Trong thời gian gần đây, đặc biệt là đối với những địa phương đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội vì dịch COVID -19, nhiều người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm bánh trung thu thông qua các kênh mua hàng online.
Tuy nhiên, việc mua hàng trên các fangage của mạng xã hội hay nhóm cộng đồng online, nhóm dân cư trên mạng xã hội… tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Bởi các sản phẩm thường không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được các cơ quan y tế có chuyên môn thẩm định, không nhãn mác bao bì, không ngày sản xuất... có nguy cơ gây ngộ độc khi chứa các chất phụ gia không được phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép.
Theo tìm hiểu, từ sau rằm tháng 7 Âm lịch, thị trường bánh Trung thu đã bắt đầu vào mùa sôi động.
Bánh trung thu không rõ nguồn gốc được quảng cáo xách tay từ Hồng Kông. Ảnh: LC |
Ngoài các thương hiệu bánh nổi tiếng, thị trường cũng xuất hiện nhiều loại bánh trung thu “handmade” (làm thủ công), các loại bánh mới lạ được quảng cáo là hàng nội địa Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông... lại liên tục được quảng cáo trên các mạng xã hội.
Không khó để nhưng người dùng trên mạng xã hội có thể tìm thấy một sản phẩm bánh trung thu có gắn mác “handmade” (sản xuất thủ công – phóng viên) trên các ứng dụng, nhóm…thậm chí có cả những tài khoản mạng xã hội liên tục livestream (trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội) để bán bánh trung thu
Các sản phẩm cũng vô cùng đa dạng, được quảng cáo rất hấp dẫn và giá cả cũng rất chuộng người tiêu dùng.
Các sản phẩm bánh Trung thu mi-ni nội địa Trung Quốc đang được khá nhiều người quan tâm với 24 vị cả chay và mặn với giá bán từ 65 nghìn đồng đến 115 nghìn đồng/20 chiếc hoặc bán theo cân từ 89 nghìn đồng đến 99 nghìn đồng/kg.
Hay bánh ngàn lớp trứng muối chảy với giá từ 79 nghìn đồng đến 99 nghìn đồng/hộp/6 cái…
Bánh trung thu được quảng cáo hàng nội địa Trung Quốc được quảng cáo với giá trẻ 180 nghìn đồng cho 10 chiếc…
Theo quan sát của phóng viên, thì loại bánh này có trọng lượng khoảng 40 gram, kích thước bằng một phần tư bánh Trung thu thông thường, bao bì ghi chữ Trung Quốc, không có tem phụ bằng tiếng Việt, cũng không có tem mác chứng nhận của các cơ quan quản lý, người mua không rõ hạn sử dụng, không rõ nơi sản xuất, không rõ thành phần… Khi hỏi về chứng nhận của Y tế hay các cơ quan An toàn thực phẩm, các fanpage bán hàng này thường "lờ lớ lơ".
Bánh trung thu được bán online ở rất nhiều trên mạng xã hội và không có bất cứ dòng chữ tiếng Việt nào. Ảnh: L.C |
Thực tế, với các sản phẩm còn đang mập mờ thông tin như trên, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng khi liên tiếp trong thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các đơn vị phát hiện, kiểm tra và thu giữ hàng nghìn sản phẩm bánh Trung thu nhập lậu.
Ðiểm chung của các sản phẩm này là không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ, hạn sử dụng, không rõ chất lượng, không bảo đảm an toàn sử dụng, được nhập lậu với giá rẻ từ Trung Quốc về để bán kiếm lời.
Thực tế thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển bánh trung thu không rõ nguồn gốc.
Điển hình như ngày 20/8, tờ Tiền Phong đưa tin, tại chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 số 20, tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cao (xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), Đội 4 – Phòng Cảnh sát môi trường – Công an TP Hà Nội phối hợp Đội CSGT số 15 và Đội QLTT số 9 – Cục QLTT Hà Nội kiểm tra xe tải “luồng xanh” BKS 71C-077.XX.
Tại thời điểm kiểm tra, trên xe có 1.000 thùng giấy, số lượng hơn 200.000 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc xuất xứ, tương đương khoảng 10 tấn.
Ngày 8/9, thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, qua công tác nắm địa bàn và nguồn tin cung cấp đã được thẩm tra xác minh, việc bán hàng hóa trên mạng Zalo, Facebook Đội quản lý thị trường số 6 của tỉnh này đã phát hiện Facebook Ngân còi ( tổng kho gia dụng) có địa chỉ kinh doanh tại Khu N20 tổ 1 khối 6 thị trấn Cao Lộc huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn đang có dấu hiệu bán hàng hóa vi phạm.
Cơ quan chức năng đã phát hiện ra đối tượng này đã kinh doanh bánh Trung thu đóng trong hộp loại 5Kg/hộp số lượng 04 hộp; Bánh trứng loại 300g số lượng 20 hộp; Bánh ruốc loại 1,2kg/hộp số lượng 18 hộp; cùng các mặt hàng hóa mĩ phẩm khác đều không có nguồn gốc nhãn mác xuất xứ.[2]
Trước thực trạng việc mua bán bánh trung thu không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội và sàn điện tử, ngày 6/9, trang https://bnews.vn/ của Thông Tấn xã Việt Nam đã dẫn khuyến cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), khi mua bánh trung thu người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng và có tên của nhà sản xuất.
Theo khuyến cáo: “Việc mua bán thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội tiềm ẩn một số rủi ro. Theo đó, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng; sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm”.[3]
Đa dạng mặt hàng, chủng loại với giá siêu rẻ. Ảnh chụp màn hình |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó viện trưởng viện dinh dưỡng Quốc Gia cho rằng người tiêu dùng nên cẩn trọng với những sản phẩm không được chứng thực bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Theo Bác sĩ Lâm: “Thời nay việc tiếp cận thông tin không khó nên người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm hiểu về thông tin sản phẩm, chất lượng nguồn gốc xuất xứ nên cần cẩn trọng khi mua hàng. Đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm. Vì bánh trung thu là sản phẩm theo thời vụ nên thời hạn sử dụng của bánh cũng không dài nên nếu nhà sản xuất không đưa các thông tin đó lên bao bì sản phẩm thì tuyệt đối không mua, bởi ăn những sản phẩm như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Các loại bánh rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường sẽ được các cơ quan kiểm nghiệm đầy đủ.
Các loại chất dùng cho bảo quản, nguồn gốc nguyên liệu, xuất xứ… có tác động đến sức khỏe người tiêu dùng như thế nào đều đã được đánh giá nên mua những sản phẩm như vậy là an toàn.
Những loại bánh thủ công rất khó có thể nói là sẽ chứng nhận được an toàn thực phẩm được. Đặc biệt là quá trình bảo quản, quá trình vận chuyển…”
Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm khuyên:”Người mua hàng khi chọn mua bánh cần chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. …”
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về Công nghệ thực phẩm khuyên người tiêu dùng nên thận trọng trước những loại bánh không có nguồn gốc, tem nhãn không rõ ràng.
Bởi dù là loại bánh nào cũng cần được công khai bảng thành phần, tên thương hiệu… rõ ràng để người tiêu dùng tự kiểm chứng, quyết định mua. Trong khi loại bánh không rõ nguồn gốc thường không ghi rõ thông tin quan trọng nhất nên cần phải lưu ý.
Bởi các loại bánh Trung thu thường được sử dụng các loại phẩm màu để tăng tính thẩm mỹ.
Nếu được sử dụng phẩm màu thực phẩm được Bộ Y tế cho phép thì an toàn sức khỏe nhưng nếu rủi ro, chúng ta sẽ ăn phải bánh sử dụng chất tạo màu không được phép sử dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm.
Điều này vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Do đó không nên mua và ăn những loại bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được công khai bảng nguyên liệu thành phần.
Trong thời điểm gần Tết Trung thu, rất nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu của thị trường, đã nhập hàng hóa lậu, không có nguồn gốc nhằm trục lợi. Người tiêu dùng nên hết sức cảnh giác với các sản phẩm này, tránh "tiền mất tật mang", Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành công văn số 1632/ATTP-NĐTT ngày 26/8/2021 đề nghị các đồng chí Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh, thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ tình hình thực tế địa phương, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, triển khai các nội dung sau:
1. Đối với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội:
Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, lồng ghép với tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19. Nội dung tuyên truyền cho các đối tượng như sau:
- Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển thực phẩm. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19 trong sản xuất như nguyên tắc 3 tại chỗ, một cung đường hai điểm đến...
- Đối với người tiêu dùng: Hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định của Bộ Y tế. Lưu ý kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng khi mua sản phẩm thực phẩm qua hình thức trực tuyến.
2. Đối với các tỉnh/thành phố không trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trong phòng chống dịch bệnh COVID-19:
- Tăng cường tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và lưu thông sản phẩm thực phẩm, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
- Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các hoạt động phù hợp tình hình thực tế để kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, trong đó tập trung, ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, chợ đầu mối…
3. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
4. Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.
Trong quá trình triển khai, các đơn vị chú ý tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19 phù hợp với tình hình địa phương.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tienphong.vn/phat-hien-xe-tai-luong-xanh-cho-10-tan-banh-trung-thu-khong-ro-nguon-goc-post1367839.tpo
[2] https://langson.dms.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/%C4%91oi-qltt-so-6-tang-cuong-kiem-tra-giam-sat-thuong-mai-%C4%91ien-tu-%C4%91oi-voi-mat-hang-thuc-pham-my-pham-37813-507.html
[3] https://bnews.vn/bo-cong-thuong-mua-banh-trung-thu-tren-mang-tiem-an-nhieu-rui-ro/211077.html