Từ lâu, nhân lực ở ngành giáo dục luôn xảy ra tình trạng thừa- thiếu cục bộ giữa các cấp học, giữa các môn học với nhau. Nhiều trường thiếu vẫn thiếu mà nhiều trường thừa giáo viên thì vẫn thừa và có cả hàng ngàn sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc làm.
Khi Bộ triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì chắc chắn nhân lực ngành giáo dục sẽ còn có thêm nhiều biến động bởi các cấp học đều có thêm môn học mới, hoạt động giáo dục mới.
Vì thế, thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021- 2025 đang được nhiều người quan tâm, nhất là đối với sinh viên khối ngành sư phạm.
Bởi, nếu căn cứ vào con số đề nghị bổ sung nhân sự cho ngành giáo dục trong 5 năm tới thì nhiều sinh viên sư phạm ra trường sẽ thất nghiệp bởi vì “cung” đã vượt "cầu" khá lớn.
Ảnh minh họa: Lã Tiến |
Thừa thiếu cục bộ giáo viên ở các địa phương
Việc Bộ Giáo dục vừa đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021- 2025, trong đó riêng năm 2021 đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế (gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp trung học phổ thông và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số) [1] nói lên rất nhiều điều...
Bởi, theo đề nghị của Bộ Giáo dục thì trong năm 2021 này toàn ngành sẽ bổ sung 20.000 giáo viên mới cho các môn học mới ở cấp tiểu học và trung học phổ thông. Những môn học mới thì chúng ta dễ dàng nhìn thấy như môn Tin học là môn hoàn toàn mới ở tiểu học, ngoài ra môn Tiếng Anh cũng sẽ được dạy từ lớp 1 nên nhu cầu nhân sự tất nhiên sẽ tăng lên.
Theo thống kê thì cấp tiểu học hiện thiếu hơn 11.000 giáo viên Tin học và Tiếng Anh, cụ thể thiếu 6.348 giáo viên Tin học và 5.107 giáo viên Tiếng Anh. [2]
Cấp trung học phổ thông thì cũng sẽ có thêm những môn học hoàn toàn mới là Mĩ thuật và Âm nhạc nên phải tuyển mới giáo viên các môn học này ít nhất 1 biên chế/môn/ trường.
Tuy nhiên, việc tuyển mới giáo viên một số môn như: Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật hay tiếng Anh trong bối cảnh hiện nay không phải là chuyện đơn giản đối với nhiều địa phương bởi không có nguồn tuyển.
Môn Mĩ thuật và Âm nhạc là môn đặc thù nên rất kén người học, môn Tin học và Tiếng Anh thì luôn đào tạo số lượng lớn nhưng nhiều sinh viên ra trường lại không muốn theo đuổi nghề dạy học vì áp lực công việc cao và thu nhập hàng tháng lại thấp.
Vậy nên, những năm tới đây thì có lẽ 4 môn học này vẫn rất khó có nguồn để tuyển, nhất là môn Mĩ thuật và Âm nhạc ở cấp trung học phổ thông.
Trong khi đó, một số môn học ở cấp trung học cơ sở sẽ thừa như môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý vì đây là 5 môn độc lập hiện nay vốn đã đang thừa giáo viên.
Đặc biệt là 2 môn học này đang được nhiều trường sư phạm đào tạo để có nguồn nhân lực đúng chuyên môn “tích hợp” cho những năm tới.
Vì thế, giải quyết bài toán thừa - thiếu cục bộ giáo viên giữa các cấp học, các môn học trong từng cấp học vẫn rất khó khăn trong tương lai nên mới có tình trạng cả nước hiện còn thiếu 94.714 giáo viên và thừa 10.178 giáo viên các cấp học.
Điệp khúc thừa giáo viên sẽ còn… thừa mãi
Quay trở lại với số liệu mà Bộ Giáo dục đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế giáo dục trong giai đoạn 2021- 2025. Chúng tôi bỏ qua chuyện thừa- thiếu cục bộ giữa các môn học, chỉ tính trên đầu số liệu tuyển sinh, tuyển dụng thì chúng ta sẽ thấy con số dư thừa khá rõ.
