Người đứng đầu đại học công lập là Hiệu trưởng hay Chủ tịch Hội đồng trường?

01/10/2021 06:53
Thùy Linh (thực hiện)
GDVN- Theo Tiến sĩ-Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng, hiệu trưởng là người đứng đầu bộ máy điều hành/hành chính của nhà trường chứ không phải người đứng đầu trường đại học.

LTS: Vừa qua có sự tranh luận và thắc mắc về người đứng đầu cơ sở đào tạo đại học, để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hôm nay Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ- Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng - Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Kim Phụng và Cộng sự, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phóng viên: Thưa bà, với các quy định tại Luật 34 và Nghị định 99 đã rõ ai là người có vị trí cao nhất trong cơ sở giáo dục đại học chưa? Và có phải cứng nhắc việc quy định người đứng đầu theo Luật 34 không?

Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng: Qua một thời gian thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018) và Nghị định hướng dẫn số 99/2019, có một số ý kiến khác nhau về việc: Ai là người đứng đầu cơ cở giáo dục đại học công lập?

Nguyên nhân chủ yếu có lẽ là do Luật và Nghị định nêu trên không quy định về người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập, trong khi các quy định liên quan được hành trước Luật số 34/2018 như Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... và cả những luật ban hành sau Luật số 34/2018 như Luật viên chức và các văn bản hướng dẫn vẫn quy định các nhiệm vụ, quyền hạn đối với “người đứng đầu” hoặc “thủ trưởng” đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có cả cơ sở giáo dục đại học công lập.

Vì vậy, nếu không nắm chắc Luật số 34/2018 và Nghị định số 99/2019, không nhận thức đúng sự tương đồng và khác biệt của cơ sở giáo dục đại học công lập so với các đơn vị sự nghiệp công lập khác... thì sẽ bị vướng mắc khi triển khai các nhiệm vụ, quyền hạn quy định cho “người đứng đầu” đơn vị sự nghiệp công lập trong cơ sở giáo dục đại học.

Luật số 34/2018 và Nghị định số 99/2019 đã quy định khá rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế quản trị, quản lý cơ sở giáo dục đại học. Theo đó:

Hội đồng trường do tập thể nhà trường bầu ra và được cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận; là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan; có thẩm quyền quyết định các vấn đề lớn của cơ sở giáo dục đại học như: chiến lược phát triển, ban hành các quy định nội bộ quan trọng của Nhà trường; cơ cấu tổ chức, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ giảng viên; quyết định nhân sự hiệu trưởng, bổ nhiệm phó hiệu trưởng, kế toán trưởng, chính sách tiền lương đối với hiệu trưởng và các chức danh quản lý trường, đánh giá hiệu quả hoạt động của hiệu trưởng; quyết định chính sách, chủ trương đầu tư phát triển, chính sách học phí, phê duyệt kế hoạch tài chính, thông qua báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán kinh phí hàng năm... (Khoản 2, Điều 16)

Chủ tịch Hội đồng trường do Hội đồng trường bầu ra và được cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận; là người đứng đầu Hội đồng trường, được hưởng phụ cấp chức vụ cao nhất trong trường; có trách nhiệm và quyền hạn: chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn nêu trên của Hội đồng trường; chỉ đạo tổ chức, chủ trì các cuộc họp, ký văn bản thuộc thẩm quyền của Hội đồng trường… (Khoản 4, Điều 16).

Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do Hội đồng trường quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận; là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học (Khoản 3, Điều 20).

Tiến sĩ- Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng - Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Kim Phụng và Cộng sự, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh: NVCC)

Tiến sĩ- Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng - Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Kim Phụng và Cộng sự, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh: NVCC)

Từ các quy định trên, có thể thấy khá rõ:

Thứ nhất, trong lĩnh vực quản trị trường đại học, Hội đồng trường (trong đó có đại diện cơ quan Nhà nước đang quản lý trực tiếp trường) là cơ quan có thẩm quyền cao nhất, có quyền quyết định các vấn đề lớn, các quy định nội bộ chủ yếu, các vị trí quan trọng của cơ sở giáo dục đại học. Chủ tịch Hội đồng trường là người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cao nhất đó.

Thứ hai, trong lĩnh vực quản lý và điều hành các công việc hành chính trong trường thì hiệu trưởng là người đứng đầu bộ máy hành chính của trường. Đây cũng là vị trí quan trọng của trường đại học và trọng trách cũng rất lớn. Tuy nhiên, nhân sự hiệu trưởng, nhiệm kỳ hoặc thời gian bổ nhiệm của hiệu trưởng do Hội đồng trường quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của Hội đồng trường. Quy định này nhằm kiến tạo, mở đường cho cơ chế thuê hiệu trưởng có thể dần được thực hiện như ở nhiều nước phát triển hiện nay. Vì vậy, hiệu trưởng là người đứng đầu bộ máy điều hành/hành chính của nhà trường chứ không phải người đứng đầu trường đại học.

