Ngày 14/9 Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có bài “Các trường ở Nam Định sẽ có giáo viên người nước ngoài trực tiếp dạy tiếng Anh”, cho biết: Từ năm học 2021 – 2022 Nam Định sẽ chính thức triển khai cho học sinh trong tỉnh này học tiếng Anh trực tiếp với giáo viên người nước ngoài, đến từ những nước có ngôn ngữ hành chính là tiếng Anh và có trợ giảng là người Việt Nam (nếu cần).
Thực tế, không chỉ riêng ở Nam Định, nhiều thành phố, địa phương cũng triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh do người nước ngoài dạy. Điều này khiến cho cho dư luận băn khoăn về chất lượng dạy và học tiếng Anh trong chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo không đáp ứng được yêu cầu, không đảm bảo chất lượng nên các địa phương thi nhau có chương trình tăng cường tiếng Anh do người nước ngoài dạy?
Thầy Bùi Văn Khiết – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy Bùi Văn Khiết – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định, thầy Khiết cho biết:
“Thực ra Đề án này đã được Sở Giáo dục Nam Định đưa vào dạy thí điểm trong giai đoạn 2015 – 2020 rồi. Cái này cũng được nhiều Sở Giáo dục ở các tỉnh khác thực hiện chứ không riêng Nam Định.
Đây là giai đoạn 2 của Đề án và có mở rộng thêm, trước đó thì chỉ tăng cường giáo viên dạy môn Toán và tiếng Anh nhưng giai đoạn này còn bổ sung thêm giáo viên dạy các môn Công nghệ thông tin nữa.
Qua giai đoạn thí điểm đã cho thấy nhiều biến chuyển tốt, đặc biệt là khả năng nghe nói của học sinh trong tỉnh được nâng lên rất nhiều. Các em cũng tỏ ra tự tin hơn khi giao tiếp với người nước ngoài. Việc này được thể hiện rất rõ qua các cuộc thi như thi hùng biện tiếng Anh hay thi tốt nghiệp.
Trước đây, điểm số thi tiếng Anh trong các đợt thi tốt nghiệp của Nam Định hầu như không được xếp trong tốp 10, nhưng mấy năm trở lại đây thì chúng tôi luôn giữ vững vị trí thứ 5, thứ 6 trong cả nước. Đó là cơ sở để Sở Giáo dục cũng đề xuất với tỉnh tiếp tục triển khai thêm 5 năm nữa”.
Lý giải những thắc mắc của độc giả về việc, phải chăng do lực lượng giáo viên tiếng Anh của địa phương còn hạn chế nên Nam Định mới phải kêu gọi giáo viên nước ngoài về dạy, thầy Khiết bày tỏ: “Cách hiểu của nhiều người như vậy là không đúng về bản chất sự việc. Ở đây chúng ta cần hiểu, không phải là do giáo viên tiếng Anh trong tỉnh không đủ năng lực mới phải đưa giáo viên người nước ngoài vào.
Bởi lẽ, giáo viên người Việt cũng đóng vai trò quan trọng không kém và những giáo viên được chúng tôi tuyển về hầu hết đều có đủ trình độ, nghiệp vụ sư phạm vững vàng để dạy theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Giáo dục.
Nhưng có một hạn chế là, các giáo viên người Việt khi dạy theo khung chương trình đó thì phần lớn họ phải đảm nhiệm dạy các phần đọc, viết, vốn ngữ pháp và từ vựng nữa, không có nhiều thời gian để luyện chuyên sâu vào kỹ năng nghe, nói cho học sinh.
Riêng phần tên gọi của Đề án này cũng đã cho mọi người hiểu về nội dung chính của nó rồi. Ở đây chúng tôi đang muốn đề cập đến việc tăng cường, dạy thêm kỹ năng nghe, nói chứ không phải là tuyển họ về đảm nhiệm thay trách nhiệm của các giáo viên tiếng Anh người Việt.
Mặt khác chúng ta cũng có thể thấy, so về kỹ năng nghe, nói thì các giáo viên người Việt rất ít người có thể đảm bảo được yếu tố phát âm chuẩn bằng các giáo viên người bản xứ nói tiếng Anh được.
Điều quan trọng nữa mà chúng tôi muốn nói đến đó là tâm lý học của học sinh, việc đưa giáo viên nước ngoài vào giảng dạy tăng cường vừa tạo ra sự mới mẻ vừa gợi được sự hứng khởi và yêu thích học cho các học sinh. Điều này là đảm bảo theo yếu tố phát triển toàn diện thể chất của trẻ nhỏ”.
Thông tin thêm về phương án đảm bảo nguyên tắc tính tự nguyện khi thực hiện Đề án này, thầy Khiết cho biết: “Trong Đề án này chúng tôi cũng đã nêu rõ việc, chương trình học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài là dựa trên tinh thần tự nguyện đăng ký của học sinh và phụ huynh nên việc này được chúng tôi thực hiện rất nghiêm túc.
Chúng tôi sẽ lựa chọn học sinh dựa trên các đơn đăng ký của học sinh, có chữ ký xác nhận của phụ huynh hoặc người giám hộ học sinh đó. Hồ sơ ấy sẽ được tập hợp lại gửi cho các Phòng Giáo dục, sau đó các Phòng sẽ gửi về Sở Giáo dục để chúng tôi thẩm định, cấp phép.
Ngoài ra, về phía Sở Giáo dục thì hàng năm đều có các đợt kiểm tra, thanh tra. Việc này không phải là chỉ làm hình thức mà được làm thành các câu hỏi điều tra xã hội học. Các phiếu trả lời của học sinh gửi đi chúng tôi không yêu cầu ghi tên để đảm bảo tính khách quan, cảm xúc của từng em.
Hoặc là tổ chức đột xuất kiểm tra tại một trường mà không có mặt của giáo viên của nhà trường đó để hỏi xem các em có hứng thú, thực sự muốn học với giáo viên người nước ngoài hay không. Từ đó, chúng tôi mới có cơ sở làm việc với nhà trường và đưa hết vào Đề án giai đoạn 2 những điều khoản ràng buộc, để có thể hạn chế được tiêu cực, bệnh thành tích khi triển khai việc này”.
Nêu ra một số khó khăn khi thu hút đội ngũ giáo viên người nước ngoài về địa bàn tỉnh Nam Định giảng dạy, thầy Khiết cho rằng: “Thực ra, khi triển khai bất cứ một phương án mới nào trong giáo dục thì đều có khó khăn cả.
Các giáo viên người nước ngoài khi về giảng dạy tại tỉnh lẻ như Nam Định thì họ gặp rất nhiều bất tiện trong điều kiện sinh hoạt, nơi ăn, chốn ở. Đa số phong cách của họ đều có xu hướng hưởng thụ rất cao, đó có thể là du lịch, dã ngoại vào các ngày cuối tuần. Nhưng Nam Định là một tỉnh nhỏ, ở địa phương lại không có nhiều sự lựa chọn về các địa điểm vui chơi chất lượng cao như Hà Nội hoặc các thành phố lớn khác nên để họ về thì họ cũng đắn đo rất nhiều.
Phương thức để chúng tôi cho các giáo viên này vào các trường giảng dạy hiện tại vẫn là theo dạng liên kết với các trung tâm Ngoại ngữ. Các trung tâm này họ có hợp đồng giảng dạy với giáo viên từ trước, sau đó họ đưa các giáo viên này vào nhà trường để giảng dạy. Nhà trường chỉ đóng vai trò phối hợp chứ không phải là đưa vào thỉnh giảng hay biên chế ở trong trường.
Dù là liên kết nhưng tất cả đều phải có hợp đồng để quy định rõ trách nhiệm. Đồng thời chúng tôi cũng thực hiện việc kiểm soát bằng cách cho nhà trường cử các giáo viên có chuyên môn để tham gia trợ giảng. Chi phí khi các Hiệu trưởng nhà trường đó tham gia vào công tác sắp xếp thời khoá biểu, bố trí giáo viên của trường trợ giảng là do các trung tâm này chi trả”.
Đại diện Sở Giáo dục Nam Định cho biết, các giáo viên nước ngoài chỉ dạy tăng cường kỹ năng nghe, nói cho học sinh chứ không đảm nhiệm vai trò chính của giáo viên tiếng Anh người Việt. Ảnh minh hoạ: Báo Nam Định |
Phóng viên nêu lên thắc mắc, nếu giáo viên đó là người của các trung tâm Ngoại ngữ ở bên ngoài, vậy khi đưa vào trường để giảng dạy thì việc kiểm định chất lượng của những giáo viên ấy được thực hiện như thế nào. Về vấn đề này, thầy Khiết chia sẻ: “Về việc này thì trong Đề án chúng tôi cũng đã đề ra các quy định, tiêu chuẩn cụ thể với những giáo viên của các trung tâm đó rồi.
Thứ nhất là tiêu chuẩn về bằng cấp, dù là người nước ngoài nhưng nhất thiết giáo viên đó phải có bằng cấp chuyên môn về tiếng Anh thì mới được tham gia giảng dạy.
Thứ hai là phải có chứng chỉ sư phạm giảng dạy phù hợp với cấp học được phân công.
Thứ ba, trong quá trình cán bộ Sở Giáo dục đi thanh tra, kiểm tra thì chúng tôi còn có nội dung là dự giờ giáo viên. Các đội ngũ dự giờ gồm những chuyên gia có trình độ Thạc sỹ trở lên sẽ đánh giá sát sao về chất lượng dạy học của các giáo viên nước ngoài đó.
Về chuẩn đầu ra thì chúng tôi không yêu cầu và không thay đổi theo các quy định có từ trước. Vì đây là việc tăng cường thêm việc giảng dạy tiếng Anh nên chúng tôi chỉ chú trọng đến việc năng lực nghe, nói của học sinh được biến chuyển như thế nào.
Hơn nữa, vì là dựa trên tinh thần tự nguyện của học sinh nên có trường học sinh tham gia ít, tham gia nhiều, không đồng đều với nhau nên chúng tôi không thể đặt ra tiêu chuẩn chung để đánh giá cho chuẩn đầu ra được”.