Học sinh tại thị xã La Gi chỉ phải mua sách giáo khoa
Từ nhiều năm nay, cứ vào buổi họp phụ huynh cuối năm, giáo viên chúng tôi đều thay mặt nhà trường gửi đến phụ huynh thông tin mua sách giáo khoa cho con trong năm học mới.
Do trong cùng một địa bàn, các trường tiểu học có những bộ sách khác nhau. Vì thế, việc mua sách lớp 1 gần như phụ huynh đăng ký tại trường.
Bộ sách giáo khoa của học sinh lớp 1 ở nhiều trường học tại thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận (Ảnh Đỗ Quyên) |
Bộ sách giáo khoa được bán đúng giá mà nhà xuất bản đưa ra, đúng đầu sách như quy định của Bộ Giáo dục mà không có sách bổ trợ hay vở bài tập đi cùng.
Nếu không mua sách tại trường, phụ huynh mua ở các nhà sách cũng vẫn phải mua nguyên bộ vì nhiều nhà sách thường không bán lẻ hoặc phụ huynh cũng không nắm rõ sách nào cần mua, sách nào không.
Việc mù mờ về thông tin do phụ huynh không nhận được thông báo từ nhà trường nên phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn để mua về những cuốn sách đôi khi không một lần dùng đến.
Học sinh lớp 1 chỉ có 8 cuốn sách giáo khoa bắt buộc
Tiến sĩ Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Theo quy định, bộ sách giáo khoa lớp 1 mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) có 8 cuốn bắt buộc và 1 môn tự chọn gồm:
Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và sách Tiếng Anh tự chọn.
Ngoài các cuốn sách giáo khoa chính thức trên đây, những tài liệu bổ trợ tham khảo khác cho học sinh, phụ huynh có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc. [1]
Những cuốn vở bài tập đôi khi không bao giờ dùng đến
Với trường học 2 buổi/ngày, học sinh có khá nhiều tiết Toán và tiếng Việt bổ sung. Bởi thế, để củng cố kiến thức, để rèn thêm kỹ năng tính toán và kỹ năng viết, giáo viên thường khuyến khích phụ huynh mua thêm 2 cuốn vở bài tập Toán và tiếng Việt.
Với những cuốn vở bài tập Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Mỹ thuật, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm gần như rất ít khi được dùng đến do giáo viên không có đủ thời gian để cho các em làm tại lớp.
Một số thầy cô giáo cho học sinh về làm tại nhà nhưng đã giao việc thì phải có sự chấm, sửa, kiểm tra. Chuyện này, cũng sẽ chiếm không ít thời gian giảng dạy của giáo viên trên lớp.
Thế nên, nhiều thầy cô giáo đã quên luôn việc học sinh đã từng mua rất nhiều vở bài tập, dẫn đến tình trạng những cuốn vở bài tập mua rồi để đó, gần như suốt năm cũng chỉ để giấy trắng.
Món lợi từ hoa hồng bán sách bổ trợ
Người viết không biết, hoa hồng mà nhà xuất bản chiết khấu cho các loại sách bổ trợ là bao nhiêu nhưng không ít lần đi mua sách đã được các hiệu sách chào bán sẽ trích cho người mua từ 30% đến 40% nếu mua sách tham khảo.
Đó chỉ là mua lẻ, nếu trường học nào đó mua hàng nghìn bộ sách tham khảo thì sao? Số tiền hoa hồng được trích lại quả là con số rất lớn.
Có lẽ vì món lợi hấp dẫn này mà việc cung cấp thông tin về sách giáo khoa và sách tham khảo ở nhiều trường học hiện nay đã không được minh bạch, đầy đủ.
Khắc phục tình trạng, nhập nhèm bán sách giáo khoa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản quy định chặt chẽ việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo, xử lý nghiêm các hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp ép buộc học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo.
Hy vọng việc chỉ đạo quyết liệt như thế, phụ huynh sẽ không bị ép mua vở bài tập, sách tham khảo bán kèm sách giáo khoa ở hiệu sách cũng như tại trường vào đầu mỗi năm học.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/goi-y-ep-buoc-mua-sach-tham-khao-nguoi-dung-dau-co-so-giao-duc-phai-chiu-trach-nhiem-adQNShDGR.html
[2]https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/xu-ly-nghiem-hanh-vi-ep-buoc-hoc-sinh-mua-sach-tham-khao-post212652.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.