Bởi lẽ, theo đề nghị của Bộ Giáo dục thì giai đoạn 2021- 2025 sẽ bổ sung thêm 94.714 biên chế nhưng riêng trong năm 2021 này sẽ bổ sung khoảng 30.000 biên chế. Như vậy, trong 4 năm, từ năm 2022 đến năm 2025 chỉ còn 64.714 biên chế giáo viên.
Nguồn tuyển cho 4 năm học tới sẽ tính từ năm 2021 này ngược về mùa tuyển sinh năm 2018 và chúng tôi tìm lại số liệu mà Bộ đã giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường sư phạm trong những năm qua như sau:
Theo số liệu thống kê, năm 2020, toàn hệ thống có 102 cơ sở tham gia đào tạo các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học, cao đẳng giáo dục mầm non với tổng chỉ tiêu đề xuất là 84.475.
Căn cứ vào nhu cầu địa phương và trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định phân bổ 69.630 chỉ tiêu, tương đương với 64% nhu cầu sử dụng của địa phương. Năm 2019, Bộ đã giao gần 46.000 chỉ tiêu, năm 2018 là 35.000 chỉ tiêu. [3]
Năm 2021 này hiện chưa có số liệu cụ thể nhưng chỉ tính số lượng tuyển sinh 3 năm học vừa qua sẽ ra trường từ năm 2022 đến năm 2024 sẽ là 150.630 sinh viên.
Nếu tính cả mùa tuyển sinh năm 2021 này thì còn phải thêm mấy chục ngàn chỉ tiêu nữa sẽ ra trường vào năm 2025.
Trong khi đó, nếu trừ đi số lượng tuyển dụng năm 2021 này là 30.000 chỉ tiêu thì 4 năm tới chỉ còn 64.714 biên chế giáo dục nhưng chỉ mình số lượng đào tạo năm 2020 là 69.630 chỉ tiêu thì chúng ta đã thấy nhiều hơn số lượng cần tuyển dụng giáo viên của 4 năm còn lại.
Vì vậy, số lượng đào tạo năm 2019, 2018 và cả năm 2021 này sẽ đi về đâu? Đó là chưa kể số lượng sinh viên sư phạm ra trường còn “tồn đọng” hàng chục năm qua đang dạy hợp đồng, làm trái ngành nghề hoặc thất nghiệp ở các địa phương.
Đào tạo 1 sinh viên sư phạm ra trường trong quãng thời gian 3-4 năm mất rất nhiều kinh phí của Nhà nước bởi trước đây chúng ta miễn tiền học phí và từ năm học này thì sinh viên sư phạm được cấp tiền sinh hoạt phí….Thế nhưng, sinh viên ra trường không có cơ hội làm việc thì lãng phí vô cùng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến được trong 5 năm tới cần bổ sung 94.714 biên chế giáo viên, nhưng vì sao cũng chính Bộ lại giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường sư phạm nhiều đến vậy?
Nếu như không tính năm 2021 này, 4 năm tới mỗi năm chỉ cần khoảng 16.000 giáo viên thì việc giao mỗi năm mấy chục ngàn chỉ tiêu cho các trường sư phạm như vậy có thật sự khoa học hay không?
Tài liệu tham khảo:
[1]https://tienphong.vn/thieu-giao-vien-tram-trong-thu-tuong-yeu-cau-bo-gd-dt-lap-doan-kiem-tra-post1370509.tpo
[2]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bac-tieu-hoc-dang-thieu-hon-11-000-giao-vien-mon-tieng-anh-va-tin-hoc-post220358.gd
[3]https://soha.vn/tuyen-sinh-2020-vi-sao-chi-tieu-cac-truong-su-pham-tang-20200705090226232.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.