Hiện nay, nhiều địa phương đang tổ chức dạy học trực tuyến. Để chuẩn bị cho việc dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả, nhà trường và giáo viên vẫn đang từng ngày nỗ lực hết mình.
Tuy nhiên, việc tổ chức dạy học trực tuyến hiện nay, mỗi địa phương lại có một cách tổ chức khác nhau dẫn đến rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này.
Nếu muốn kiểm tra giáo viên có dạy không hay chất lượng giờ dạy thế nào có nhất định phải buộc giáo viên lên trường để ngồi dạy trực tuyến? (Ảnh P.T) |
Nơi cho giáo viên dạy ở nhà, nơi yêu cầu đến trường, có nơi lại buộc các thầy cô lên trường và ở lại.
Tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Bình Thuận, giáo viên được ở tại nhà giảng dạy. Trong các buổi dạy, hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng nhà trường thường xuyên vào các lớp để tham dự coi như việc kiểm tra cách dạy và cách học của thầy và trò.
Việc kiểm tra này cũng là cách quản lý giờ dạy của từng giáo viên. Thông qua việc thăm lớp, nhà trường cũng đánh giá được chất lượng tiết dạy và cũng để cho các thầy cô giáo soạn giảng một cách nghiêm túc hơn.
Khác với một số trường học tại tỉnh Bình Thuận, ở Đắk Lắk, Lâm Đồng nhiều trường học lại yêu cầu giáo viên phải lên trường để dạy trực tuyến. Cô giáo L. (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Giáo viên lên trường mang theo laptop của mình, tới giờ học thì ai ở lớp nào về lớp đó dạy, cũng dạy bằng ứng dụng bình thường, ngồi dạy hết giờ xong thì về”.
Cô giáo H. (đề nghị không nêu tên) tại Đắk Lắk cho biết thời khóa biểu dạy học trực tuyến của nhà trường phân dạy cả ngày (10 buổi/tuần). Vậy là, mùa dịch mà mỗi ngày giáo viên vẫn phải lên trường đến 2 lần để dạy trực tuyến. Buổi chiều, ai cũng chỉ dạy 1 tiết xong rồi lại về.
Thời khóa biểu một trường tiểu học ở Đắk Lắk dạy học trực tuyến (Ảnh CTV) |
Tuy thế, giáo viên lên trường dạy xong rồi về vẫn còn hạnh phúc hơn một số địa phương khác còn buộc các thầy cô giáo lên trường dạy trực tuyến và ở lại trường luôn. Có người phải mang theo cả nồi cơm điện để tự nấu ăn và phòng học đã trở thành nơi ở.
Dạy trực tuyến giáo viên dạy ở nhà hay buộc phải lên trường?
Ông Bùi Mạnh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trưng Vương (thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) cho biết, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên lên dạy trực tuyến do trường có hệ thống mạng ổn định hơn, có đầy đủ trang thiết bị hiện đại phục vụ tốt cho việc giảng dạy, có nhân viên kỹ thuật vi tính túc trực tại trường để hỗ trợ giáo viên, học sinh bất cứ khi nào cần.
Nếu đang dạy, giáo viên bị trục trặc gì về kỹ thuật sẽ được nhân viên hỗ trợ ngay. Thậm chí, gia đình học sinh đang học gặp sự cố thì nhân viên cũng đến tận nhà để hỗ trợ kịp thời cho các em.
Một hiệu trưởng trường trung học tại Bình Thuận cũng bày tỏ suy nghĩ: “Về nguyên tắc thì giáo viên phải lên trường để dạy mới đảm bảo việc dạy ổn định, nhà trường quản lý cũng thuận lợi.
Nhưng hiện nay, do nhiều trường không có điều kiện về trang bị thiết bị dạy học nên không bắt buộc giáo viên lên trường để dạy trực tuyến. Nếu dạy ở nhà hay ở đâu đó thuận tiện cho giáo viên thì cũng nên tạo điều kiện nhưng chúng tôi yêu cầu là ghi lại toàn bộ nội dung bài giảng để lưu trữ, quản lý”.
Thầy Khánh, giáo viên một trường trung học tại Bình Thuận chia sẻ: “Nếu lên trường, giáo viên cũng phải mang laptop và ai vào phòng nấy ngồi dạy xong rồi về thì có khác gì cứ ngồi ở nhà mà dạy lại chẳng an toàn hơn hay sao? Nếu Ban giám hiệu muốn quản lý, kiểm tra thầy cô giáo có dạy hay không, dạy như thế nào thì thiếu gì cách?
Địa phương thực hiện Chỉ thị 15 hoặc 16 đang kêu gọi ai ở đâu thì ở yên đấy nhưng giáo viên các trường nếu cứ phải ra khỏi nhà như thế cũng có an toàn không? Từ thực tế, tôi rất ủng hộ cách làm việc của ngành giáo dục địa phương mình. Dù dạy ở nhà, chúng tôi vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy của mình”.
Nói về chuyện này, thầy giáo Lê Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Mong Thọ, tỉnh Kiên Giang chia sẻ:
"Việc giáo viên dạy trực tuyến có hiệu trưởng bắt lên trường dạy thời dịch bệnh, tôi cho rằng đó là do cách quản lý yếu, chưa nắm công nghệ trong quản lí, chỉ mời giáo viên lên trường dạy để giúp cho mượn laptop, máy tính hoặc hỗ trợ giúp đỡ giáo viên về kỹ thuật là việc cần làm.
Nếu hiệu trưởng yêu cầu, giáo viên dạy trực tuyến mà phải lên trường thì thật sự là vô lý! Vì đâu phải lên trường mới biết có dạy hay không? Thậm chí hiệu trưởng ở nhà vẫn có thể dự giờ tất cả các lớp toàn trường tại từng thời điểm trong 45 phút.
Việc quản lý dạy và học bằng công nghệ là xu hướng tất yếu hướng đến trong tương lai, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh việc áp dụng công nghệ trong dạy và học càng cần thiết hơn bất kỳ lúc nào.
Hiệu trưởng ở nhà vẫn quản lí việc dạy và học của từng giáo viên và học sinh, vấn đề là lựa chọn công nghệ quản lí. Dù là phần mềm miễn phí hay có tính phí vẫn có những phần mềm rất chuẩn, ví dụ Google Meet...."
Nói rồi thầy Trung cho biết, chỉ ngồi ở nhà nhưng thầy Trung vẫn nắm hết giáo viên và học sinh dạy và học thế nào, bao nhiêu phút.
Nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến khi giáo viên, học sinh không thể đến trường vì dịch bệnh nhằm đảm bảo sự an toàn cho giáo viên, học sinh và cho cả cộng đồng.
Bởi thế, chúng tôi cho rằng, việc một số trường học vẫn yêu cầu giáo viên lên trường giảng dạy trực tuyến trong khi địa phương đang thực hiện lệnh giãn cách cũng cần xem xét lại.
Cách làm này, không chỉ phản ánh trình độ công nghệ thông tin của Ban giám hiệu, mà còn bất chấp cả khuyến cáo chống dịch Bộ Y tế cũng như quy định của địa phương.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.