Trong bài viết “Làm gì để Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp hiện đại?” , Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đã chia sẻ cách hiểu đúng về một hệ thống giáo dục, chính xác hơn là về một hệ thống giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học đa đạng, phân tầng và về quy mô, cơ cấu ngành nghề và cơ cấu trình độ của đội ngũ nhân lực mà ngành giáo dục và đào tạo đang được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ở các thập niên đầu của thế kỷ 21.
Hôm nay, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục có cuộc trao đổi vị chuyên gia này để lắng nghe ý kiến đề xuất của ông cho phát triển giáo dục Việt Nam trong giai đoạn tới.
Phóng viên: Thưa ông, hiện nay cũng như trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo cần tập trung làm những công việc gì để đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Theo tôi, trước tiên, chiến lược giáo dục của Việt Nam cần được định ra qua một số bước theo nguyên tắc:
Giáo dục đi trước một bước (mặc dù phải chấp nhận nguồn lực hạn hẹp) để tạo ra nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển (kể cả tạo điều kiện thuận lợi để gọi vốn đầu tư công nghệ cao). Nhờ vậy ngân sách Nhà nước mới tăng kéo theo tăng ngân sách cho giáo dục.
Với các bước đi như vậy nên không thể có một lời giải đúng đắn duy nhất mà chỉ có một loạt những lời giải tối ưu cho từng thời gian khác nhau đối với bài toán quy hoạch phát triển giáo dục - đào tạo và quy hoạch phát triển nhân lực của Việt nam, trên quy mô toàn quốc gia cũng như theo từng vùng lãnh thổ.
Và cũng không nên tập trung mọi nỗ lực nhằm thoả mãn tối đa các mục tiêu dân trí. Do đó cần xem xét lại cơ chế phân bổ ngân sách giáo dục và nguồn lực huy động từ xã hội theo hướng ưu tiên đầu tư đồng thời vào 2 mục tiêu: Phổ cập giáo dục cơ bản (bao gồm giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở) và Đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề (bao gồm các trình độ đào tạo sau đại học, đại học, cao đẳng thực hành và trung học nghề/trung học kỹ thuật).
Ảnh minh họa: Thùy Linh |
Phải triển khai phân luồng triệt để học sinh từ sau bậc trung học cơ sở và cần xem đây là giải pháp cơ bản để nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên, chứ không phải sử dụng giải pháp kêu gọi bóp nghẹt đầu vào đại học với lập luận “thừa thầy thiếu thợ”, bởi vì tỷ lệ nhập học đại học ở nước ta vẫn còn thấp, không tương thích với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Do đó, nguyên tắc chung là đất nước muốn phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì phải tạo ra được sự chuyển dịch nhanh của cơ cấu lao động, theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng ở các khu vực công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên chỉ sự dịch chuyển này thôi cũng chưa thể tạo ra được tăng trưởng nhanh nếu như trên cả nước cũng như ở từng vùng miền còn chưa có được cơ cấu nhân lực (về trình độ và nghề nghiệp) và chính sách đầu tư vào công nghệ phù hợp trong cả ba khu vực kinh tế nêu trên. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra cái gọi là tình trạng "thừa thầy thiếu thợ” hiện đang bị nhiều người phê phán.
Trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp Nhà nước cần có cơ chế chính sách rõ ràng để định hướng cho sự phát triển hài hòa và ổn định của toàn hệ thống giáo dục đại học và chuyên nghiệp, thông qua phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp và hiệu quả của toàn hệ thống, đặc biệt đối với khu vực trường trực thuộc Trung ương (nhận ngân sách giáo dục Nhà nước), trên cả 2 phương diện: mạng lưới trường và quy trình đào tạo.
Thiết lập cơ chế mở, liên thông đào tạo, kiên quyết xoá bỏ tình trạng khép kín, cát cứ, tư tưởng cục bộ ở từng trường hoặc từng ngành trong hệ thống như hiện nay. Để làm được điều đó quản lý nhà nước về giáo dục – đào tạo phải được tập trung về cùng một đầu mối như rất nhiều nước đã làm (thí dụ như trong Bộ Giáo dục của Thái Lan có 3 tổng cục là: giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề) và theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 19.
Trong lĩnh vực quản lý giáo dục cần kiên quyết xóa bỏ ngay cơ chế “xin – cho”, thực hiện quyền tự chủ - trách nhiệm giải trình thực sự của các cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở thiết lập cơ chế hội đồng trường “đích thực”, tiến tới xóa bỏ cơ chế “bộ chủ quản”.
Thời gian qua hưởng ứng chủ trương thí điểm tự chủ đại học một số trường đại học đã đạt được những bước phát triển kỳ diệu. Tuy nhiên hiện nay khuynh hướng này đang bị chững lại và nếu muốn nhân rộng ra cho toàn hệ thống (như tinh thần của Luật giáo dục đại học sửa đổi 2018) thì Nhà nước cần phải sớm điều chỉnh hàng loạt luật, văn bản dưới luật hiện hành cho phù hợp với chủ trương này để không gây khó cho các trường muốn đổi mới thực sự.
Ngoài ra cần có chính sách lôi cuốn các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia giám sát các cơ sở giáo dục đại học trong việc thực hiện các chuẩn mực (trong đó có các chuẩn mực chất lượng ) được quy định tại Điều 68 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 .
Thực hiện triệt để chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng. Đối với lĩnh vực giáo dục đại học, Nhà nước cần sớm làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, cơ chế chính sách phù hợp... như đã nêu tại Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ.
Đồng thời Nhà nước cần có chủ trương thực sự khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học không vì lợi nhuận, hoàn thiện quy chế trường đại học tư hoạt động không vì lợi nhuận và các chế độ chính sách ưu đãi cụ thể cho các cơ sở giáo dục đại học loại này.
Theo như ông phân tích trước đó thì có thể nhận thấy vướng mắc cơ bản về thể chế giáo dục hiện nay nằm ở cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, vậy ông có kiến nghị gì để tái cấu trúc hệ thống?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Theo như tôi đã phân tích, cơ cấu hệ thống giáo dục hiện nay về cơ bản không đáp ứng những định hướng quan trọng trong Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Những biểu hiện cụ thể như:
Toàn hệ thống không có sự nhất quán do khối Giáo dục nghề nghiệp được tách riêng biệt. Do không phải là một bậc học nên không thể xem khối này nằm ở vị trí trên giáo dục trung học và dưới giáo dục đại học.
Ngay giữa các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng trong khối đó cũng không có sự liên thông thực sự. Luật Giáo dục Nghề nghiệp quy định muốn được dự tuyển vào cao đẳng thí sinh phải đồng thời vừa có bằng trung cấp vừa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc đã học và đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông).
Từ cao đẳng chuyển lên đại học lại càng không dễ dàng chút nào vì có sự khác nhau về mục tiêu và cấu trúc chương trình đào tạo (do 2 cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau quy định).
Không có sự hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Theo Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế của UNESCO (ISCED-2011), thì các trình độ sơ cấp và trung cấp ở Luật Giáo dục Nghề nghiệp không tương ứng với bất kỳ một cấp độ nào của ISCED-2011. Ngoài ra ISCED-2011 cũng quy định trình độ cao đẳng phải tương ứng với cấp độ 5 (thuộc về giáo dục đại học) trong khi theo Luật Giáo dục Nghề nghiệp thì cao đẳng chỉ được xem nằm ở cấp độ 4 (dưới giáo dục đại học).
Không có sự phân luồng học sinh sau trung học cơ sở cũng như sau trung học phổ thông. Việc rẽ nhánh học sinh sau trung học cơ sở là lối đi vào “ngõ cụt” vì người học không có hướng học lên cho dù là cao đẳng, vì muốn học lên cao đẳng còn cần phải có cả bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Do đó xu hướng chung, như từ trước đến nay, sau trung học cơ sở người học đều cố đi vào trung học phổ thông. Còn sau trung học phổ thông người học thường có xu hướng đi vào đại học vì nếu đi vào cao đẳng thì sau này sẽ rất khó học tiếp lên đại học (do cấu trúc chương trình ở hai trình độ này lại được hai cơ quan quản lý nhà nước khác nhau quy định theo những định hướng khác nhau, rất khó liên thông với nhau).
