Cách Đà Nẵng đảm bảo an toàn thực phẩm trong những ngày "ai ở đâu, ở yên đó"

28/09/2021 06:50
NHẬT MINH - AN NGUYÊN
GDVN- Những cách làm sáng tạo trong việc cung ứng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho thành phố trong những ngày giãn cách xã hội của Đà Nẵng là bài học cho các địa phương.

Ngày 27/9, thành phố Đà Nẵng đã phát đi thông báo về việc chuẩn bị các điều kiện để thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 trên địa bàn Đà Nẵng trong thời gian đến.

Như vậy, Đà Nẵng đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và tiến tới trạng thái bình thường mới, dần khôi phục các hoạt động sản xuất.

Theo đó, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian đến càng trở nên quan trọng, cấp thiết khi các chợ truyền thống, cảng cá, lò mổ… dần hoạt động trở lại.

Trong thành tích chống dịch của Đà Nẵng không thể không nhắc đến những hoạt động hiệu quả của Ban an toàn thực phẩm.

Bởi dù trong điều kiện thành phố giãn cách, nguồn thực phẩm có lúc biến động nhưng không để xảy ra trường hợp nào ngộ độc thực phẩm. Vậy cách làm của Đà Nẵng là gì?

An toàn thực phẩm là một mũi giáp công chống dịch

Theo ông Nguyễn Tấn Hải – Trưởng Ban An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, trong giai đoạn thành phố áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 thì Ban Quản lý An toàn thực phẩm được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại một cửa hàng trong tình hình mới. Ảnh: PNV

Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại một cửa hàng trong tình hình mới. Ảnh: PNV

Trong đó, đặc biệt chú trọng việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở nhập khẩu thực phẩm, cửa hàng tiện ích cung ứng thực phẩm thiết yếu và các cơ sở cung cấp suất ăn chế biến sẵn cho các khu cách ly tập trung, bệnh viện, các khu công nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”.

“Ban Quản lý An toàn thực phẩm xem đây là nhiệm vụ quan trọng và quyết tâm thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn thành phố”, ông Hải cho hay.

Khi Đà Nẵng thực hiện nâng cấp các biện pháp chống dịch theo chủ trương “ai ở đâu, ở yên đó” đã gây nhiều thách thức lớn cho chuỗi cung ứng thực phẩm của thành phố.

Những đầu mối cung cấp thực phẩm quan trọng như: cảng cá Thọ Quang, chợ đầu mối Hòa Cường, lò mổ Đà Sơn bị tạm ngưng hoạt động do liên quan đến nhiều ca nhiễm Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng thực phẩm bị đứt gãy.

Nhằm giải quyết vấn đề này, Đà Nẵng đã huy động chính quyền các cấp, doanh nghiệp… chủ động tìm nguồn cung thực phẩm từ các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đồng thời, thành phố cho phép các trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tiện ích có thể cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân thông qua ban điều hành tổ dân phố, các tổ Covid cộng đồng.

Tuy nhiên, khi thời gian giãn cách xã hội càng kéo dài, lượng thực phẩm dự trữ của người dân dần cạn kiệt đã khiến cho nhu cầu mua lương thực, thực phẩm tăng đột biến.

Việc cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, các khu cách ly tập trung cũng là một vấn đề được đặc biệt quan tâm. Bởi vì bệnh nhân mắc COVID-19 thể trạng rất yếu, nếu thực phẩm không đảm bảo an toàn sẽ rất dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Vì vậy, các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã thường xuyên kiểm tra các cơ sở chế biến suất ăn sẵn trên địa bàn thành phố.

Qua kiểm tra, tình hình đảm bảo an toàn thực phẩm đạt được nhiều kết quả tích cực, các cơ sở tuân thủ quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

Trong thời gian giãn cách xã hội, trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Đây là một thành quả tích cực của Ban Quản lý An toàn thực phẩm, góp phần vào công cuộc phòng, chống dịch của thành phố”, đại diện Ban An toàn thực phẩm Đà Nẵng chia sẻ.

Còn theo ông Hải, trong những ngày thành phố căng mình chống dịch thì các thành viên của Ban cũng thực hiện “3 tại chỗ” liên tục trực chiến để đảm bảo triển khai các đợt kiểm tra, hướng dẫn kịp thời cho các điểm cung ứng nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân.

Theo ông Hải thì với những cách làm như: tổ chức các “chợ container” do Công an thành phố điều hành cung cấp thực phẩm trợ giá cho người dân hay các điểm cung ứng thực phẩm của phường, xã đã phát huy hiệu quả tốt. Tại các điểm này thì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được đảm bảo.

Giám sát an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Sau một thời gian áp dụng các biện pháp cứng rắn để khống chế dịch bệnh, Đà Nẵng đang dần nới lỏng nhiều hoạt động trong thời gian đến.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đến thăm mô hình "chợ container" do Công an thành phố thực hiện nhằm cung ứng thực phẩm sạch, giá rẻ cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: AN

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đến thăm mô hình "chợ container" do Công an thành phố thực hiện nhằm cung ứng thực phẩm sạch, giá rẻ cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: AN

Trong đó có việc mở cửa lại các chợ truyền thống, cảng cá Thọ Quang, chợ Đầu mối… Qua đó cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác giám sát, bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng, cơ quan này đã tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ.

Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền công tác an toàn thực phẩm cũng như đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các chợ truyền thống, chợ tạm.

“Qua ghi nhận, vấn đề khó khăn về nguồn cung ứng thực phẩm, các cấp chính quyền địa phương đã từng bước được tháo gỡ, đáp ứng đầy đủ, phục vụ nhu cầu của người dân.

Nhiều chợ thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch của thành phố, tiêu biểu như chợ Túy Loan, chợ Cẩm Lệ…”, đại diện Ban quản lý An toàn thực phẩm cho hay.

Trước đó, từ giữa tháng 9 đến nay, Đoàn đã tiến hành kiểm tra, giám sát nhiều chợ trên địa bàn thành phố như: Chợ Hàn và các chợ trên địa bàn quận gồm: chợ An Hải Bắc và chợ Mân Thái ( quận Sơn Trà), chợ Hòa An và chợ Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ); chợ Hòa Khánh và chợ Nam ô (quận Liên Chiểu).

Theo đánh giá của Ban thì mặc dù số lượng hộ tiểu thương có phần tăng hơn so với những ngày đầu thành phố cho các chợ truyền thống hoạt động trở lại. Đặc biệt đối với các chợ tại các khu vực dân cư có “vùng xanh” thì người dân có thể đi chợ với tần suất 5 ngày/1 lần thông qua thẻ QR Code tại địa phương phường tổ cấp.

“Qua công tác kiểm tra, giám sát tại các chợ các hộ tiểu thương đa phần chấp hành tốt và duy trì công tác phòng chống dịch tốt trong quá trình cung ứng thực phẩm cho người dân.

Ngoài trang bị các thiết bị trong công tác phòng chống dịch, hầu hết các tiểu thương đều được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin và cập nhật xét nghiệm thường xuyên với tần suất 3 ngày/01 lần và đều cho kết quả âm tính”, đại diện Ban cho biết.

Ngoài ra, Đoàn kiểm tra tiến hành cũng tăng cường kiểm tra, giám sát một số cửa hàng tiện lợi trong “vùng xanh” thuộc một số khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

NHẬT MINH - AN NGUYÊN