Nguồn nhân lực khoa học cơ bản rồi đây sẽ lấy ở đâu ra?

06/10/2021 13:22
Tùng Dương
GDVN- 24 nhóm ngành tuyển sinh năm nay có 5 nhóm tỷ lệ lựa chọn ít là: Khoa học tự nhiên; Nông lâm nghiệp và thủy sản; Dịch vụ xã hội; Khoa học sự sống; Môi trường.

Nhiều ngành học rất cần cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhưng hiện nay đã mất sức hút đối với sinh viên. Thống kê của Vụ Giáo dục Đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả tuyển sinh năm 2021 cho thấy sự phân hóa mạnh giữa các ngành nghề được thí sinh lựa chọn. Trong tổng số 24 nhóm ngành tuyển sinh năm nay, 5 nhóm ngành có tỷ lệ lựa chọn ít là: khoa học tự nhiên; nông lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ xã hội; khoa học sự sống; môi trường và bảo vệ môi trường.

Kết quả tuyển sinh năm 2020 cũng cho thấy 5 nhóm ngành này có số lượng thí sinh nhập học thấp.

Tiến sĩ Phan Đông Pha - Viện Địa chất và Địa vật lí biển, Học viện Khoa học và Công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Phan Đông Pha - Viện Địa chất và Địa vật lí biển, Học viện Khoa học và Công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Ảnh: NVCC.

Để tìm hiểu về vấn đề tại sao nhóm ngành khoa học cơ bản lại không thu hút được sinh viên theo học, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Tiến sĩ Phan Đông Pha - Viện Địa chất và Địa vật lí biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Tiến sĩ Pha cho biết: “Thứ nhất, khoa học cơ bản có nhiều thứ, trong đó có ngành khoa học trái đất bao gồm địa chất, hải dương, khí tượng,…Có thể nói, ngành học này nhiều những công thức, lý luận logic mang tính “khô khan”, không hấp dẫn người học như các ngành về kinh tế với những ví dụ sinh động, hợp với xu thế hiện đại, năng động của xã hội.

Điều thứ hai liên quan đến đào tạo, trong những năm qua, nói chung ngành khoa học trái đất cũng như một số ngành khoa học cơ bản có đội ngũ giảng viên đã tiếp cận được với thế giới, nhưng để chuyển tải được những thông tin đó cho sinh viên thì chưa đạt được như mong muốn. Điều này dẫn tới việc sinh viên không hào hứng, và nếu cố theo học sẽ bị đuối.

Ví dụ đơn giản, nếu ta muốn gói một chiếc bánh chưng, trước hết phải biết cách chọn tất cả nguyên liệu ngon để làm nên chiếc bánh đó, rồi biết cách đun nấu, ép khuôn,…biết tất cả các khâu để hoàn thành một chiếc bánh đẹp, chuẩn về chất lượng.

Nhưng việc đào tạo của chúng ta hiện nay chưa đủ hết các khâu, cũng có thể chưa “làm” đến nơi đến chốn ở một khâu nào đó trong cả một chương trình học kia. Gọi là ngành nhưng gồm rất nhiều môn học, thậm chí những môn cơ bản được lại dạy quá hời hợt, sinh viên bị rỗng kiến thức nên khó tiếp thu được cái mới, khó tiếp thu tổ hợp kiến thức cao hơn.

Một đặc điểm nữa hiện nay, các giảng viên đại học đã tiếp cận với những công nghệ tiên tiến, thông tin khoa học lớn trên thế giới, nhưng vấn đề đó ở Việt Nam còn bị hạn chế, ví dụ: Giảng viên nghiên cứu rất sâu về nguyên tử, về phần lí thuyết đã nắm rất tốt, nhưng ở Việt Nam lại chưa có những thiết bị phục vụ cho nghiên cứu nguyên tử, dẫn đến việc khó khăn khi xây dựng đề tài, tài liệu cho sinh viên thực tập.

Giảng viên không có phòng thí nghiệm thì không làm được, dẫn đến không có đề tài, sẽ không có công bố, mà không có đề tài thì đồng nghĩa với không có thu nhập, không có điều kiện hỗ trợ cho sinh viên. Theo tôi đây là “lỗi” của cả một hệ thống.

Điều quan trọng nữa là đầu ra cho sinh viên, ai cũng nói là thị trường quyết định, nhưng có một số ngành nghề thì thị trường lại không quyết định, ví dụ ngành khoa học trái đất, rất nhiều ngành ở địa phương cần nhân lực như làm quản lí về tài nguyên môi trường, làm thủy lợi,… nhưng những vị trí làm quản lí ở cấp sở, cấp huyện đó thì đại đa số những vị trí đó đã được “lấp kín”.

Khi ai đó đã ngồi vào vị trí quản lí hành chính rồi thì rất khó điều chuyển họ, vậy lấy đâu ra cơ hội cho cử nhân các ngành này? Mặc dù thực sự thị trường rất cần nhân lực, như vậy, đầu ra sinh viên đã bị “mất” một mảng quản lí nhà nước. Mảng thứ hai là thực tiễn vào làm tại các doanh nghiệp, mặc dù rất thiếu nhân lực, được tiếp nhận vào làm nhưng với mức lương 5 -7 triệu đồng/tháng ở thành phố các em cũng khó trụ lại được.

Nếu muốn có được mức lương cao gấp đôi thì phải chấp nhận đi làm rất xa về vùng mỏ, vùng có điều kiện lao động khắc nghiệt, mang tiếng là công ty ở thành phố nhưng nơi làm việc là giám sát thi công hầm lò, xây đập… thường ở vùng sâu, vùng xa, tính ổn định không cao, thường xuyên di chuyển nơi làm việc, vài tháng mới được về thăm nhà một lần, vì vậy không phải ai cũng theo được công việc”.

Tiến sĩ Phan Đông Pha trong một lần đi nghiên cứu thực địa tại một vùng mỏ. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Phan Đông Pha trong một lần đi nghiên cứu thực địa tại một vùng mỏ. Ảnh: NVCC.

Cần thay đổi cách đào tạo

Theo tiến sĩ Pha: “Đào tạo nghiên cứu cơ bản phải đi vào hai hướng, đó là nghiên cứu và ứng dụng. Nhưng các trường đại học hiện nay đã “xóa nhòa” ranh giới đó. Ví dụ trước kia, Trường đại học Mỏ - Địa chất là đào tạo ra kĩ sư thực hành, Trường đại học Tổng hợp đào tạo ra kĩ sư nghiên cứu, nhưng bây giờ “lẫn lộn” hết rồi, trường nào cũng cho ra "sản phẩm" na ná giống nhau nhưng lại không phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.

Nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, thừa thời gian nên lại tiếp tục học lên cao hơn, cũng có em chuyển ngang sang việc đi chào bán các thiết bị chuyên ngành khoa học. Tôi biết rất nhiều sinh viên du học ngành này ở nước ngoài về nhưng lại làm hướng dẫn viên du lịch. Như vậy quá lãng phí nguồn nhân lực. Các thế hệ sinh viên tiếp theo nhìn vào những “gương” đó nên cũng không dám theo học, bởi họ không nhìn thấy tương lai.

Đại đa số các ngành khoa học cơ bản đòi hỏi sự đầu tư của gia đình, cũng như sức lực của cá nhân người học rất lớn, học nghiên cứu cơ bản rất lâu, đòi hỏi sinh viên phải chuyên tâm hơn, khi ra trường còn phải đào tạo thêm mới đủ năng lực làm việc, nó không giống như một số ngành khác thậm chí đang đi học đã có thể làm ra kinh tế”.

Tiến sĩ Pha chia sẻ: “Thực tế ở các cơ quan nghiên cứu nói chung, và các giảng viên đại học nói riêng, ngoài việc giảng dạy thì nguồn sống chính nuôi gia đình lại là nghiên cứu, thu nhập của giảng viên là nghiên cứu đề tài ở các cấp, chính vì thế sự chuyên tâm của các thầy cô đều dành cho nghiên cứu nhiều hơn, việc dạy học trên lớp trở nên “lớt phớt”, điều đó cũng dễ hiểu.

Chúng tôi thường hay nói vui với nhau là dạy dỗ, ví dụ: Nghiên cứu sinh hay thạc sĩ nhiều lúc phải dỗ nhiều hơn dạy, ở đây là dỗ dành, động viên, khuyến khích,…không ít sinh viên chán nản vì phải chịu sự đào tạo khắt khe, muốn bỏ giữa chừng vì điều kiện kinh tế khó khăn không theo học tiếp được, hoặc muốn chuyển sang ngành khác có thu nhập tốt hơn,…

Khi tôi đi dạy, hướng dẫn nhiều sinh viên đầu năm thứ 4 đi thực tập tại các cơ sở sản xuất, sinh viên về địa phương tận mắt thấy thực trạng các anh chị, cô chú sống như thế, nghe họ chia sẻ “chuyện nọ chuyện kia”, biên chế khó thế này, muốn có việc thì phải “thế kia”, tôi thấy tâm lý 10 em thì 8 em là oải, thất vọng.

