Điểm chuẩn vào nhiều trường đại học tốp đầu, các ngành hấp dẫn năm nay cao “đột biến”, có ngành tăng tới 9 điểm so với năm trước, khiến thí sinh đạt 9 điểm/môn vẫn trượt nguyện vọng 1 khiến một số ý kiến lại đặt ra câu chuyện nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông bởi dùng điểm thi của kỳ thi này làm thước đo không “chuẩn” nữa.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Không chỉ nước ta mà hầu hết nước nào họ cũng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Do đó, với tình hình như hiện nay chúng ta không thể bỏ kỳ thi này, nếu bỏ thì học sinh sẽ không chịu học gì”.
Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, chỉ khi nào người thầy trên cả nước thực sự khách quan, công minh trong kiểm tra- đánh giá- cho điểm thì có thể xét tốt nghiệp bằng học bạ, chứ hiện nay vẫn còn tình trạng bệnh thành tích, xin xỏ, nâng điểm, hạ điểm… nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp thì cảnh “chạy điểm” sẽ càng phổ biến và thuận lợi, khi đó, điểm học bạ sẽ cao chót vót, không đánh giá được năng lực thực sự của người học.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Thùy Linh) |
Nhìn nhận việc năm nay điểm chuẩn nhiều ngành/trường đại học năm nay cao, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng, chỉ tiêu tuyển sinh là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước điều phối cho việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, cơ hội việc làm.
Tức là, chỉ tiêu tuyển sinh đã được tính toán trên cơ sở khoa học, hợp lý do đó trên cơ sở chỉ tiêu, các trường sẽ lấy điểm từ trên xuống và nguyên tắc “nước lên thì thuyền lên” đương nhiên xảy ra.
Do đó không đỗ nguyện vọng này, trường này thì các em vẫn còn cơ hội vào nguyện vọng khác gần giống như vậy bởi các em được đăng ký vô hạn số lượng nguyện vọng.
Còn tuyển sinh thì trong hoàn cảnh dịch bệnh, một số trường dù đã xây dựng những phương án xét tuyển khác nhau bằng kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi kiểm tra tư duy, nhưng không thể tổ chức được vẫn phải sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm căn cứ.
“Tôi cho rằng, kết quả đầu vào không ảnh hưởng gì đến việc đào tạo của các nhà trường, cũng không ảnh hưởng gì đến người học vì tuyển sinh dựa trên căn cứ lấy từ cao xuống thấp, rất công bằng, minh bạch”, thầy Nhĩ nói.
“Nếu bản thân các trường còn băn khoăn về kết quả thi tốt nghiệp thì hoàn toàn chỉ coi điểm chuẩn này là bước sơ tuyển, sàng lọc bước đầu để tạo điều kiện cho người học có cơ hội vào trường.
Sau sơ tuyển, các trường đại học có thể phải kiểm tra lại bằng hình thức tổ chức bài test hoặc phỏng vấn trực tiếp để đánh giá năng lực thật của người học thì đó là chuyện của từng cơ sở giáo dục đại học”, chuyên gia này đưa quan điểm.
3 nguyên dân dẫn tới hiện tượng điểm chuẩn cao
Dưới góc nhìn của cơ sở đào tạo, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra ba nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng điểm chuẩn cao. Cụ thể, theo thầy Đức, năm nay, số lượng thí sinh dự thi tăng vọt so với năm trước (xấp xỉ 11%), trong khi chỉ tiêu không có sự tăng đột biến.
Thứ hai, các đơn vị đào tạo cũng tự chủ trong việc xét tuyển và ngày càng sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác ngoài kết quả thi trung học phổ thông như xét học bạ, đánh giá năng lực; có không ít trường có đến gần 50% thí sinh trúng tuyển.
Điều này khiến tỷ lệ chọi theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng lớn và đẩy điểm trúng tuyển lên cao.
Thứ ba, do tình hình dịch bệnh, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhìn chung được điều chỉnh dễ hơn so với những năm trước đây. Cá biệt, có những tổ hợp tổng số bài thi đạt điểm giỏi tăng đột biến và ở mức cao như các tổ hợp có môn Tiếng Anh, Ngữ văn; hoặc Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân,…
Ngoài ra, ở một số ngành tăng mạnh, thu hút thí sinh vì những ngành đó hứa hẹn khả năng có việc làm sau khi tốt nghiệp cao.
"Với những yếu tố trên, tôi thấy việc tăng điểm trúng tuyển năm nay có lý do rất khách quan và cũng là tín hiệu đáng mừng khi việc lựa chọn trường, chọn ngành dần đi vào quy luật cung - cầu; ngành tốt, trường tốt thì điểm sẽ rất cao và dễ dàng tuyển đủ thí sinh có chất lượng ngay từ đợt 1", thầy Đức nêu quan điểm.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong kỳ xét tuyển vừa qua, số thí sinh đạt 27 điểm thực (cho tổng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào là 165 em, có 3 em trong số này có tổng điểm trên 28 điểm.
Trong 165 em, có 51 em đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, 114 em xét tuyển vào các trường công an, quân đội (bao gồm cả 61 em như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cung cấp thông tin trước đó với điểm xét tuyển - đã cộng điểm ưu tiên, điểm học bạ - đạt từ 29,5 điểm xét trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng nào).
Trong số 114 em đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội, có 97 em chỉ đăng ký 01 nguyện vọng duy nhất. Trong số 51 em đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, có 10 em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất.