Dùng bằng giả học lên cao, làm giáo viên, chuyện "con voi chui lọt lỗ kim"

03/10/2021 06:37
Phạm Minh
GDVN- Phó Giáo sư Bùi Thị An: "Cần nhìn nhận lại khâu tuyển chọn đầu vào của các trường đại học cao đẳng và trách nhiệm quản lý ngành sau việc giáo viên dùng bằng giả".

Việc một số cán bộ, nhà giáo sử dụng bằng giả để tiến thân trên con đường sự nghiệp không phải là câu chuyện mới nhưng luôn là vấn đề gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Ngày 26/9, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 20 trường hợp giáo viên, cán bộ tại huyện Cư Kuin sử dụng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông giả và bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học không hợp lệ.

Các đối tượng này đã thừa nhận về hành vi sử dụng bằng giả của mình, vì chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng muốn có công việc ổn định nên đã nhờ người làm giả bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, sau đó nộp hồ sơ học lên hệ cao hơn để xin việc làm.

Trước đó, vào tháng 3/2021, trong quá trình chuẩn bị nhân sự, chuẩn bị bầu cử Hội đồng nhân dân khoá 2021-2025, Huyện ủy huyện La Pa, tỉnh Gia Lai cũng đã phát hiện 9 cán bộ cấp xã sử dụng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông không hợp pháp. [1]

Cũng trong tháng 3/2021, Bí thư Huyện ủy Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) thông tin cho thôi việc đối với hai cán bộ xã dùng bằng giả. [2]

Câu hỏi đặt ra là, vì sao các cơ quan quản lý lại để những đối tượng này “qua mặt”, ngang nhiên sử dụng bằng giả để ngồi vào những vị trí cần sự liêm chính, trung thực nhất, rồi để cả sự gian dối bước vào trong ngành giáo dục?

Cần xử lý nghiêm những đối tượng mua, bán và sử dụng bằng giả

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Ngọc Quang)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Ngọc Quang)

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm, sử dụng bằng giả là hành vi phi pháp, phải xử lý một cách nghiêm minh. Quan trọng là phải truy ra được cả những người đứng ra làm bằng giả và bán bằng giả. Những đối tượng này cũng đã vi phạm pháp luật và phải bị xử lý.

Theo quy định, phải tốt nghiệp và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì mới được nộp hồ sơ, thi tuyển vào các trường cao đẳng, đại học để học lên hệ cao hơn.

Tuy nhiên, những đối tượng này đã không làm theo quy định, một khi tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông là giả thì những tấm bằng cao đẳng, đại học cũng không còn giá trị, không hợp lệ và không thể được công nhận.

Xét về phương diện đạo đức, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng những đối tượng vi phạm pháp luật, gian dối thì không đủ tư cách để làm cán bộ, càng không thể chấp nhận những người này trở thành thầy cô giáo, công tác trong ngành giáo dục.

“Người cán bộ cần phải thực sự chính trực, liêm chính. Nếu ngay từ đầu đã gian dối, lừa lọc thì con người ta sẽ dễ dàng trượt dài trong những gian dối đó, rồi sẽ ‘chiếu cố’ người này, ‘nâng đỡ’ người kia. Điều này là vô cùng nguy hiểm.

Trong môi trường giáo dục, mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng để học sinh noi theo, nhưng người thầy mà vi phạm đạo đức nghiêm trọng như thế sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Theo cách gian dối mà họ đã làm, lấy gì đảm bảo anh không tiếp tục mua - bán điểm, rồi sẽ còn những tiêu cực sẽ tiếp tục nảy sinh. Phẩm chất, tư cách đạo đức không tốt thì không thể đứng trên bục giảng để dạy học trò”, thầy Nhĩ khẳng định.

Đặc biệt, đối với những câu chuyện này, phải tìm ra được những đối tượng đằng sau, cung cấp bằng giả cho những người sử dụng đã bị phát hiện. Đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng cần phải xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Để "lọt lưới" người gian dối, trách nhiệm của ai?

