Công văn 4040 khiến hàng triệu nhà giáo phải làm lại kế hoạch, sao lại hoan hô?

01/10/2021 06:42
HÀ DƯƠNG
GDVN- Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH không đáng được “hoan hô”, hay nói đúng hơn là chẳng có gì phải hoan hô vì nó được ban hành quá chậm trễ.

Ngày 16/9/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (trung học cơ sở, trung học phổ thông) năm học 2021-2022 và đây là lần thứ 8 Bộ điều chỉnh nội dung dạy học ở chương trình năm 2006.

Việc Bộ ban hành Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH tiếp tục giảm tải nội dung dạy học trong năm học này là điều hợp lý nhằm ứng phó với dịch Covd-19 đang diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước và tất nhiên là giáo viên đồng tình với quyết định này.

Tuy nhiên, thời điểm ban hành Công văn không phù hợp với thực tế năm học nên nó đã ảnh hưởng đến công việc của đội ngũ nhà giáo trong những ngày vừa qua. Vì thế, mỗi nhà giáo đều cảm nhận được nỗi vất vả, nhất là những thầy cô giáo kiêm nhiệm công tác tổ trưởng ở 2 cấp học này.

Vậy nên, nội dung hướng dẫn giảm tải của Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH không sai nhưng nó được ban hành sai thời điểm khiến cho những kế hoạch giáo dục cứ phải thực hiện đi, thực hiện lại nhiều lần.

Công văn 4040 hay nhưng ban hành sai thời điểm (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Công văn 4040 hay nhưng ban hành sai thời điểm (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Thế nhưng, ngày 30/9/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết Công văn 4040 của Bộ hợp lý lắm rồi, thầy cô đừng kêu nữa của tác giả Sơn Quang Huyến…Đọc bài viết, chúng tôi cảm thấy chạnh lòng và nhiều điểm không thực sự đồng tình.

Bởi, tác giả Sơn Quang Huyến đã viết một số câu như sau: “Giáo viên, nhà trường vất vả phải 3 lần làm Kế hoạch giáo dục, Kế hoạch dạy học, trong 1 năm học nhưng học sinh được “hưởng lợi”; vất vả đó cũng đáng, hoan hô Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời giảm tải cho học sinh giữa mùa dịch bệnh…

…Giáo viên vất vả, phụ huynh học sinh cũng vô cùng vất vả; mỗi giáo viên vượt lên hoàn cảnh, chung tay với Bộ, thực hiện tốt nhiệm vụ năm học là đang góp phần vào cuộc chiến chống dịch Covid-19; dù khó khăn gian khổ, chúng ta nhất định chiến thắng, nhưng đầu tiên phải chiến thắng chính mình, hãy làm tốt nhiệm vụ thay vì kêu ca đòi hỏi”.

Chúng tôi chẳng thấy điều gì cần phải “hoan hô Bộ Giáo dục và Đào tạo” trong sự việc này hết.

Thứ nhất: chúng tôi xin khẳng định luôn rằng đội ngũ nhà giáo không sợ vất vả, họ luôn vượt lên vất vả để hoàn thành công việc của mình bởi họ cũng quen thuộc từ hàng chục năm nay rồi.

Từ mấy tháng nay, đã có không biết bao nhiêu giáo viên cùng chung tay chống dịch Covid-19 với địa phương và tất nhiên họ không có điều gì than trách vì họ hiểu được bổn phận, trách nhiệm của một công dân, một viên chức ngành giáo dục.

Song, Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH không đáng được “hoan hô”, hay nói đúng hơn là chẳng có gì phải hoan hô vì nó được ban hành quá chậm trễ. Nếu Bộ chủ động thì không để xảy ra tình cảnh oái oăm như những ngày vừa qua.

Thay vì ngày 16/9 Bộ ban hành Công văn để hướng dẫn giảm tải các môn học thì Bộ ban hành trước đó 2 tuần, chắc chắn hàng ngàn Ban giám hiệu nhà trường, gần một triệu giáo viên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông trên cả nước không phải vất vả xây dựng lại các kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch tổ chuyên môn và phân phối chương trình môn học.

Nếu Bộ chủ động thì đã không đẩy giáo viên vào thế bị động khi giáo viên xây dựng kế hoạch xong phải bỏ đi để làm lại. Bởi, ai cũng biết dịch bệnh Covid-19 đã phức tạp từ cuối năm học trước. Từ ngày 31/5/2021 thì nhiều khu vực ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phải giãn cách xã hội cho đến tận bây giờ.

Các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An và gần như các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ cũng đều đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ từ đầu tháng 7/2021.

Trong khi, đến ngày 5/9 thì các địa phương trên cả nước mới đồng loạt Khai giảng năm học.

Có lẽ tác giả Sơn Quang Huyến là giáo viên dạy Sử nên mỗi tuần chỉ có 1 đến 1,5 tiết học/ lớp nên thầy không hiểu hết nỗi vất vả của những tổ chuyên môn, những giáo viên dạy môn nhiều tiết.

Thầy có biết cấp trung học cơ sở môn Văn 9 lên đến 5 tiết/tuần, môn Văn khối 6, 7, 8 và môn Toán của cấp học này có 4 tiết/tuần, môn Tiếng Anh có 3 tiết/tuần. Cấp trung học phổ thông cũng có nhiều môn học 3-4 tiết/tuần.

Trong đó, riêng môn Văn 9 giảm tải 41 bài, tương đương 47 tiết học và bằng 26,85% thời lượng bộ môn học nhưng số tiết vẫn giữ nguyên sẽ hiểu những khó khăn của giáo viên ngồi “căng kéo” các bài học này ra cho đủ số tiết quy định.

Thầy thử hình dung những giáo viên tổ Văn ngồi dò lại, cơ cấu lại 595 tiết của cả cấp học để sắp xếp lại phân phối chương trình nó mất bao nhiêu thời gian hay không? Thầy cũng thừa hiểu khi làm lại phân phối chương trình thì tất nhiên nó sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch giáo dục khác và tất nhiên là phải điều chỉnh lại.

Trong khi, điều kiện dịch bệnh như hiện nay việc thực hiện không hề đơn giản chút nào.

Thứ hai: khi tác giả Sơn Quang Huyến “khuyên” đội ngũ nhà giáo: “hãy làm tốt nhiệm vụ thay vì kêu ca đòi hỏi”? Vậy, ai kêu ca và đòi hỏi gì ở đây? Chẳng lẽ những giáo viên là những trí thức của xã hội mà thấy những điều phi lý, bất cập thì họ không được lên tiếng phản biện hay sao?

Nếu đọc lại hàng trăm bài viết của thầy trong thời gian qua trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy sẽ thấy vô vàn những bài viết của thầy phản biện lại những điều phi lý, những bất cập của ngành đấy thôi.

Mà cho dù giáo viên “kêu ca” về cách làm tắc trách của Bộ thì cũng đúng chứ có sai đâu? Họ “kêu ca” vì Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH ra đời chậm trễ mà đáng lẽ ra những công việc như làm lại kế hoạch, phân phối chương trình thì giáo viên không phải làm nữa nhưng đã phải làm đi, làm lại nhiều lần.

Ngay cả trong bài biết Công văn 4040 của Bộ hợp lý lắm rồi, thầy cô đừng kêu nữa thì tác giả Sơn Quang Huyến cũng đã khẳng định, đề cập đến 3 lần giáo viên làm lại kế hoạch đó còn gì. Nếu, Bộ ban hành trước khi năm học được diễn ra thì giáo viên có phải 3 lần làm lại kế hoạch hay không?

Để bây giờ khi hết tuần học thứ tư, giáo viên các trường học trên cả nước vẫn đang mải miết với các kế hoạch và xây dựng phân phối chương trình vì Bộ ban hành Công văn xong, các trường còn phải chờ hướng dẫn của Sở, của Phòng và tư vấn của Hội đồng bộ môn thì mới có cơ sở để xây dựng các kế hoạch.

Đáng lẽ ra, sự việc này Bộ phải rút kinh nghiệm và nhận trách nhiệm trước gần 1 triệu giáo viên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông chứ việc gì giáo viên phải “hoan hô” một Công văn ban hành chậm trễ như vậy?

Cách “hoan hô” lạc nhịp với đội ngũ nhà giáo của tác giả Sơn Quang Huyến và cách quy chụp giáo viên “kêu ca đòi hỏi” không phải là cách phản biện hay, xây dựng khi cần trao đổi hay phản biện về một sự việc giáo dục cụ thể.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HÀ DƯƠNG