Thứ ba, về tính chất của vị trí công tác, cả chủ tịch Hội đồng trường và hiệu trưởng trường công đều là những viên chức giữ vị trí trọng yếu, phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý trực tiếp nên đều phải được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận; quyền và trách nhiệm của chủ tịch Hội đồng trường và hiệu trưởng chỉ phát sinh sau khi có quyết định công nhận này.

Quyết định công nhận này khác quyết định bổ nhiệm là trao quyền tự chủ cho nhà trường trong việc chuẩn bị và lựa chọn nhân sự (cơ quan Nhà nước chỉ kiểm tra hồ sơ về điều kiện nhân sự và quy trình thực hiện, không can thiệp vào nhân sự cụ thể) nhưng nó tương đương quyết định bổ nhiệm viên chức quản lý ở việc làm phát sinh nhiệm vụ, quyền hạn của viên chức quản lý. Vì vậy, ngoại trừ thủ tục riêng thì có thể xác định cơ quan công nhận là cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm các vị trí viên chức quản lý này.

Thứ tư, để thực hiện tự chủ đại học trên cơ sở khối tài sản thuộc sở hữu công thì Nhà nước trao quyền tự chủ, quyền quyết định các vấn đề lớn của Trường cho Hội đồng trường, thiết chế tập thể (bao gồm đại diện của cơ quan quản lý nhà nước; đại diện cho giới trí thức, giới sử dụng lao động xã hội và cựu sinh viên; đại diện cho lãnh đạo, giảng viên, các viên chức khác và người học trong trường) chứ không trao quyền cho một cá nhân đứng đầu nhà trường.

Vì vậy, Luật Giáo dục đại học không xác định cá nhân nào là người đứng đầu nhà trường; cũng không quy định thẩm quyền cá nhân cho chủ tịch Hội đồng trường để phù hợp với cơ chế tự chủ đại học trên cơ sở khối tài sản công thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, Hội đồng trường được giao thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu. Như vậy, Luật số 34/2018 đã thể chế hoá chủ trương của Đảng trong Nghị quyết số 19/NQ/TƯ năm 2017 là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng, hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học”.

Cơ chế Hội đồng trường là thiết chế quản trị có quyền cao nhất của trường đại học làm cho cơ sở giáo dục đại học không phải chỉ là đơn vị sự nghiệp công thuần tuý mà còn tiếp cận với thông lệ quản trị đại học của các nước phát triển.

Nghị định 60/2021/NĐ-CP về tự chủ nói rõ để tiến đến tự chủ thì một trong những điều kiện quan trọng là cơ sở đào tạo phải làm rõ quy chế phối hợp giữa Đảng uỷ, Hội đồng trường và Hiệu trưởng. Theo bà, sự phối hợp này được hiểu như thế nào là phù hợp nhất theo mô hình quản trị đại học, tự chủ đại học và đúng Luật 34?

Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng: Trong điều kiện tự chủ đại học, quản trị trường đại học ngày càng cần phải đổi mới thì sự phối hợp giữa Đảng uỷ, Hội đồng trường và hiệu trưởng là rất cần thiết, có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định, phát triển của các trường.

Trong đó, sự phối hợp giữa Đảng uỷ với Hội đồng trường và hiệu trưởng phải thực hiện trên cơ sở Điều lệ Đảng và nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Theo đó, Đảng ủy thống nhất lãnh đạo toàn diện việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ sở giáo dục đại học thông qua các mặt công tác như: công tác chính trị tư tưởng, công tác tổ chức cán bộ, công tác chuyên môn, công tác kiểm tra, giám sát; lãnh đạo chỉ đạo các tổ chức chính trị, đoàn thể trong trường và lãnh đạo thông qua trách nhiệm và sự gương mẫu của Đảng viên...

Việc lãnh đạo của Đảng uỷ thực hiện bằng việc ban hành chủ trương, nghị quyết của tổ chức Đảng về các mặt công tác nêu trên. Các chi bộ Đảng và các Đảng viên, trong đó có chủ tịch Hội đồng trường, hiệu trưởng có trách nhiệm chấp hành, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng uỷ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Ví dụ, trong công tác cán bộ, Đảng uỷ có quyền ban hành nghị quyết về tiêu chuẩn, quy chế, quy định đối với công tác cán bộ (phù hợp với quy định của Đảng uỷ cấp trên) và chỉ đạo thực hiện thông qua các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên trong cơ sở giáo dục đại học.

Về mặt hình thức, sự phối hợp của Đảng uỷ trong hệ thống lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học vẫn là những quy định có tính truyền thống: quy hoạch cán bộ để bồi dưỡng và giới thiệu vào các vị trí lãnh đạo trong trường; cho chủ trương bổ nhiệm, tham gia các hội nghị của tập thể lãnh đạo mở rộng, cán bộ chủ chốt để giới thiệu ứng viên theo quy trình bổ nhiệm; cho ý kiến bằng văn bản về nhân sự trước khi cấp có thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm viên chức quản lý...

Tuy nhiên, trong điều kiện đổi mới quản trị đại học để thực hiện tự chủ và nâng cao năng lực cạnh tranh của các trường trong hệ thống giáo dục đại học trong nước và quốc tế thì công tác lãnh đạo của Đảng cũng đã và đang được đổi mới. Trong đó, quan trọng là xác định và đảm bảo tiêu chuẩn cán bộ đáp ứng yêu cầu quản trị, quản lý nhà trường trong tình hình mới. Nếu có nguồn cán bộ tốt thì các cấp uỷ tốt luôn thực hiện các thủ tục về quy hoạch, quy trình công tác cán bộ nhanh gọn, đảm bảo chính sách thu hút nguồn cán bộ chất lượng cao cho nhà trường.

Hội đồng trường/Chủ tịch Hội đồng trường và hiệu trưởng có trách nhiệm phải tổ chức thực hiện, cụ thể hoá nghị quyết của Đảng uỷ trong các quy định, quyết định thuộc thẩm quyền của mình; phải xin chủ trương hoặc báo cáo Đảng ủy về những vấn đề thuộc thẩm quyền lãnh đạo của Đảng ủy (nêu trên).

Tuy nhiên, Đảng uỷ và Hội đồng trường còn có điểm chung cùng là thiết chế lãnh đạo định hướng cho sự phát tiển của trường đại học nên để cộng lực và tránh trùng lặp, chồng chéo, Nghị quyết số 19/NQ/TƯ đã có chủ trương thực hiện bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch hội đồng trường. Vì vậy, đối với những vấn đề thuộc nhiệm vụ quyền hạn của cả hai bên như lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chiến lược, nhiệm vụ chính trị của trường... thì Đảng uỷ và Hội đồng trường có thể phối hợp thống nhất nội dung nghị quyết hoặc ban hành nghị quyết liên tịch.

Sự phối hợp giữa Hội đồng trường/chủ tịch Hội đồng trường và hiệu trưởng phải thực hiện trên cơ sở các quy định của pháp luật và các quy chế nội bộ của cơ sở giáo dục đại học về nhiệm vụ quyền hạn của mỗi bên. Trong đó, nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu của Hội đồng trường được quy định tại Điều 16, nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu của hiệu trưởng được quy định tại Điều 20 của Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung). Theo các quy định này, những vấn đề thuộc về định hướng phát triển; ban hành kế hoạch, quy chế quy định nội bộ; quyết định các vấn đề lớn như cơ cấu tổ chức, phương hướng hoạt động, tiêu chuẩn của các vị trí việc làm, chính sách, đầu tư tài chính, sử dụng tài sản công; bổ nhiệm phó hiệu trưởng, kế toán trưởng... thì thuộc thẩm quyền của Hội đồng trường (thông qua nghị quyết). Hội đồng trường có quyền giám sát mọi hoạt động của nhà trường, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của trường và hiệu trưởng có trách nhiệm giải trình.

Những vấn đề thuộc về triển khai thực hiện kế hoạch, triển khai các hoạt động chuyên môn; tuyển chọn, quản lý, sử dụng, đánh giá viên chức; bổ nhiệm các chức danh mà quy chế nội bộ quy định thuộc quyền của hiệu trưởng; ký duyệt chi theo quy định; tổ chức thực hiện các quy định cụ thể của pháp luật và quy chế nội bộ của trường... thì thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng (thông qua quyết định, văn bản hành chính).

Với việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn vừa cụ thể, vừa mang tính khái quát cao như trên, các quy định trong Luật Giáo dục đại học còn trở thành nguyên tắc để xác định nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế Hội đồng trường và hiệu trưởng trong những trường hợp khác, khi hệ thống pháp luật liên quan đến giáo dục đại học chưa được đồng bộ.

Bên cạnh các quy định trên, Luật Giáo dục đại học còn quy định khá nhiều vấn đề cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ nhưng phải được quy định rõ trong quy chế tổ chức và hoạt động và các quy định nội bộ khác; trong đó, bao gồm cả vấn đề phải “Phân định trách nhiệm và quyền hạn khác giữa hội đồng trường và hiệu trưởng trường đại học” (Điểm e, Khoản 6, Điều 16).

