Nghị quyết 29-NQ/TW không chỗ nào nói trường nghề có nhiệm vụ dạy phổ thông

30/09/2021 06:52
Xuân Dương
GDVN- Hai mảng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đều có những chồng chéo, bất cập về quản lý nhà nước.

* Mời quý bạn đọc theo dõi tiếp phần sau bài viết "Thấy gì trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học của Việt Nam?" của tác giả Xuân Dương, tiêu đề phần sau do Tòa soạn đặt lại.

III. Trình độ học vấn của người lao động Việt Nam

Hơn mười năm trước, vào năm 2010, một bài đăng trên Trang Thông tin điện tử tổng hợp “Lý luận chính trị” trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết:

Số lao động có trình độ (sơ cấp - NV) nghề là 3,8%, trung cấp là 3,5%, cao đẳng là 1,7%, đại học trở lên là 5,7%, có tới 85,3% người lao động không được đào tạo nghề. [3]

Mười năm sau, bài viết đăng ngày 03/11/2020 trên Tạp chí Con số và sự kiện – Cơ quan ngôn luận của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết:

Đội ngũ lao động của Việt Nam có tới 80,8% “Không có trình độ chuyên môn kỹ thuật”, trình độ sơ cấp chiếm 3,1%; trình độ trung cấp chiếm 3,5%, trình độ cao đẳng chiếm 3,3% và trình độ đại học trở lên chiếm 9,3%. [4]

Ảnh chụp màn hình bài báo [4] về trình độ học vấn của người lao động Việt Nam

Ảnh chụp màn hình bài báo [4] về trình độ học vấn của người lao động Việt Nam

Bảng so sánh dưới đây cho thấy trong vòng 10 năm, từ 2010 đến 2020 trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động Việt Nam thay đổi thế nào.

Năm

Không được đào tạo

Sơ cấp

Trung cấp

Cao đẳng

Đại học trở lên

2010

85,3%

3,8%

3,5%

1,7%

5,7%

2020

80,8%

3,1%

3,5%

3,3%

9,3%

Biến động học vấn của người lao động Việt Nam trong vòng 10 năm (nguồn [3], [4])

Cụm từ “Lực lượng lao động” nêu trên bao gồm công nhân trong các doanh nghiệp và những người làm việc trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ,…

Năm 2005 Việt Nam có khoảng 11,3 triệu công nhân, đến năm 2019 số lượng này là 16,5 triệu người.

Công nhân muốn có trình độ chuyên môn kỹ thuật bắt buộc phải theo học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (công lập hoặc ngoài công lập).

Vậy trong vòng hơn 10 năm tính từ năm 2005 đến năm 2018 trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng này biến động như thế nào?

Trình độ chuyên môn, tay nghề của công nhân trong các loại hình doanh nghiệp năm 2005 như sau:

Công nhân có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm 16,1%, có trình độ trung cấp chiếm 14,6%, công nhân kỹ thuật chiếm 28,1%, công nhân không được đào tạo chiếm 41,2%. [5]

Một nghiên cứu công bố tháng 12/2018 trên Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam – cơ quan trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - cho biết:

Công nhân có trình độ trung cấp chiếm 17,9%, trình độ cao đẳng chiếm 6,6%, trình độ đại học chiếm 17,4%, công nhân được đào tạo tại doanh nghiệp chiếm 48%. [6]

Năm

Tổng số

Không được đào tạo

Sơ cấp

Trung cấp

Cao đẳng

Đại học trở lên

2005

100%

41,2%

28,1%

14,6%

16,1%

2018

100%

10,1%

48%

17,9%

6,6%

17,4%

Biến động học vấn của đội ngũ công nhân từ năm 2005 đến năm 2018 (nguồn [5], [6])

Nếu số liệu công bố trên Tạp chí trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là chính xác thì có thể dẫn tới một số kết luận:

Thứ nhất, đến năm 2018 vẫn có tới 48% công nhân không được học nghề trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, họ được đào tạo nghề tại doanh nghiệp chủ yếu theo kiểu cấp tốc.

Thứ hai, số liệu thống kê chưa phân biệt số lượng, chất lượng và trình độ công nhân được đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập.

Thứ ba, hơn 80% người lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong khi nền kinh tế đất nước vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là nhiều hay ít?

