo viên?

27/08/2021 08:05
BÙI NAM
GDVN- Nghịch lý chênh lệch thống kê thừa, thiếu giáo viên cho thấy việc quản lý thông tin về đội ngũ nhà giáo chưa khoa học, thiếu định hướng, tầm nhìn lâu dài.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành công văn về việc giải quyết giáo viên dôi dư khiến một số giáo viên hoang mang, lo lắng, nó cũng khiến cho các em sinh viên sư phạm lo lắng lo sợ thất nghiệp, các em học sinh lại không dám thi vào sư phạm.

Nghịch lý thừa, thiếu giáo viên cho thấy việc quản lý, sắp xếp đội ngũ nhà giáo chưa khoa học, thiếu định hướng, tầm nhìn lâu dài.

Công văn 3397/BGDĐT-NGCBQLGD: cả nước đang thừa 10.344 giáo viên

Ngày 11/8/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số: 3397/BGDĐT-NGCBQLGD về việc giải quyết tình trạng thừa giáo viên các cấp học phổ thông, công văn do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ký thay Bộ trưởng. [1]

Nội dung văn bản nêu rõ: “…Theo cơ sở dữ liệu quốc gia ngành Giáo dục, năm học 2020-2021, toàn quốc thừa giáo viên chủ yếu ở cấp tiểu học và trung học cơ sở khi việc sắp xếp, bố trí giáo viên được phân cấp cho chính quyền cấp quận/huyện (Cụ thể, cấp tiểu thừa học 5.341, trung học cơ sở thừa 4.688, trung học phổ thông thừa 315)…

Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình.

Để giải quyết cơ bản tình trạng thừa giáo viên, làm căn cứ cho việc duyệt và giao bổ sung biên chế giáo viên còn thiếu của các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện những nội dung sau:

1. Chỉ đạo rà soát số lượng và cơ cấu giáo viên ở tất cả các cấp học, môn học; xác định cụ thể số lượng, cơ cấu, độ tuổi của giáo viên dư thừa ở từng trường, từng cấp học, môn học.

2. Chỉ đạo xây dựng phương án giải quyết phù hợp với từng đối tượng giáo viên theo nhiều phương án như:

- Điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu (ưu tiên theo thứ tự cùng cấp học, môn học; cùng xã, cùng huyện, trong tỉnh).

- Những giáo viên còn độ tuổi công tác, có năng lực và nguyện vọng phù hợp với nhu cầu thì tổ chức đặt hàng các cơ sở đào tạo giáo viên để đào tạo văn bằng hai; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để đủ điều kiện dạy các môn học còn thiếu, môn học tích hợp. Đồng thời, ưu tiên bố trí đủ cơ sở vật chất ở cấp Tiểu học để dạy 2 buổi/ngày (đủ 9 buổi/tuần) theo quy định.

- Những giáo viên do sức khỏe, độ tuổi hoặc do nguyên nhân khác không bảo đảm yêu cầu giảng dạy thì xem xét điều chuyển vị trí việc làm từ giáo viên sang nhân viên trường học (thiết bị, thí nghiệm, thư viện,...) hoặc bố trí nghỉ hưu sớm theo quy định.…” [1]

Như vậy, công văn nêu rõ là giáo viên nếu thuộc diện dôi dư thì có thể thực hiện theo các phương án như điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu, được đào tạo văn bằng 2, hoặc có thể điều làm nhân viên hay cho nghỉ hưu sớm theo quy định,…

Báo cáo Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020: cả nước đang thiếu 71.941 giáo viên

Báo cáo Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 31/10/2020, chú thích số [22] trang số 14, cho biết:

Hiện nay toàn quốc thiếu 71.941 giáo viên mầm non, phổ thông, trong đó giáo dục mầm non thiếu 45.242 giáo viên (đây là số lượng còn thiếu năm học 2019-2020 sau khi đã được bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non), tiểu học thiếu 12.450 giáo viên, trung học cơ sở thiếu 4.486 giáo viên, trung học phổ thông thiếu 9.763 giáo viên. [2]

Trong báo cáo này, Phụ lục X: Thực trạng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục năm học 2019-2020, trang 163 cho thấy con số chênh lệch giữa thừa - thiếu giáo viên cục bộ nghiêng hẳn về phía "thiếu", trừ bậc học mầm non chỉ thiếu không thừa, 3 cấp học bậc phổ thông đều thừa và thiếu cục bộ:

Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình.

Tổng số giáo viên thừa cục bộ bậc học phổ thông theo Báo cáo Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 là 16.316 người.

Như vậy, so với Công văn số: 3397/BGDĐT-NGCBQLGD về việc giải quyết tình trạng thừa giáo viên các cấp học phổ thông ngày 11/8/2021, thì Báo cáo Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 31/10/2020 "dôi ra" (16.316 - 10.344) = 5.972 giáo viên thừa cục bộ.

Cụ thể hơn, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Công văn 3397/BGDĐT-NGCBQLGD, cấp tiểu học thừa 5.341 (giáo viên), cấp trung học cơ sở thừa 4.688 (giáo viên) và cấp trung học phổ thông thừa 315 (giáo viên).

Còn Báo cáo Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 31/10/2020, cấp tiểu học thừa cục bộ 6.788 giáo viên, cấp trung học cơ sở thừa cục bộ 8.480 giáo viên và cấp trung học phổ thông thừa cục bộ 1.048 giáo viên.

Trong 2 số liệu thống kê về giáo viên thừa/thừa cục bộ đều do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, đâu mới là con số chính xác hay cả hai đều chưa chính xác?

Tóm lại, tổng thể cả nước đang thừa 10.344 hay đang thiếu hơn 71.941 giáo viên?

Về độ chính xác của các số liệu thống kê về số giáo viên thừa/thiếu trên cả nước đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra lại và sớm công khai thông tin đến dư luận. Ngoài ra, quá trình tìm hiểu các số liệu và văn bản do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có không ít văn bản/số liệu không thể tìm thấy trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể như 2 văn bản người viết đề cập trong bài:

Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm Công văn 3397/BGDĐT-NGCBQLGD trên moet.gov.vn.

Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm Công văn 3397/BGDĐT-NGCBQLGD trên moet.gov.vn.

Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm Báo cáo Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 trên moet.gov.vn.

Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm Báo cáo Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 trên moet.gov.vn.

Theo điều 17 Luật Tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13 thì những thông tin sau phải được công khai rộng rãi:

a) Văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước;

b)Thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước;

l) Báo cáo công tác định kỳ; báo cáo tài chính năm; thông tin thống kê về ngành, lĩnh vực quản lý; cơ sở dữ liệu quốc gia ngành, lĩnh vực; thông tin về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; thông tin về danh mục và kết quả chương trình, đề tài khoa học;

Khoản 1 Điều 19 Luật Tiếp cận thông tin quy định, trong các thông tin quy định tại Điều 17 của Luật này, các thông tin sau đây phải được công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử: thông tin thống kê về ngành, lĩnh vực quản lý; Thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước;

Kính đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc cập nhật đầy đủ thông tin và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo lên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để nhà giáo chúng tôi được biết và thực hiện.

Tài liệu tham khảo:

[1] Công văn 3397/BGDĐT-NGCBQLGD, xem tại:

https://vanphong.langson.gov.vn/sites/vanphong.langson.gov.vn/files/2021-08/092357-3397_BGDDT_NGCBQLGD.PDF

[2] Báo cáo Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 31/10/2020, xem tại:

http://kontum.edu.vn/wp-content/uploads/2020/10/1603861300813706.pdf

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM