Đào tạo đa ngành là xu hướng của các trường đại học hiện nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh tự chủ tài chính, việc các trường đại học công lập mở nhiều ngành đặt ra cho dư luận những lo ngại về vấn đề chất lượng đào tạo.
Đào tạo theo sứ mệnh nhưng không áp đặt cứng nhắc
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nói rằng, đối với các trường công lập, chúng ta không áp đặt sứ mệnh đào tạo một cách cứng nhắc như trước đây. Có những ngành nghề do nhà nước giao nhiệm vụ cho trường, nhưng có những ngành nghề do trường chủ động đề xuất, tất nhiên những đề xuất đó phải nằm trong khuôn khổ nhất định.
Giáo sư Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Theo Giáo sư Đào Trọng Thi, việc mở ngành đào tạo, đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học phải thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế tuyển sinh, dù trường được tự chủ quyết định chỉ tiêu tuyển sinh nhưng phải dựa trên cơ sở năng lực đào tạo của nhà trường như: đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất,... và những tiêu chí này đều đã có con số quy định cụ thể.
“Muốn mở một ngành mới, trường phải đáp ứng được về đội ngũ giáo viên, tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ,... theo quy định. Và chỉ tiêu tuyển sinh của ngành học cũng phải phụ thuộc vào đội ngũ đó, phụ thuộc vào sàn diện tích xây dựng, cơ sở vật chất, trang thiết bị,....
Như vậy, các trường không thể mở ngành một cách tùy tiện, họ phải có chiến lược, quy hoạch về các ngành nghề, có sự chuẩn bị cho đào tạo ngành đó.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn ngành đào tạo nào, chỉ tiêu ra sao còn phải phù hợp với nhu cầu xã hội”, Giáo sư Đào Trọng Thi chia sẻ.
Đào tạo ở trường đại học phải theo nhu cầu lao động, sự phát triển của kinh tế xã hội. Chúng ta phải đánh giá được, thị trường lao động trong những thời điểm tới đây, nhu cầu số lượng khoảng bao nhiêu, cơ cấu nhân lực như thế nào, lúc đó mới giảm thiểu được tình trạng cử nhân thất nghiệp.
Việc điều tiết quy mô đào tạo phải theo nhu cầu thị trường lao động chứ không thể theo một ý chí chủ quan nào. Tất nhiên, thị trường lao động ở Việt Nam cũng mới hình thành, chúng ta cần một thời gian để nó phát triển và hoàn thiện.
Tóm lại, việc xác định chỉ tiêu cho từng ngành nghề, cơ cấu ngành nghề như thế nào là phải tính đến sự phù hợp với năng lực đào tạo của trường và phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Quy định đã có, điều quan trọng là phải làm thật tốt khâu kiểm định để đánh giá chất lượng đào tạo, để đảm bảo chất lượng đào tạo các ngành học của các trường.
Ngoài ra, phải nhận diện rõ, việc mở ngành, xác định chỉ tiêu tuyển sinh ở hệ thống trường công lập và hệ thống trường ngoài công lập là khác nhau.
“Trường công lập là do nhà nước đầu tư nên phải tập trung đào tạo những ngành học theo sứ mệnh mà nhà nước đã giao. Trường về kinh tế không thể chạy đua tập trung đào tạo kỹ sư máy móc, trường đại học khoa học tự nhiên không thể đào tạo nghệ sĩ, diễn viên.
Tất nhiên chúng ta không áp đặt đào tạo theo sứ mệnh một cách cứng nhắc, bên cạnh những ngành học theo sứ mệnh, nhà trường có thể đề xuất ngành mới, nhưng đề xuất đó phải nằm trong khuôn khổ, phải phù hợp với sự phát triển của đất nước, bởi trường công là sở hữu của nhân dân, phải vì nhân dân.
Các trường tư là do tư nhân đầu tư, xây dựng, họ được được mở rộng các ngành đào tạo theo quy định của pháp luật khi đã đảm bảo đầy đủ năng lực đào tạo, điều kiện giảng dạy.
Điều đó để nói rằng, mức độ tự chủ của trường công và trường tư là khác nhau”, Giáo sư Thi nhận định.
Quy hoạch lại một số trường đào tạo hẹp
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề mở ngành ở các trường công lập, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc mở ngành học mới đang là xu hướng phát triển bình thường. Tuy nhiên, cũng cần có những thay đổi theo hướng tích hợp, liên ngành và kết nối (connected curriculum) để đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động trong bối cảnh của tiến bộ khoa học công nghệ, góp phần nâng cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). (Ảnh:NVCC) |
Thời gian qua, chúng ta đã có hàng nghìn giảng viên được đào tạo ở nước ngoài về, mang những tri thức, kinh nghiệm của những ngành học mới về nước sẽ là những tiền đề quan trọng trong đổi mới chương trình giáo dục đại học và có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học. Vì thế đội ngũ những giảng viên này được tham gia phát triển chương trình mới (ngành mới) thì đó là dấu hiệu tích cực.
Tuy nhiên, do biên giới văn hóa của ngành học tồn tại nhiều năm, để có thể làm mờ đi ranh giới giữa các ngành đòi hỏi cần có những thay đổi trong văn hóa tổ chức và quản trị nhà trường.
Khoa học công nghệ hiện đại đặt ra yêu cầu về tích hợp liên ngành, ví dụ ngành cơ khí hiện nay không giống như truyền thống trước đây, mà ngành cơ khí phải tích hợp các ngành truyền thống như: Cơ Điện tử, Cơ Sinh Y Điện tử... ứng dụng nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, gần đây có một số trường mở ngành mới nhưng nghiên cứu kỹ thì nội hàm đổi mới trong chương trình theo chuẩn đầu ra và nội dung, cũng như cách thức tổ chức thực hiện không khác nhiều với ngành đào tạo chính.
Câu hỏi đặt ra là liệu việc mở ngành mới đã đáp ứng được những yêu cầu đổi mới hay chưa? Một ngành học mới phát triển từ ngành học truyền thống nhưng bản chất chương trình không thay đổi, trước đây dạy như thế nào, bây giờ vẫn dạy như vậy thì không thể gọi đó là đổi mới.
“Vậy phân biệt ngành mới với ngành truyền thống thế nào? Theo kinh nghiệm của thế giới khi chuẩn đầu ra (learning oucomes) của một chương trình vượt quá 25% ngành truyền thống, thì khi đó mới có thể gọi là một ngành mới và quy trình mở ngành (như xác định nhu cầu, mục tiêu, chuẩn đầu ra, sắp xếp nội dung chương trình...) mới tiến hành để Hội đồng trường phê chuẩn theo quy trình chặt chẽ.
Hội đồng trường hoặc người học biết một ngành mới được mở ra có đúng thực chất hay không cần phải tìm hiểu về chương trình có tên gọi tương tự ở quốc tế, chuẩn đầu ra, hàm lượng đổi mới chương trình như thế nào, đội ngũ giảng viên có sẵn để thiết kế và thực hiện chương trình đổi mới và có tuân thủ quy trình để mở một ngành mới hay không.
Việc mở ngành mới cũng phải dựa vào những nghiên cứu khảo sát thị trường lao động, xu hướng chương trình đào tạo của thế giới cũng như định hướng phát triển kinh tế- xã hội”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho biết.
Để đảm bảo việc quản lý mở ngành đào tạo của các trường đại học, theo Tiến sĩ Vinh, điều quan trọng nhất là phải tăng cường kiểm định chương trình. Khi kiểm định một chương trình, tập trung chuyên gia của ngành đào tạo ấy thì việc kiểm định sẽ chặt chẽ, chuẩn chỉnh hơn.
Đánh giá được chất lượng chương trình, thực tế tổ chức thực hiện, chuẩn đầu ra, điều kiện đảm bảo chất lượng chương trình chính là những căn cứ quan trọng xác định ngành học đó có đảm bảo chất lượng hay không.
Nếu chỉ có kiểm định trường là chưa đủ, bởi lẽ, một bộ tiêu chuẩn chung lại được áp dụng cho tất cả các trường rất đa dạng ngành đào tạo, trong khi mỗi trường ở những khu vực khác nhau, lĩnh vực đào tạo cũng khác nhau, thành viên đoàn kiểm định không thể tụ hợp đủ được các chuyên gia theo ngành đào tạo của nhà trường, dễ xảy ra cảnh "thầy bói xem voi" hoặc sẽ nặng nề về quy trình thủ tục.
Ví dụ, ngành đào tạo Y khoa thì những người có chuyên môn Y khoa và có tiêu chuẩn kiểm định chương trình riêng của lĩnh vực chắc chắn sẽ hiệu quả hơn, giống như một số quốc gia trên thế giới đang tiến hành.
Ngoài ra, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cũng đề xuất việc quy hoạch lại một số trường đại học đào tạo quá hẹp.
Hiện nay, còn một số trường thuộc một số tổ chức chính trị xã hội, theo sứ mệnh thì đào tạo rất hẹp nhưng vẫn tồn tại là một trường đại học độc lập, khả năng tự chủ thấp, muốn nâng cao chất lượng cần hoặc là đầu tư nhiều của nhà nước hoặc mở thêm ngành đào tạo ngoài sứ mệnh để thu hút người học. Những trường đại học như vậy rất cần được quy hoạch trở lại.
Tuy nhiên, việc mở những ngành mới ở những trường này lại rất khó cạnh tranh tuyển sinh với những trường đại học đã có thế mạnh và truyền thống đào tạo lâu đời, đó là chưa kể sự trùng lặp ngành đào tạo gây ra sự lãng phí không hề nhỏ.
“Mạng lưới các trường đại học hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Chúng ta cần phải quy hoạch lại theo sứ mệnh, quản lý các trường đại học theo sứ mệnh và các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng.
Ví dụ, một trường đại học có khi chỉ nên là một khoa hoặc một trường đại học nằm trong Đại học Quốc gia sẽ hợp lý hơn. Điều này giúp chúng ta tận dụng được những chuyên gia của ngành học khác để nâng cao hiệu quả đào tạo.
Đây cũng là mô hình được áp dụng ở một số quốc gia trên thế giới, ví dụ như Women's College nằm trong Đại học Sydney (Úc).
Nếu vẫn để những trường này tồn tại độc lập thì sẽ còn những vấn đề bất cập trong quá trình phát triển mạng lưới các trường đại học của quốc gia cũng như chưa quán triệt hết tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII”, Tiến sĩ Vinh khẳng định.