Tình trạng học vấn thấp của người lao động Việt Nam phải chăng do chủ trương không phù hợp, kinh phí không đủ hay do năng lực của cơ quan quản lý, điều hành?

Thứ nhất: Về chủ trương, chính sách

Nghị quyết 29-NQ/TW, phần “Mục tiêu cụ thể” nêu định hướng:

“Đối với giáo dục nghề nghiệp, tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp. Hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động trong nước và quốc tế”.

Đọc toàn bộ Nghị quyết 29-NQ/TW không thấy mục nào đề cập chuyện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài dạy nghề còn có nhiệm vụ phải dạy văn hóa trình độ trung học phổ thông để học viên có thể liên thông lên cao đẳng hoặc đại học.

Ngay từ năm 2013 viết về tình trạng đào tạo nghề, báo Thanhnien.vn đã có bài: “Trường trung cấp thoi thóp”.

Liên tục từ năm 2013 đến nay, cụm từ “thoi thóp” xuất hiện thường xuyên trong các bài báo nói về các cơ sở giáo dục nghề nghiệp:

“Hàng loạt trường Trung cấp, Cao đẳng thoi thóp”. (Tienphong.vn – 19/10/2015)

“Tuyển sinh 2016: Hàng loạt trường trung cấp thoi thóp”. (Dantri.com.vn - 25/09/2016)

Bài “Xốc lại dạy nghề” đăng trên Tạp chí Tuyengiao.vn cũng xuất hiện cụm từ “thoi thóp” này: “Nhiều trường nghề được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng thoi thóp”…

Những nhận định nêu trên hình như trái ngược với quan điểm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cụ thể là báo điện tử Baodansinh.vn – cơ quan của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội số ra ngày 16/01/2021 cho biết:

“Năm 2020 cả nước tuyển sinh khoảng 2,28 triệu người, đạt 100,9% kế hoạch; trong đó, tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng khoảng 580 nghìn người; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,7 triệu người”. [7]

Bài báo cũng đưa thêm thông tin giai đoạn 2016-2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã: “Tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đối với các trường cao đẳng, trường trung cấp từ ngành giáo dục và đào tạo; tổ chức thành công nhiều hội nghị triển khai công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trong và ngoài nước; Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”;… Kết quả tham gia “Kỳ thi tay nghề thế giới” đạt 01 huy chương bạc, đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay…”!

Với thành tích tuyển sinh nghề đạt trên 100%, với việc tổ chức thành công “nhiều hội nghị triển khai công tác đào tạo nghề”, với 01 huy chương bạc kỳ thi tay nghề thế giới,… có lẽ phải xem lại quan điểm cho rằng các trường nghề đang “thoi thóp”!

Trở lại vấn đề chủ trương, chính sách, mặc dù Nghị quyết 29-NQ/TW đã nói rất rõ ràng nhiệm vụ của giáo dục nghề nghiệp là “đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp” nhưng hiện nay một số người/cơ quan quản lý chuyên môn thuộc Chính phủ và một số đơn vị khác (trong đó có một số hội nghề nghiệp) đang không ngừng đòi hỏi phải cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phép mở trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy trình độ trung học phổ thông?

Kiến nghị của các tổ chức và cá nhân này đã được gửi tới Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, Hiệp hội Các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế - kỹ thuật vừa gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về việc giảng dạy văn hóa trung học phổ thông cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đòi hỏi rất khẩn thiết liên quan đến giấc mơ “liên thông cao đẳng, đại học” phản ánh nguyện vọng của những người học nghề (trung cấp, cao đẳng) hay là của chính cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đó chủ yếu là cơ sở công lập (trực thuộc sự quản lý của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và các cơ sở đào tạo nghề khác?

Vấn đề dạy kiến thức trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuy không hiện hữu trong định hướng chiến lược của Nghị quyết 29-NQ/TW nhưng giờ đây đã được nghĩ đến và gửi trực tiếp tới Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành khác.

Vì sao vấn đề lại được đặt ra vào đầu năm 2021 chứ không phải thời điểm khác?

Phải chăng dạy văn hóa trình độ trung học phổ thông trong trường nghề là cách duy nhất thu hút người học, là cứu cánh để hệ thống trường nghề vượt qua thực trạng “thoi thóp”?

Để trả lời hai câu hỏi này cần nghiên cứu nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chẳng hạn Quyết định 899/QĐ-TTg.

Ngày 20/06/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 – 2020” (Quyết định 899) với nguồn kinh phí được phê duyệt là 14.024 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 15,520 tỷ đồng).

Chương trình bao gồm ba dự án, trong đó:

Dự án 1: “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” được phân bổ kinh phí là 12.197,2 tỷ đồng;

Dự án 2: “Phát triển thị trường lao động và việc làm”, kinh phí thực hiện dự án là 1.146,8 tỷ đồng;

Dự án 3: “Tăng cường an toàn, vệ sinh lao động” có kinh phí là 680 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm thực hiện chương trình này.

Mục tiêu cụ thể đặt ra trong Quyết định 899 là: “Đến năm 2020, có ít nhất 30% học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở đi học giáo dục nghề nghiệp”.

Vì mốc thời gian đặt ra trong Quyết định 899 là năm 2020 nên năm 2021 là thời điểm mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải báo cáo kết quả thực hiện Quyết định 899 mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho bộ này?

Mặt khác, sau khi Quốc hội phê duyệt nhân sự lãnh đạo chủ chốt các bộ và cơ quan ngang bộ, năm 2021 cũng là thời điểm phù hợp để ban lãnh đạo mới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Quốc hội những gì đã đạt được sau khoảng 07 năm thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp?

Đảng đã ban hành chủ trương, đường lối về phân luồng và dạy nghề, Quốc hội đã luật hóa chủ trương đó trong hai bộ luật là Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp, Chính phủ đã ra nhiều văn bản quy phạm pháp luật và hành chính chỉ đạo thực hiện nhưng kết quả cuối cùng đã được đưa ra là hơn 80% người lao động không được đào tạo nghề, riêng lực lượng công nhân thì có tới 48% do doanh nghiệp đào tạo nghề chứ không phải do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo.

Không phải do chủ trương, đường lối hoặc pháp luật, vậy lý do chính đáng để biện minh cho kết luận mà một số bài báo ([1], [2]) gọi là “thất bại của chủ trương phân luồng sau trung học cơ sở” cũng như hiện trạng hơn 80% lực lượng lao động chưa được đào tạo nghề có phải là do yếu tố kinh phí?

Thứ hai, nguồn lực đầu tư

Một bài báo trên Thoibaotaichinhvietnam.vn viết:

“Theo báo cáo của Bộ Tài chính thì giáo dục nghề nghiệp là bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân. Hàng năm, ngân sách nhà nước đều ưu tiên bố trí kinh phí cho lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề đảm bảo tỷ lệ theo quy định tại Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. [7]

Nhận định trong bài báo nêu trên rõ ràng là không phản ánh đúng sự thật bởi nếu “đảm bảo tỷ lệ theo quy định tại Nghị quyết số 29-NQ/TW” thì chi ngân sách cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề phải đạt mức “tối thiểu là 20%”.

Một bài viết trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội (Quochoi.vn) có đoạn:

“Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ trọng chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề trên tổng chi ngân sách năm 2018 là 14,2%, năm 2019 giảm xuống còn 14,03%, quyết toán chi giáo dục đào tạo dạy nghề chỉ đạt 96,2% dự toán, chi khoa học công nghệ trên tổng chi ngân sách nhà nước năm 2018 cũng chỉ là 0,76%, đạt 91% dự toán.

Tình trạng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ hàng năm không đạt dự toán đã diễn ra nhiều năm”. [8]

Ngân sách chi cho cho giáo dục đào tạo và dạy nghề không đạt như quy định trong Luật Giáo dục và định hướng trong Nghị quyết 29-NQ/TW đương nhiên có ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao song nếu thế nó phải ảnh hưởng đến cả ba lĩnh vực là giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Nhưng vì sao giáo dục phổ thông được đánh giá cao còn giáo dục nghề nghiệp lại bị chê nhiều như vậy?

Như đã nêu, nguồn lực đầu tư riêng cho mảng giáo dục nghề nghiệp theo Quyết định 899 trong thời gian từ 2017 đến 2020 là 12.197,2 tỷ đồng.

