Rối tinh rối mù với hướng dẫn “tự học” và “tự đọc” của Bộ

05/10/2021 06:41
Đỗ Quyên
GDVN- Thời điểm này, một số quy định trong công văn vẫn đang vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi, gây không ít khó khăn cho việc triển khai, thực hiện kế hoạch giảng dạy.

Để ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH ngày 16/9/2021 hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông năm học 2021-2022.

Phụ lục hướng dẫn trong Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH (Ảnh: Đỗ Quyên)

Phụ lục hướng dẫn trong Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH (Ảnh: Đỗ Quyên)

Thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 4040 thì tại nhiều cơ sở giáo dục học sinh đã học được 3 tuần, giáo viên và nhà trường cũng đã lên kế hoạch đầy đủ. Có công văn chỉ đạo mới, đương nhiên những kế hoạch cũ sẽ phải bỏ đi và làm lại.

Tuy thế, khi thực hiện kế hoạch giảng dạy theo Công văn 4040, nhiều cơ sở giáo dục đang vấp phải sự tranh cãi của nhiều giáo viên về cụm từ “Tự học” và “Tự đọc” được hướng dẫn trong công văn.

Rối tinh rối mù với hướng dẫn “Tự học” và “Tự đọc” của Bộ, mỗi giáo viên hiểu mỗi khác

Trong Công văn 4040, phần hướng dẫn thực hiện trong điều kiện phòng, chống Covid-19 có những bài học được ghi là “Tự học”, lại có bài được hướng dẫn là “Tự đọc” đã gây nên sự tranh cãi của nhiều giáo viên vì mỗi người lại có một cách hiểu khác nhau.

Điều làm nhiều thầy cô giáo thắc mắc nhiều nhất chính là bài “Tự học” là không dạy trên lớp để học sinh về nhà tự học.

Nhưng bài ghi là “Tự đọc” thì có phải dạy trên lớp hay không? Người bảo phải dạy vì nếu không dạy, họ đã ghi ngay từ “Tự học”, ghi “Tự đọc” làm gì?

Người lại cứ nhất quyết, “Tự học” không dạy thì “Tự đọc” cũng không dạy trên lớp luôn. “Tự đọc” là một phần có trong “Tự học”, muốn tự học phải tự đọc. Bởi thế quy định “Tự đọc” là không cần thiết.

Do cách hiểu khác nhau, mỗi địa phương cũng thực hiện mỗi khác

Một giáo viên tại An Giang cho biết, Bộ chỉ đạo chung chung nên nhiều giáo viên có cách hiểu khác nhau, không đồng nhất. “Tự học” đương nhiên không phải dạy, còn “Tự đọc” thì có nhiều mệnh đề như khuyến khích tự đọc, đọc theo hướng dẫn ở nhà...chung quy là giáo viên hướng dẫn cho học sinh đọc ở nhà.

Còn tại Bình Thuận, một số giáo viên lý giải “Tự học” là bỏ không dạy, học sinh tự tìm hiểu tại nhà, còn “Tự đọc” không biết phải hiểu sao cho đúng, đang rối tinh rối mù đây.

Có người lại khẳng định: "Tự đọc" là vẫn dạy theo phân phối chương trình, học sinh sẽ tự đọc bài trên lớp (kiểu tự tìm hiểu), thầy cô cho câu hỏi, bài tập để các em làm và đặt câu hỏi để các em trả lời.

Vô lý ngay trong câu chữ hướng dẫn học từ công văn của Bộ

Tự học được hiểu theo nghĩa đơn giản nhất chính là quá trình tự làm việc, tự tiếp thu kiến thức mà không có sự hướng dẫn chỉ bảo của người khác. Bản thân bạn phải tự nghiên cứu, suy luận, tư duy để rút ra bài học.

Áp dụng trong hoàn cảnh dịch bệnh, học sinh bị rút ngắn thời gian học nên Bộ đã giảm tải một số lượng kiến thức. Vì thế, một số bài yêu cầu các em về nhà tự học là hợp lý.

Tuy nhiên, những bài yêu cầu “Tự đọc” lại rất mông lung. Nếu “Tự đọc” cũng không dạy trên lớp (như ở An Giang) mà yêu cầu học sinh về tự học ở nhà, vậy sao không ghi luôn là “Tự học” cho dễ hiểu?

Còn ở Bình Thuận, một nhóm cốt cán giải thích "Tự học" là giáo viên không phải dạy, "Tự đọc" là học sinh tự đọc bài và làm theo yêu cầu của giáo viên.

Nghĩa là, “Tự đọc” vẫn dạy theo phân phối chương trình nhưng chỉ khác là giáo viên không cho học sinh ghi bài. Học sinh sẽ tự đọc bài trên lớp (kiểu tự tìm hiểu), thầy cô cho câu hỏi, bài tập để các em làm và đặt câu hỏi để các em trả lời.

Hướng dẫn tự đọc của một nhóm cốt cán tại Bình Thuận (Ảnh: Đỗ Quyên)

Hướng dẫn tự đọc của một nhóm cốt cán tại Bình Thuận (Ảnh: Đỗ Quyên)

Giáo viên đã lên lớp nhưng không giảng bài, không cho học sinh ghi bài mà để các em tự đọc bài và trả lời theo câu hỏi, như vậy là tinh giản nội dung kiến thức ư? Dù nhiều trường học làm theo hướng dẫn của tổ cốt cán nhưng không ít giáo viên vẫn chưa đồng tình theo cách giải quyết này.

Công văn 4040 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã chậm hơn các trường dạy học gần 1 tháng. Nhà trường và giáo viên đã hoàn thành xong kế hoạch giảng dạy, phân phối chương trình, nay lại phải bỏ đi để làm lại từ đầu.

Vậy mà, ngay thời điểm này, một số quy định trong công văn vẫn đang vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi như thế cũng gây không ít khó khăn cho việc triển khai và thực hiện việc dạy học tại các trường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên