Bộ cần làm rõ có hay không khuất tất đấu thầu giấy in sách giáo khoa tại NXBGDVN

27/09/2021 06:40
Thanh Hà
GDVN- Cần phải công khai biên bản mở hồ sơ đề xuất chào giá cạnh tranh của các nhà cung cấp giấy in cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong 5 năm trở lại đây.

Báo Nhân Dân ngày 22/4/2021 đăng bài viết "Giữ giá sách giáo khoa hợp lý nhất có thể", cho biết: Lý giải về việc sách giáo khoa mới có giá bán cao hơn khoảng ba lần so với sách giáo khoa trước đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng việc biên soạn, xuất bản một bộ sách mới có những điểm khác biệt so với bộ sách trước đây.

Trong số các nguyên nhân làm tăng giá bán sách giáo khoa mà Báo Nhân Dân dẫn lời Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết có nguyên nhân "giá giấy in, mực in và nhân công cũng tăng so với năm trước" [1].

Nghịch lý giá giấy in tăng cao, nhà cung cấp tố không được đấu thầu công khai rộng rãi

Ngày 15/3/2019, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đăng bài phỏng vấn Phó giáo sư. Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam về giá sách giáo khoa. Ông Tùng được Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn lời cho biết:

Giá thị trường của vật tư giấy in hàng năm hầu như đều tăng, riêng giấy để in sách giáo khoa năm học 2019-2020 đã tăng so với năm trước bình quân trên 20% [2].

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Lã Tiến / GDVN.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Lã Tiến / GDVN.

Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm và 3 năm gần nhất, năm báo cáo: 2019 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) ngày 18/6/2020 cho biết một trong những khó khăn của đơn vị này là giá vật tư, nguyên liệu, đặc biệt là giá giấy tăng rất cao (20% - 25%) [3].

Như vậy, giá giấy in sách giáo khoa tăng là một trong những nguyên nhân làm tăng giá bán sách giáo khoa. Lẽ thường, việc tìm kiếm các nhà cung cấp giấy in đảm bảo chất lượng với giá thấp nhất thông qua đấu thầu cạnh tranh công khai là một giải pháp để giảm tối đa chi phí và tối đa hóa lợi nhuận cho Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam cũng như mang lại lợi ích cho Nhà nước và xã hội.

Tuy nhiên, có nhà cung cấp giấy in đã phản ánh lên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo việc công ty này không được tham gia chào hàng, đấu thầu cạnh tranh cung cấp giấy in sách giáo khoa cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mặc dù đã 2 lần gửi công văn đề nghị.

Ngày 4/9/2021 Công ty Cổ phần công nghiệp giấy Ngọc Việt (sau đây gọi tắt là Công ty Ngọc Việt) có công văn số 46/CV-NV/2021 gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ban cán sự Đảng - Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo; Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo để phản ánh:

Qua tìm hiểu, Công ty Ngọc Việt được biết Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có nhu cầu mua giấy in các loại để phục vụ in sách giáo dục phục vụ năm học 2022-2023. Ngày 12/8/2021 Công ty Ngọc Việt gửi công văn số 43/CV-NV/2021 đến Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để xin tham gia chào hàng cạnh tranh cung cấp giấy in các loại cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tiếp theo, ngày 26/8/2021 Công ty Ngọc Việt tiếp tục gửi Công văn số 44/CV-NV/2021 gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nội dung như Công văn số 43/CV-NV/2021.

Đến 10h00 ngày 01/9/2021 Công ty Ngọc Việt nhận được công văn trả lời số 1981/TB-NXBGDVN của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, ngoài ra không nhận được bất cứ thông báo, hướng dẫn nào về việc chuẩn bị hồ sơ tham gia chào hàng cạnh tranh, trong khi theo thông tin Công ty Ngọc Việt nắm được có 05 doanh nghiệp tham gia cung cấp giấy in cho Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đều nhận được thông báo hướng dẫn về việc "mua vật tư để in sách giáo dục phục vụ năm học 2022-2023" vào ngày 20/8/2021 và hạn cuối cùng nộp hồ sơ chào hàng không thậm hơn 17h00 ngày 30/8/2021.

Như vậy tuy Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã nhận được công văn nhưng Công ty Ngọc Việt không nhận được thông báo hướng dẫn nộp hồ sơ chào hàng, nhưng trong công văn trả lời (Thư cảm ơn số 1981/TB-NXBGDVN đề ngày 20/8/2021 của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam) lại nêu là Công ty Ngọc Việt có gửi hồ sơ đến và hồ sơ không đạt yêu cầu, đây là điều không đúng sự thật.