Một bài đăng trên Thời báo Tài chính Việt Nam - cơ quan của Bộ Tài chính cho biết:

“Chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề năm 2019 là 244.835 tỷ đồng, năm 2020 là 258.750 tỷ đồng,…

Theo số liệu thống kê trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc, tổng dự toán chi thường xuyên ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp ghi nhận trên hệ thống năm 2019 là hơn 21.342 tỷ đồng, số thực chi trong năm là 20.385,7 tỷ đồng. Dự toán năm 2020 đã nhập và phê duyệt trên hệ thống tính đến ngày 31/3/2020 là 17.708,8 tỷ đồng”. [9]

Căn cứ vào số liệu thực chi năm 2019, có thể thấy giáo dục nghề nghiệp đã được phân bổ khoảng 8,36% tổng ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo trong khi đầu tư cho giáo dục đại học chỉ chiếm khoảng 6,1%.

Con số 6,1% là do ông Christophe Lemiere đại diện ngân hàng thế giới công bố tại Hội thảo giáo dục 2020 “Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức. [10]

Ngân sách đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp nhiều hơn cho giáo dục đại học cho thấy sự ưu tiên lớn mà Đảng, Nhà nước dành cho lĩnh vực này, vấn đề còn lại là nó có mang đến kết quả tương xứng?

Với nguồn kinh phí nhà nước đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp cao hơn cho giáo dục đại học, thật khó để kết luận vì thiếu kinh phí nên hơn 80% người lao động và 48% công nhân không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật.

Thứ ba, có hay không chuyện lấn sân và cát cứ

Về chuyện một vài tổ chức, cá nhân đề nghị Thủ tướng can thiệp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được dạy chương trình trung học phổ thông (hệ giáo dục thường xuyên), người viết đã từng đề cập trong các bài:

Có hay không chuyện “đẽo luật” cho vừa … nguyện vọng? [11]

Giáo dục nghề nghiệp - Cẩn thận không hai chân đều… thọt. [12]

Việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giảng dạy trình độ trung học phổ thông được nhấn mạnh với mục đích “trong sáng” nhằm thu hút học sinh sau trung học cơ sở chuyển sang học nghề, đáp ứng chủ trương “phân luồng mạnh sau trung học cơ sở” nhưng mặt khác hình như cũng có ý giải trình để lãnh đạo Chính phủ biết vì sao nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang trong tình trạng “thoi thóp”.

Phải chăng những kiến nghị này xuất phát từ thực trạng học sinh trung học không tha thiết học nghề vì khó liên thông lên cao đẳng, đại học và vì vậy các hiệp hội kiến nghị Chính phủ cần can thiệp để san bớt quyền dạy kiến thức trung học phổ thông từ các trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo sang các trung tâm giáo dục thường xuyên được thành lập bên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với số lượng khoảng 70% thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Hai mảng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đều có những chồng chéo, bất cập về quản lý nhà nước, phải chăng đây mới là nguyên nhân chính khiến chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thua kém ngay tại khối Asean chứ chưa nói so với các nước tiên tiến.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tienphong.vn/that-bai-phan-luong-post623432.amp

[2]https://tuoitre.vn/phan-luong-sau-thcs-that-bai-vi-dau-20190305081916494.htm

[3] http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/655-thuc-trang-giai-cap-cong-nhan-viet-nam-hien-nay.html

[4]http://consosukien.vn/trinh-do-chuyen-mon-ky-thuat-cua-luc-luong-lao-dong-viet-nam-nhin-tu-ket-qua-tong-dieu-tra-dan-so-va.htm

[5] http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/655-thuc-trang-giai-cap-cong-nhan-viet-nam-hien-nay.html

[6 http://tapchikhxh.vass.gov.vn/giai-cap-cong-nhan-viet-nam-hien-nay-n50257.html

[7] https://baodansinh.vn/nam-2020-tuyen-sinh-giao-duc-nghe-nghiep-khoang-228-trieu-nguoi-vuot-ke-hoach-de-ra-20210116131146318.htm

[8] https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/Pages/home.aspx?ItemID=47293

[9]http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-05-12/ngan-sach-nha-nuoc-uu-tien-bo-tri-kinh-phi-cho-giao-duc-nghe-nghiep-86612.aspx

[10] https://laodong.vn/giao-duc/ngan-sach-dau-tu-cho-giao-duc-dai-hoc-o-viet-nam-rat-thap-857790.ldo

[11]https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/co-hay-khong-chuyen-deo-luat-cho-vua-nguyen-vong-post216961.gd

[12]https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/giao-duc-nghe-nghiep-can-than-khong-hai-chan-deu-thot-post217183.gd

Xuân Dương