Để khắc phục hạn chế trên những năm vừa qua Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người đã trình lên Chính phủ bản kiến nghị tái cấu trúc hệ thống giáo dục cho các thập niên đầu thế kỷ 21. Sơ đồ tái cấu trúc chủ yếu chỉ động chạm tới các phân hệ đào tạo nguồn nhân lực, với giả định giữ nguyên phân hệ giáo dục phổ thông (theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW).
Thưa ông, các Hiệp hội dựa vào căn cứ nào để thiết kế sơ đồ này?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Chúng tôi dựa vào:
Một là, những định hướng cơ bản của Nghị quyết Trung ương 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (hình thành một hệ thống giáo dục mở, thực hiện liên thông giữa các bậc học và trình độ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phân luồng mạnh học sinh sau trung học cơ sở, ...).
Hai là, những định hướng cơ bản của Nghị quyết Chính phủ 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020.
Ba là, các nguyên tắc cơ bản của Phân loại giáo dục theo các tiêu chuẩn quốc tế đã được UNESCO ban hành (ISCED 2011) và Khung tham vấn các trình độ ASEAN.
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam sau năm 2016 do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất |
Nét cơ bản của sơ đồ là việc thực hiện triệt để phân luồng học sinh sau trung học cơ sở theo hai hướng: 50% theo hướng trung học phổ thông (General Secondary) và ít nhất 30% theo hướng trung học hướng nghiệp, bao gồm trung học nghề/trung học kỹ thuật (Vocational/ Technical Secondary).
Có chính sách ưu đãi khuyến khích học sinh đi vào hướng trung học nghề/trung học kỹ thuật. Khi vào khu vực giáo dục đại học, hai hướng phân luồng tiếp theo và liên thông với hai hướng trên là: hướng nghiên cứu (Academic) và hướng ứng dụng-thực hành (Professsional), bảo đảm tỷ lệ sinh viên giữa hai hướng này là 20-30:80-70.
Để cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân cho đồng bộ với thực trạng phát triển của chính mình và phù hợp với xu hướng quốc tế, thì trước hết phải triển khai một loạt các giải pháp cấp bách như: nhà nước chỉ đạo tập trung ở tầm vĩ mô, kết hợp với phân cấp hợp lý cho các địa phương, Bộ, Ngành; trả trình độ cao đẳng về cho giáo dục đại học; tổ chức xây dựng hệ thống trường trung học nghề/trung học kỹ thuật bảo đảm học sinh tốt nghiệp vừa có trình độ học vấn vừa có nghề thành thạo (thông qua các giải pháp: đổi tên và chức năng trường trung cấp nghề thành trường trung học nghề, chuyển đổi các trường trung cấp chuyên nghiệp thành trường cao đẳng thực hành hoặc trường trung học nghề/trung học kỹ thuật, hợp nhất một bộ phận trường trung học phổ thông với các trung tâm dạy nghề địa phương thành trường trung học nghề/trung học kỹ thuật...);
Quy hoạch lại các trường đại học theo hai hướng: hướng nghiên cứu và hướng ứng dụng-thực hành; ban hành các chuẩn quốc gia về giáo dục (trong đó có khung trình độ quốc gia, các chuẩn chương trình); xây dựng mạng lưới các trung tâm kiểm định độc lập chất lượng giáo dục; ...
Về lâu dài, phải từng bước sáp nhập một số viện nghiên cứu khoa học vào các trường đại học trọng điểm để hình thành các đại học nghiên cứu; từng bước xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, tập trung chức năng quản trị cho hội đồng trường, trao quyền tự chủ thực sự cho cơ sở giáo dục đại học;
Chuyển một bộ phận cơ sở giáo dục đại học công lập qua cơ chế tự chủ, tự hạch toán tài chính; xây dựng một số học viện công nghệ dựa trên việc hợp nhất và tổ chức lại các cơ sở giáo dục và các viện nghiên cứu chuyên ngành theo hướng công nghệ mũi nhọn trực thuộc trung ương; tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại từng địa phương để hình thành các cao đẳng/đại học cộng đồng; củng cố và nâng cao năng lực cho hai trường đại học mở, chủ yếu triển khai phương thức đào tạo từ xa.
Ngoài ra, rất cần thường xuyên điều chỉnh cơ cấu phân luồng người học dựa theo dịch chuyển cơ cấu kinh tế cả ở tầm quốc gia lẫn tầm địa phương.
Trân trọng cảm ơn ông.