Công ty Ngọc Việt phản ánh với Bộ Giáo dục và Đào tạo, họ 2 lần gửi công văn chào hàng tham gia đấu thầu cung cấp giấy in cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhưng không nhận được bất kỳ thông báo hướng dẫn nào ngoài "Thư cảm ơn" đề ngày 20/8/2021 nhưng bì thư chuyển phát nhanh "Thư cảm ơn" này lại đề ngày 27/8/2021 và gửi sai địa chỉ nơi nhận.
Công ty Ngọc Việt phản ánh với Bộ Giáo dục và Đào tạo, họ 2 lần gửi công văn chào hàng tham gia đấu thầu cung cấp giấy in cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhưng không nhận được bất kỳ thông báo hướng dẫn nào ngoài "Thư cảm ơn" đề ngày 20/8/2021 nhưng bì thư chuyển phát nhanh "Thư cảm ơn" này lại đề ngày 27/8/2021 và gửi sai địa chỉ nơi nhận.

Mặt khác, trong công văn trả lời số 1981/TB-NXBGDVN ghi ngày 20/8/2021 nhưng thời gian gửi theo bì thư chuyển phát nhanh lại ghi ngày 27/8/2021 và ghi sai địa chỉ nhận là Nhà B10A-KDT Nam Trung Yên, đường Nguyễn Chánh, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội, trong khi địa chỉ Công ty Ngọc Việt ở: Cụm công nghiệp Ngọc Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội.

Cho nên đến 10h00 ngày 01/9/2021 Công ty Ngọc Việt mới nhận được công văn trả lời. Công ty Ngọc Việt cho rằng sự nhầm lẫn trên và chuyển phát công văn chậm trễ là có ý đồ sắp xếp nhằm loại bỏ Công ty Ngọc Việt khỏi việc tham gia chào hàng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm vào cuộc thanh tra, làm rõ

Tại công văn số 46/CV-NV/2021 ngày 4/9/2021, Công ty Ngọc Việt đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thanh tra, kiểm tra việc mời chào hàng của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam có đúng pháp luật không, có đảm bảo đúng quy trình và minh bạch không?

Khoản 2 điều 3 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định: Trường hợp lựa chọn đấu thầu cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp nhà nước; thực hiện gói thầu thuộc dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất của nhà đầu tư được lựa chọn thì doanh nghiệp phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà cung cấp giấy in, lợi ích của Nhà nước và người sử dụng sách giáo khoa, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm vào cuộc thanh tra làm rõ các vấn đề Công ty Cổ phần công nghiệp giấy Ngọc Việt phản ánh trong công văn số 46/CV-NV/2021 ngày 4/9/2021, đồng thời làm rõ các vấn đề sau:

- Biên bản mở hồ sơ đề xuất chào giá cạnh tranh của các nhà cung cấp giấy in cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong 5 năm trở lại đây;

- Công bố các doanh nghiệp tham gia đấu thầu và doanh nghiệp trúng thầu cung cấp giấy in cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong 5 năm trở lại đây, vì sao trúng, vì sao không trúng, giá trúng thầu;

- Vì sao Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không mở rộng các đối tượng nhà cung cấp giấy in để chọn phương án cạnh tranh nhất nhằm tiết kiệm tối đa chi phí, giảm giá thành và tăng lợi nhuận thông qua hình thức đấu thầu công khai qua mạng đấu thầu quốc gia?

- Có hay không sự chênh lệch giữa giá trúng thầu (cao hơn) giá chào hàng cạnh tranh của đơn vị bị loại (thí dụ Công ty Cổ phần công nghiệp giấy Ngọc Việt) trên một mặt bằng chung kĩ thuật đối với giấy in? Nếu có, sự chênh lệch này có gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và người tiêu dùng không? Ai phải chịu trách nhiệm về việc này?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://nhandan.vn/dien-dan-giao-duc/giu-gia-sach-giao-khoa-hop-ly-nhat-co-the-642956/

[2]https://dangcongsan.vn/y-te/nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-noi-gi-ve-viec-kim-gia-sach-giao-khoa-516254.html

[3]https://nxbgd.vn/Attachments/files/PDF/Bao%20cao%20danh%20gia%20tinh%20hinh%20SX-KD%202019%20va%203%20nam%20truoc.pdf

Thanh Hà