Bàn về vụ việc giáo viên sử dụng bằng giả, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, từ những câu chuyện này, cần xem xét, nhìn nhận lại về trách nhiệm quản lý ngành của các trường, phòng giáo dục và sở giáo dục, vì đã để “lọt lưới” những đối tượng gian dối này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII đặt vấn đề về khâu tuyển chọn đầu vào của các trường đào tạo giáo viên sau vụ việc giáo viên sử dụng bằng giả bị phát hiện ở tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Quốc Hội)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII đặt vấn đề về khâu tuyển chọn đầu vào của các trường đào tạo giáo viên sau vụ việc giáo viên sử dụng bằng giả bị phát hiện ở tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Quốc Hội)

Theo bà An, ai cũng mong muốn có một việc làm tốt để ổn định cuộc sống, đó là mong muốn và nguyện vọng hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, điều quan trọng là có công việc đó như thế nào, phải phấn đấu, tìm việc bằng chính năng lực thực chất của bản thân chứ không thể bằng cách gian dối, lừa lọc và xem thường pháp luật.

Việc giáo viên đã từng dùng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông giả để học lên bậc học cao hơn, rồi ra làm việc trong ngành sư phạm là không thể chấp nhận. Bởi lẽ, sản phẩm của ngành giáo dục chính là con người, ngành giáo dục liên quan trực tiếp đến chiến lược phát triển bền vững của đất nước.

Những người thầy gian dối thì thử hỏi sản phẩm họ đào tạo ra sẽ như thế nào? Là lĩnh vực trồng người thì điều quan trọng là đạo đức, một người thiếu trung thực thì không thể làm thầy, sự gian dối không thể tồn tại trong môi trường giáo dục.

“Một câu hỏi cần phải đặt ra là các trường đào tạo giáo viên, các trường đại học đã thực hiện công tác tuyển sinh, kiểm tra đầu vào như thế nào để "lọt lưới" những người chưa tốt nghiệp trung học phổ thông vào học. 20 người dùng bằng giả mà các trường đại học lại không phát hiện ra khi tuyển sinh thì rõ ràng có một phần lỗi do nhà trường.

Chưa bàn đến những câu chuyện tiêu cực phía sau nhưng những sơ suất trong công tác kiểm tra hồ sơ, tuyển chọn đầu vào của các trường đã vô tình tiếp tay cho sự gian dối này”, Phó Giáo sư Bùi Thị An nhận định.

Cũng theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, câu chuyện này buộc chúng ta phải đặt vấn đề về trách nhiệm quản lý ngành của ngành giáo dục.

Quá trình tuyển dụng công chức, viên chức cũng cần phải được xem xét lại. Từ các trường học trên địa bàn, phòng giáo dục đến sở giáo dục tuyển nhân sự mà không phát hiện ra những sai phạm, gian dối này đã cho thấy, năng lực quản lý còn yếu.

Chúng ta đã có sự phân cấp quản lý rõ ràng, nếu là giáo viên tiểu học, trung học cơ sở thì phòng giáo dục và đào tạo của huyện phải thật sát sao. Nếu là giáo viên bậc trung học phổ thông thì trách nhiệm thuộc về sở giáo dục và đào tạo.

“Tại sao những vi phạm trong ngành giáo dục mà những người làm quản lý giáo dục lại không phát hiện ra? Vai trò của những cơ quan quản lý ngành dọc trong ngành giáo dục ở đâu để những sai phạm ngang nhiên tồn tại trong một thời gian dài mà ai không biết”, bà An chia sẻ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vov.vn/chinh-tri/to-chuc-nhan-su/phat-hien-9-can-bo-dung-bang-gia-khi-ra-soat-nhan-su-ung-cu-844110.vov

[2] https://tuoitre.vn/cho-thoi-viec-2-can-bo-xa-dung-bang-gia-20210329105215638.htm

Phạm Minh