Phó Giám đốc Sở Giáo dục Vũng Tàu: Đồng bộ mọi giải pháp để học online hiệu quả

20/09/2021 06:02
Trung Dũng
GDVN- Tính đến ngày 15/9, ở Vũng Tàu bậc Tiểu học có 7.031 em, Trung học cơ sở có 1.362 em, Trung học phổ thông và Giáo dục thường xuyên có 54 em thiếu thiết bị học.

Năm học này, do tình hình dịch bệnh Covid -19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên đến thời điểm hiện tại, nhiều địa phương vẫn đang duy trì phương án học trực tuyến cho học sinh. Giải pháp nào để việc dạy học trực tuyến cho học sinh có hiệu quả vẫn là điều được ngành giáo dục các địa phương quan tâm.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy Nguyễn Văn Ba – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để tìm hiểu về tình hình học tập của học sinh tỉnh này sau nửa tháng khai giảng.

Phóng viên: Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chính thức bước vào năm học mới được nửa tháng, vậy hiện tại các hình thức học như trực tiếp, trực tuyến, qua truyền hình đã và đang được Sở Giáo dục triển khai như thế nào? Phương án nào để đảm bảo đồng bộ các hình thức học giữa các địa phương với nhau, thưa thầy?

Thầy Nguyễn Văn Ba: Về việc tổ chức dạy trực tiếp tại trường thì đến thời điểm hiện tại của năm học 2021-2022, Sở Giáo dục vẫn chưa thực hiện (trừ huyện Côn Đảo). Còn với phương án dạy trực tuyến, qua truyền hình thì không chỉ năm học này mà Sở Giáo dục cũng đã chỉ đạo và thực hiện từ cuối năm học 2019-2020 và cho thấy những hiệu quả bước đầu,

Để đảm bảo đồng bộ các hình thức học giữa các địa phương thì Sở Giáo dục đã chỉ đạo các đơn vị rà soát và vận động tài trợ cho học sinh chưa có thiết bị thông minh để học online. Đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông và các nhà mạng để trang bị, nâng cấp đường truyền và hỗ trợ sim 3G, 4G cho học sinh.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cho lập kế hoạch dạy bù cho những học sinh chưa có thiết bị học online hoặc chưa đảm bảo kiến thức, năng lực trong học online khi tỉnh hết thực hiện chỉ thị 16 và khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường.

Thầy Nguyễn Văn Ba - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh trong kỳ thi Khoa học kỹ thuật Quốc gia năm 2019. Ảnh: S.Q.H

Thầy Nguyễn Văn Ba - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh trong kỳ thi Khoa học kỹ thuật Quốc gia năm 2019. Ảnh: S.Q.H

Phóng viên: Việc triển khai các hình thức dạy học nêu trên trên địa bàn tỉnh đang có những thuận lợi nào và gặp phải khó khăn như thế nào thưa thầy?

Thầy Nguyễn Văn Ba: Trước và sau thời điểm khai giảng năm học mới, chúng tôi đã được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh cùng sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, Ban ngành, lãnh đạo của các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh nên có rất nhiều thuận lợi khi triển khai.

Đồng thời, Sở Giáo dục cũng nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện linh hoạt và sáng tạo của các cơ sở giáo dục trên địa bàn và đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao ở các giải pháp của Sở đề ra từ quý thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh.

Ngoài ra, đa phần các giáo viên đã có kinh nghiệm và giải pháp tốt trong việc dạy học trực tuyến, vì tỉnh đã triển khai năm học này là năm thứ 3. Đặc biệt, trong năm học 2020-2021 Sở cũng đã bắt buộc các trường trung học phải lập kế hoạch kết hợp dạy trực tuyến với trực tiếp theo tư thông 09. Đa phần các học sinh trong tỉnh thì cũng rất năng động trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác các bài giảng của các giáo viên.

Bên cạnh những thuận lợi thì ngành giáo dục tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng phải đối mặt với không ít khó khăn.

Đối với giáo viên thì việc dạy học truyền thống theo hình thức trực tiếp đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều thầy cô giáo và không gian để dạy trực tiếp trước học trò tại lớp học họ cũng đã quen. Vì vậy, còn một số thầy cô chưa thích nghi với hình thức dạy trực tuyến (mặc dù từ năm học 2020-2021 Bộ Giáo dục đã ban hành thông tư 09 và Sở cũng đã tổ chức tập huấn).

