Ấp ủ ước mơ du học ngay từ những năm học cấp 2, Lê Thị Thanh Mai (sinh năm 2002), cựu học sinh chuyên Văn, Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) đã có một kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu.
Ngày đó, Mai bắt đầu tìm hiểu một số trường đại học nước ngoài phù hợp với điều kiện gia đình cũng như thành tích học tập của cá nhân.
Lê Thị Thanh Mai, cựu học sinh lớp chuyên Văn, Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) xuất sắc giành học bổng của Chính phủ Hungary. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Lựa chọn Hungary là điểm đến du học, Thanh Mai cho biết, đây là một đất nước có bề dày lịch sử và văn hóa cao, đồng thời nền giáo dục cũng được đánh giá khá tốt.
“Bên cạnh đó, đây cũng là một đất nước có vị trí tiềm năng, thuận lợi cho việc hòa nhập với bạn bè quốc tế cũng như cho các trải nghiệm khác như: trao đổi, trường hè, du lịch. Chi phí sinh hoạt ở đây không quá đắt đỏ, phù hợp với sinh viên”, Mai nói thêm.
Nộp hồ sơ vào Trường Đại học Szeged và Trường kinh doanh Budapest, Thanh Mai đều nhận kết quả trúng tuyển học bổng toàn phần, bao gồm 100% học phí, tiền sinh hoạt hàng tháng, nơi ở, bảo hiểm y tế, vé máy bay.
Sau khi cân nhắc, Thanh Mai lựa chọn theo học tại Đại học Szeged, chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Đây là ngôi trường được đánh giá là cơ sở giáo dục bậc đại học top 1 tại Hungary theo Bảng xếp hạng Đại học Thế giới Quacquarelli Symonds (QS) năm 2021.
Mai kể, em nộp hồ sơ xin học bổng của Chính phủ Hungary vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, thời gian biết kết quả trúng tuyển chia thành 2 vòng. Vòng 1 là các trường đại học gửi thư mời nhập học nếu đủ điều kiện, nhưng ở vòng này ứng viên chưa chắc đã giành được học bổng.
Ở vòng sau, đến tháng 7/2020, khi nhận thông báo ở mail với dòng chữ “Congratulation”, Mai như vỡ òa cảm xúc vì sau một hành trình dài em đã nhận được kết quả xứng đáng với nhiều nỗ lực.
Hái trái ngọt sau một hành trình dài
Trong thời gian học cấp 3, xác định phải quyết tâm theo đuổi ước mơ du học và giành học bổng toàn phần, nữ sinh xứ Thanh đặt mục tiêu rõ ràng cho từng mốc thời gian cụ thể.
Năm lớp 10 và lớp 11 Mai dành hầu hết thời gian để ôn thi đội tuyển Quốc gia môn Văn và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Kết quả, Thanh Mai đạt giải Nhì trong kì thi Quốc gia môn Ngữ văn năm lớp 11 và giải Ba năm lớp 12.
Theo Mai, để cân bằng giữa việc học và tham gia các hoạt động ngoại khóa, điều quan trọng là phải xây dựng kế hoạch phù hợp.
Mai cho rằng, trong thời gian tham dự kì thi nên hạn chế tham gia các hoạt động ngoại khoá, hoặc nếu tham gia thì hãy lựa chọn hoạt động phù hợp để không bị sao nhãng việc ôn luyện.
Trong thời gian học cấp 3, Mai từng tham gia một số hoạt động ngoại khóa như: Gõ Kiến Project, TEDxYouth Thanh Hóa, Câu lạc bộ tiếng Anh.
Ngoài ra, nữ sinh xứ Thanh còn là người sáng lập dự án khuyến học “Đom đóm”. Đây là chương trình thiện nguyện khuyến học cho các em học sinh ở Mường Lát, Thanh Hóa, thu hút khoảng 500 người tham dự với 4 nghệ sĩ và gây quỹ được khoảng 60 triệu đồng.
Thanh Mai chia sẻ, quá trình tuyển chọn của Đại học Szeged rất thú vị. Nhà trường không yêu cầu viết bài luận mà thay bằng hình thức viết thư ứng tuyển học bổng (motivation letter). Trong thư ứng tuyển, nữ sinh 10x tự tin trình bày chia sẻ câu chuyện về quá trình tham gia đội tuyển quốc gia và tạo ra dự án thiện nguyện ra sao.
Bên cạnh đó, Mai đưa ra những lí do tại sao mình lại chọn trường, thể hiện niềm mong muốn háo hức được hòa nhập vào nền văn hóa mới như thế nào và định hướng những kế hoạch trong tương lai.
“Điều khác biệt trong bộ hồ sơ không phải là chứng chỉ IELTS hay điểm SAT mà là màu sắc cá nhân để tạo được ấn tượng với bộ phận tuyển chọn của trường.
Em nghĩ mình đã thuyết phục được Đại học Szeged trao học bổng vì đã trình bày rất rõ kế hoạch học tập, có từng mốc thời gian đặt ra cho bản thân, thể hiện mình thực sự nghiêm túc và quyết tâm với lựa chọn này”, Mai nói.
Nhận thấy bản thân có năng khiếu về việc quản lý, sắp xếp thời gian phân chia hợp lí cùng với định hướng của gia đình, nữ sinh xứ Thanh đã lựa chọn theo học ngành Quản trị kinh doanh tại trường.
Trong năm đầu tiên, Mai đã có nhiều trải nghiệm khó quên, ấn tượng nhất là sự đa dạng về văn hoá, về cách người Hungary suy nghĩ và các hoạt động khác nhau trong đời sống.
Mai cho biết, văn hóa nơi đây bộc lộ suy nghĩ rất thẳng thắn, khi giao tiếp không phải lựa chọn kĩ càng quá về từ vựng.
Bên cạnh đó là những bỡ ngỡ về ngôn ngữ. Thời gian mới sang, Mai chỉ giao tiếp được những câu đơn giản để mua hàng trong tiệm, còn những vấn đề như đăng kí sim hay làm thẻ cư trú Mai vẫn phải giao tiếp bằng tiếng Anh.
Hiện tại, Thanh Mai đang bắt đầu kì học đầu tiên năm hai của trường. Sau hơn 1 năm học online do dịch Covid-19, Mai rất háo hức và hy vọng thời gian tới có thể được đến trường đi học giao tiếp với bạn bè nhiều hơn.
“Môi trường học tập ở đây với sự hòa đồng, cởi mở, không có định kiến về ngôn ngữ, sắc tộc màu da, văn hóa khiến em cảm thấy luôn muốn được hòa nhập, học hỏi nền văn hóa mới và trân trọng hơn nền văn hóa Việt Nam của mình”, Mai chia sẻ.
Dự định sau khi tốt nghiệp đại học, nữ sinh xứ Thanh sẽ trở về Việt Nam làm việc để tích lũy kinh nghiệm, sau đó sẽ học tiếp lên chương trình thạc sĩ theo ngành Quản trị nhân sự.