Ngoài hệ thống Luật Giáo dục đại học, các văn bản pháp luật khác (như Luật Viên chức, Luật quản lý sử dụng tài sản công, Luật tiếp công dân, Luật tố cáo... ) còn quy định nhiều nội dung về nhiệm vụ quyền hạn của “thủ trưởng đơn vị”, “người đứng đầu” đơn vị sự nghiệp công lập. Để thực hiện các quy định này, các cơ sở giáo dục đại học công lập phải đối chiếu với từng lĩnh vực được quy định trong Khoản 2 Điều 16, Khoản 3 Điều 20 của Luât Giáo dục đại học và áp dụng Điểm e Khoản 6 Điều 16 nêu trên để “phân định trách nhiệm và quyền hạn” cụ thể giữa Hội đồng trường và hiệu trưởng trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường.

Như vậy, theo Luật số 34 như đã phân tích ở trên, sự phối hợp giữa Hội đồng trường và hiệu trưởng là sự phối hợp giữa tập thể lãnh đạo nhà trường (Hội đồng trường) với người có thẩm quyền quản lý, điều hành các hoạt động của trường (hiệu trưởng). Các bên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo đúng quy định của pháp luật, quy chế nội bộ của trường và phối hợp hiệu quả vì sự phát triển chung của nhà trường.

Để đảm bảo thực hiện tự chủ đại học thực chất và theo thông lệ quốc tế thì những vấn đề gì là quan trọng nhất để thực thi tốt Luật 34 và trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, thưa bà?

Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng: Chúng tôi cho rằng hiện nay những vấn đề quan trọng nhất để thực hiện tự chủ đại học theo quy định của Luật số 34 bao gồm:

Thứ nhất, mỗi chủ thể có trách nhiệm (các cơ quan ban hành pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý trực tiếp, các chủ thể trong trường đại học, các cá nhân và tổ chức có liên quan) cần phải hiểu đúng chủ trương tự chủ đại học, hiểu đúng quy định của Luật số 34 và các văn bản hướng dẫn để ban hành và triển khai thực hiện hệ thống pháp luật liên quan đến giáo dục đại học đồng bộ và hiệu quả; tôn trọng quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học đã được pháp luật quy định...

Từ đó, thực sự chuyển mô hình quản lý trường đại học từ cơ chế hành chính có “người đứng đầu” sang cơ chế quản trị thông qua Hội đồng trường (Hội đồng quản trị) như mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại (trước hết, áp dụng sớm đối với các trường đã tự chủ chi thường xuyên; sau đó, mở rộng hiệu quả chính sách đặt hàng đào tạo, nghiên cứu để mở rộng cơ chế quản trị này).

Thứ hai, các trường cần hiểu rõ vai trò của từng thiết chế quản trị, quản lý trường; hiểu rõ vai trò của từng thành phần trong mỗi thiết chế để lựa chọn/thu hút nhân sự phù hợp.

Ví dụ: lựa chọn đại diện người ngoài trường, đại diện cán bộ, giảng viên, người học... tham gia Hội đồng trường phải là người am hiểu về giáo dục đại học, lĩnh vực đào tạo và thực sự quan tâm đến sự phát triển của trường.

Các nhân sự quan trọng trong thiết chế quản trị, quản lý nhà trường (chủ tịch Hội đồng trường, hiệu trưởng...) cần được đào tạo, bồi dưỡng về quản trị đại học hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới để nâng cao sức cạnh tranh từng trường và của cả hệ thống giáo dục đại học.

Thứ ba, các trường cần xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động và các quy chế, quy định nội bộ khác có tính hệ thống, có chất lượng, theo đúng quy định của Luật giáo dục đại học và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến giáo dục đại học và tổ chức thực hiện hiệu quả. Trong đó, quy định rõ về vai trò, chức năng, nhiệm vụ từng chủ thể; chú trọng việc phân cấp, phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình; minh bạch các thông tin quản lý...

Thứ tư, từng trường và cả hệ thống cần xác định chiến lược, mục tiêu và nguồn lực phát triển, thu hút nhân tài, ứng dụng công nghệ, xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng thực chất, từng bước tiệm cận với các mô hình quản trị, quản lý hiện đại, tiệm cận các chuẩn chất lượng quốc tế (chuẩn trường, chương trình, giảng viên, cơ sở vật chất, công bố học thuật... và các chuẩn kiểm định chất lượng khác).

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ – Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng.

Thùy Linh (thực hiện)