Ngoài ra, vẫn còn số ít giáo viên lớn tuổi gặp lúng túng khi thực hiện các thao tác về kỹ thuật dạy học trực tuyến. Chúng tôi cũng không thể phủ nhận một điều rằng, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học ở nhiều giáo viên còn hạn chế.

Cụ thể là việc sử dụng các phần mềm học trực tuyến chưa thông thạo để hỗ trợ phương pháp dạy học mới, đặc biệt là các hình thức, phương tiện hỗ trợ ứng dụng để tương tác với học sinh và giúp các em học sinh tương tác với nhau.

Cũng có trường hợp một vài giáo viên chưa quen với các hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh theo thông tư 26 và thông tư 22. Vì vừa dạy, vừa điểm danh và quản lý từ 40 đến 45 học sinh trên màn hình, nên rất khó khăn và vất vả trong việc quản lý nề nếp và dạy học.

Đối với học sinh thì có nhiều em ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn chưa có máy tính hoặc điện thoại thông minh từ trước, nên bước đầu rất khó khăn trong việc sử dụng để học tập khi được nhà trường hỗ trợ thiết bị. Chưa kể đến việc, có những gia đình hiện tại vẫn chưa có đường truyền Internet hoặc Wifi..

Việc học sinh tương tác với giáo viên hoặc với bạn bè thông qua mạng, qua các phương tiện chứ không phải trực tiếp. Điều này, sẽ dễ ảnh hưởng đến chất lượng bài học và sản phẩm của học sinh cần đạt. Ngoài ra, nhiều phụ huynh rất khó khăn về kinh tế nên lo làm ăn, không có thời gian để giám sát và nhắc nhở học sinh học tập mà chủ yếu là dựa vào tinh thần tự giác của học sinh nên quá trình dạy học cũng diễn ra không ít khó khăn.

Phóng viên: Trước những khó khăn đó thì Sở Giáo dục Vũng Tàu có cách gì để khắc phục khó khăn, thưa thầy?

Thầy Nguyễn Văn Ba: Trước những bất cập đó thì Sở cũng đã đề ra các giải pháp khắc phục cụ thể. Với giáo viên thì chúng tôi cũng tổ chức tập huấn để họ biết sử dụng các thiết bị hỗ trợ, công nghệ thông tin thành thạo và sử dụng các phần mềm để dạy online. Đồng thời, yêu cầu giáo viên cần tích cực và chủ động đầu tư vào các giờ học trực tuyến.

Sở cũng có các công văn hướng dẫn và yêu cầu nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của lãnh đạo nhà trường, của tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh trong việc dạy online và sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, không gây áp lực cho học sinh. Đồng thời, phải hướng dẫn cụ thể cho các em biết cách sử dụng an toàn các thiết bị khi tham gia học online.

Chúng tôi cũng yêu cầu các nhà trường cần tăng cường cơ sở vật chất, tận dụng tối đa các phương tiện để hỗ trợ cho giáo viên khi dạy học trực tuyến. Nhà trường, các thầy cô giáo cần phối hợp tốt với phụ huynh học sinh để trao đổi kế hoạch, thống nhất cách làm, tăng cường sự phối hợp của phụ huynh khi các em học sinh học tập tại nhà.

Căn cứ vào đặc thù vùng miền và các điều kiện hiện có, các thầy cô giáo cần chủ động, linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức dạy học sao cho phù hợp. Có thể lựa chọn một trong các hình thức như dạy thông qua trực tuyến, qua online, qua nhóm zalo, messenger, facebook, email…mặc dù các nền tảng trên vẫn còn hạn chế, chỉ ở mức tiếp cận các bài học online đơn thuần và không thể lưu trữ các bài học để học sinh có thể xem lại khi cần.

Ở những nơi không có điều kiện về mạng, kỹ thuật thì cần tìm giải pháp để giao bài, giao nhiệm vụ cho học sinh như soạn bài ôn tập, in và thông báo phụ huynh đến nhận. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng vận động tài trợ, ủng hộ cho học sinh còn thiếu trang thiết bị thông minh và đường truyền

Phóng viên: Việc phối hợp với các tổ chức, cá nhân khác trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục được Sở thực hiện ra sao? Cụ thể là trong việc phối hợp với đài truyền hình, nhà mạng, các địa phương thực hiện như thế nào thưa thầy?

Thầy Nguyễn Văn Ba: Trong việc này thì Sở cũng đã có công văn phối hợp với: Tổng công ty dịch vụ Viễn thông VNPT, Tập đoạn công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel, Công ty cổ phần Viễn thông FPT, Tổng công ty Viễn thông MobiFone có chi nhánh tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Công ty Điện lực tỉnh với yêu cầu cụ thể như sau:

Cần có băng thông đủ lớn để đảm bảo việc dạy học trực tuyến của giáo viên và học sinh trong toàn tỉnh. Vì hiện nay một số nơi vẫn bị đứt đường truyền, chất lượng âm thanh, hình ảnh bị đứt quãng. Nếu có thể xin các Công ty nâng băng thông đường truyền Internet cao hơn hiện tại đối với hộ gia đình trên toàn tỉnh.

Để đảm bảo cho các học sinh được học tập đầy đủ, Sở Giáo dục Vũng Tàu tổ chức vận động các mạnh thường quân để ủng hộ thiết bị học tập cho các em. Ảnh: Bariavungtau.edu.vn

Để đảm bảo cho các học sinh được học tập đầy đủ, Sở Giáo dục Vũng Tàu tổ chức vận động các mạnh thường quân để ủng hộ thiết bị học tập cho các em. Ảnh: Bariavungtau.edu.vn

Do việc dạy học trực tuyến trên diện rộng và có thể sẽ kéo dài nên có những hộ gia đình khó khăn không đủ kinh phí để đóng hàng tháng. Nên chúng tôi cũng mong có sự chia sẻ của quý doanh nghiệp hạ giá cước dịch vụ đối với những hộ gia đình này. Đồng thời, xem xét miễn giảm giá cước truy cập Internet cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo (đặc biệt là cước Internet 3G, 4G); giảm giá thuê dịch vụ máy chủ, dịch vụ Internet phục vụ giáo dục và đào tạo.

Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị Công ty Điện lực Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hạn chế đến mức thấp nhất sự cố về điện, thông báo kịp thời lịch cúp điện, an toàn điện để nhân dân và các trường học chủ động trong việc dạy học trực tuyến.

Phóng viên: Xin thầy cho biết con số thống kê bước đầu về số lượng học sinh học online nhưng thiếu máy, thiếu mạng trong đợt học trực tuyến từ đầu năm học đến nay?

Thầy Nguyễn Văn Ba: Từ thời điểm khai giảng năm học mới (ngày 5/9) Sở Giáo dục đã thống kế được số lượng học sinh phải học online cấp Tiểu học là 115.602 em (dự kiến thực học từ 20/9/2021).

Còn với bậc Trung học cơ sở là 72.699/74.706 em (đã thực học từ ngày 6/9/2021), chiếm 97,31%.

Bậc Trung học phổ thông là 36.717/36.729 em (đã thực học từ ngày 6/9/2021), chiếm 99,91% và với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên là 2553 em (dự kiến thực học từ 20/9/2021).

Bên cạnh đó, qua rà soát Sở cũng tổng hợp được số lượng học sinh còn thiếu các điều kiện cho việc học tập trực tuyến tính đến ngày 25/8/2021 là 44.780 học sinh, trong đó: cấp Trung học phổ thông là 1.000 em, cấp Trung học cơ sở là 10.673 em và Tiểu học là 33.105 em còn thiếu thiết bị thông minh dạy học.

Sau khi tiếp tục vận động từ giáo viên, cựu học sinh và từ mạnh thường quân, các doanh nghiệp..v.v. đến ngày 15/9/2021 còn 8.411/376.603 học sinh còn thiếu thiết bị học trực tuyến. Cụ thể: Tiểu học là 7.031em, Trung học cơ sở là 1.362em, Trung học phổ thông và Giáo dục thường xuyên là 54 em.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn thầy!

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Trung Dũng