Nghịch lý tuyển sinh đại học ngành chính èo uột, ngành phụ tăng vọt

25/09/2021 07:02
Minh Ngọc
GDVN-Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, việc giao chỉ tiêu cho các trường hiện nay cần phải điều chỉnh.

Xu hướng phát triển của các trường đại học hiện nay là không ngừng mở mới ngành nghề đào tạo để phù hợp trước mọi biến động của thị trường nhân lực.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học, với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và phù hợp với năng lực, sở trường, chức năng, nhiệm vụ của trường. Việc mở ngành phải đáp ứng các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu, cơ sở vật chất, thiết bị, giáo trình theo yêu cầu từng nhóm ngành nghề khác nhau.

Tuy nhiên, thực tế qua khảo sát ở nhiều cơ sở giáo dục đại học cho thấy, những ngành là thế mạnh, là công việc chính của nhà trường thì chỉ tiêu rất ít, điểm xét tuyển rất thấp trong khi đó những ngành “phụ” thì chỉ tiêu ồ ạt, điểm xét tuyển rất cao, thậm chí ngang ngửa với các ngành học hấp dẫn của trường tốp đầu.

Ảnh minh họa: Ngọc Diệp

Ảnh minh họa: Ngọc Diệp

Nhìn nhận từ câu chuyện này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhớ lại, cách đây vài năm khi ngành Kế toán lên ngôi, đâu đâu cũng thấy mở ngành Kế toán. Oái oăm ở chỗ, có cơ sở giáo dục vốn chuyên đào tạo nguồn nhân lực của ngành chuyên môn rất hẹp nhưng chỉ tuyển được 15-20 thí sinh trong khi đó chạy theo thị hiếu xã hội nhà trường tuyển được 700-800 chỉ tiêu cho ngành Kế toán.

Chính vì vậy, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, việc giao chỉ tiêu cho các trường hiện nay cần phải điều chỉnh.

Trước tiên, muốn được giao chỉ tiêu cho ngành A thì bản thân các trường phải công khai, minh bạch về điều kiện đào tạo ngành A này xem cơ sở vật chất thế nào, đội ngũ giảng viên ra sao, chương trình như thế nào… không thể chỉ có 7-8 giảng viên cơ hữu/ ngành mà tuyển 700-800 chỉ tiêu, chứ hiện nay các trường khi làm đề án tuyển sinh chỉ nêu tổng số giảng viên chứ không phải của từng ngành.

Thứ hai, cần kiểm định ngành đào tạo và công bố công khai kết quả này, nếu không đạt thì không cho đào tạo, hoặc không công nhận cấp bằng. Tuy nhiên hiện nay chúng ta đang rất cần kiểm định chương trình trong khi còn chưa có chuẩn chương trình nên cứ luẩn quẩn mãi chưa làm được.

“Muốn kiểm định chương trình thì phải có chuẩn chương trình từng ngành chứ hiện nay các tiêu chí kiểm định mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành còn rất chung chung”, thầy Khuyến nói.

Thứ ba, cần phải công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp 1 năm ở từng ngành đào tạo chứ không phải con số chung chung như hiện nay. Nếu tỷ lệ có việc làm thấp thì phải chủ động giảm chỉ tiêu tuyển sinh và đương nhiên sẽ rất ít thí sinh dám vào học.

“Làm được 3 điều này thì người học sẽ lựa chọn dễ dàng vì mọi thứ đã minh bạch, chứ hiện nay còn rất mập mờ. Và cũng dựa vào 3 yếu tố trên để cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng quyền của mình là có duyệt chỉ tiêu cho ngành đó hay không”, Tiến sĩ Khuyến nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, Phó giáo sư Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng, điều tiên quyết đối với giáo dục trong đó có giáo dục đại học đó là công khai minh bạch tất cả các khâu.

”Đào tạo ở đại học là đào tạo chuyên sâu, muốn được như vậy thì phải tập trung các lĩnh vực là thế mạnh của mình. Bởi lẽ, ông cha có câu “nhất nghệ tinh”, chỉ có như thế mới thúc đẩy xã hội phát triển được chứ việc gì cũng muốn tham gia vào nhưng cái nào cũng làng nhàng, không có gì có đặc sắc, điểm nhấn thì xã hội không cần. Chúng ta cần người giỏi chuyên môn, năng động sáng tạo chứ không phải cái gì cũng biết mà chẳng chuyên sâu cái gì”, bà An nhấn mạnh.

Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của đại học có hiệu lực từ ngày 7/8 yêu cầu các chương trình đào tạo phải xác định được chuẩn đầu ra rõ ràng và thiết thực, thể hiện kết quả học tập mà người tốt nghiệp cần đạt được. Phải đo lường, đánh giá được theo các cấp độ tư duy, làm căn cứ thiết kế, thực hiện và cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và cấp văn bằng cho người học. Chuẩn đầu ra còn phải bảo đảm tính liên thông với chuẩn đầu vào của trình độ đào tạo cao hơn (nếu có), đồng thời tạo cơ hội liên thông ngang giữa các chương trình cùng trình độ đào tạo, nhất là giữa các chương trình thuộc cùng nhóm ngành, lĩnh vực…

Thông tư 17/2021 cũng đặt ra chuẩn về đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ với chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Theo đó, một chương trình đại học hoặc chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 phải có ít nhất 1 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu để chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo; có ít nhất 5 tiến sĩ có chuyên môn phù hợp là giảng viên cơ hữu để chủ trì giảng dạy chương trình.

Với đào tạo thạc sĩ, một chương trình phải có ít nhất 5 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.

Với đào tạo tiến sĩ, giảng viên phải có chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư; hoặc có trình độ tiến sĩ với năng lực nghiên cứu tốt. Một chương trình có ít nhất 1 giáo sư (hoặc 2 phó giáo sư) ngành phù hợp và 3 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu.

Minh Ngọc