Nhưng bản chất đầu tiên theo tôi vẫn là vấn đề học, trường tốt vẫn dạy và học tốt, có giáo trình đồng bộ, có nét riêng và thế mạnh của trường đó mang tính đặc thù. Tiếp theo là nhu cầu của xã hội để đầu ra tương thích và cởi mở hơn, một lứa sinh viên mới ra trường trên dưới 30 em thì giỏi lắm được 10 em có công việc, trong đó 3 em có công việc tốt và phát triển được, số còn lại là “rơi rụng” hết”.

Khoa học cơ bản luôn là quan trọng, là trụ cột gốc gác của tất cả mọi vấn đề, toán học cũng vẫn là xương cốt cho các quy luật về kinh tế, y học cũng phải có kiến thức sinh, toán, hóa học. Thực tế cho thấy nhiều người thành công trong xã hội học khoa học tự nhiên, dân chuyên toán, chuyên lí ra.

Theo Tiến sĩ Phan Đông Pha: "Việc đào tạo của chúng ta hiện nay chưa đủ hết các khâu, cũng có thể chưa “làm” đến nơi đến chốn ở một khâu nào đó trong cả một chương trình học kia khiến sinh viên bị hổng kiến thức. Ảnh: NVCC.

Theo Tiến sĩ Phan Đông Pha: "Việc đào tạo của chúng ta hiện nay chưa đủ hết các khâu, cũng có thể chưa “làm” đến nơi đến chốn ở một khâu nào đó trong cả một chương trình học kia khiến sinh viên bị hổng kiến thức. Ảnh: NVCC.

Tương lai nguồn nhân lực lấy ở đâu?

Về vấn đề thiếu nguồn nhân lực trong tương lai, Tiến sĩ Pha nhận định: “Đây là vấn đề khó, ví dụ viện nghiên cứu của chúng tôi mặc dù giảm biên chế, nhưng lúc nào cũng cần người mà không có ai làm, việc đào tạo 1 người làm hợp đồng, đưa người đó đi học để phát triển không khó, nhưng vấn đề ở đây là phải chọn được người có trình độ, có tâm huyết.

Còn nếu muốn tốt hơn nữa thì đưa ra nước ngoài đào tạo, nhưng cũng rất khó bởi một số sinh viên giỏi đó sẽ được nước ngoài “mua” lại ngay bằng nhiều ưu đãi, bằng thu nhập, định cư. Còn lại một số đạt loại khá trở về nước thì không tìm được việc làm có thu nhập tốt, nên không hứng thú cống hiến, một số thì chuyển ngành…Theo tôi, trong tương lai đất nước chúng ta sẽ thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao ở khối ngành khoa học cơ bản.

Để có được thành quả, yếu tố cần là người học phải có “gốc”, nếu chúng ta chỉ nhìn vào mức điểm thi đầu vào của sinh viên thì cũng không hẳn chọn được người tài, mà chúng ta phải nhìn đầu vào từ phân cấp của học sinh cấp II, cấp III phổ thông, quan trọng là các em phải được định hướng từ thời điểm đó, dựa vào năng lực của từng học sinh để có định hướng đúng, nếu không làm tốt được việc này sẽ dẫn đến tư tưởng của các em bị lệch, bị phân tâm bởi chọn ngành theo ý gia đình, bạn bè…

Thực tế theo tôi quan sát rất nhiều năm, những học sinh phổ thông có kết quả học tập cao, nhưng trong đó chỉ có 30% các em là thực sự thông minh, có tố chất học thật, số còn lại là học vẹt, giỏi vẹt và nếu đánh giá đúng theo tư duy thì đó chỉ là những học sinh khá bởi tập trung vào một vấn đề quá nhiều thì thành quen, các môn khác có điểm dưới trung bình thì không thể gọi là giỏi được. Vậy nên rất cần những đánh giá nhận xét đúng về năng lực thật của từng em để có hướng theo ngành nghề phù hợp”.

Tùng Dương