Các bài tự học, tự đọc, tự làm theo Công văn 4040 hiểu thế nào mới đúng?

16/10/2021 07:30
KIM OANH
GDVN- Chúng tôi cho rằng, để tránh tình trạng “rối” khi giáo viên thực hiện ở dưới cơ sở thì Bộ cần cụ thể hơn đối với từng loại bài giảm tải.

Ngày 16/9/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (trung học cơ sở, trung học phổ thông) năm học 2021-2022 nhằm giảm tải các nội dung dạy học ở năm học này.

Theo hướng dẫn của Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH thì nhiều bài học chính khóa lâu nay được chuyển sang hình thức “Khuyến khích học sinh tự đọc”; “Khuyến khích học sinh tự thực hiện”; “Khuyến khích học sinh tự làm…”.

Nhiều bài được hướng dẫn “lựa chọn những kiến thức phù hợp để hệ thống kiến thức”; nhiều bài chuyển sang xây dựng thành chủ đề, nhiều bài chỉ lấy một số đơn vị kiến thức để gộp thành một bài dạy mới.

Các bài giảm tải đang được hiểu khác nhau. Ảnh minh họa: Kim Oanh

Các bài giảm tải đang được hiểu khác nhau. Ảnh minh họa: Kim Oanh

Tuy nhiên, trong Công văn 4040 chỉ hướng dẫn: “Không kiểm tra, đánh giá định kì đối với những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm” nhưng những bài này có dạy hay không dạy thì Bộ…không nói.

Mỗi trường hiểu mỗi kiểu, mỗi địa phương thực hiện một cách khác nhau

Thực ra, mỗi công văn của Bộ hướng dẫn về chuyên môn chỉ cần thêm một vài câu cụ thể là các nhà trường, giáo viên rất dễ dàng thực hiện nhưng khổ nỗi là Bộ ban hành Công văn 4040 chỉ đề cập bài giảm tải còn thực hiện như thế nào thì lại không chỉ đạo rõ ràng.

Chẳng hạn như môn Ngữ văn hiện nay có rất nhiều bài giảm tải hướng dẫn cách thực hiện khác nhau, đó là: “Khuyến khích học sinh tự đọc”; “Khuyến khích học sinh tự thực hiện”; “Khuyến khích học sinh tự làm”; Tự học có hướng dẫn”.

Nếu như năm học trước khi thực hiện giảm tải theo Công văn Công văn 3280/BGDĐT-GDTrH thì giáo viên chúng tôi vẫn được cấp trên hướng dẫn là xếp tiết cho các bài giảm tải này và vẫn dạy trên lớp bình thường. Chỉ khác là không kiểm tra vào các đơn vị kiến thức này thôi.

Năm nay, Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH thì chúng tôi được Hội đồng bộ môn tư vấn, nhà trường chỉ đạo là không xếp tiết vào các bài giảm tải. Các bài “Khuyến khích học sinh tự đọc”; “Khuyến khích học sinh tự thực hiện”; “Khuyến khích học sinh tự làm”; Tự học có hướng dẫn” có liệt kê vào phân phối chương trình nhưng không dạy.

Cấp trên nói, nếu xếp tiết và dạy thì đâu còn đúng chủ trương…giảm tải.

Vì thế, khi xây dựng phân phối chương trình thì cắt số tiết các bài giảm tải nên số tiết còn lại dư rất nhiều và những “tiết trống” này được giáo viên để dành…ôn tập.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì có địa phương đã chủ trương cắt luôn số tiết này ra khỏi chương trình dạy. Chẳng hạn như môn Văn, Toán ở cấp trung học cơ sở đang có 4-5 tiết/ 1 tuần mà giảm tải được 1 tiết thì mỗi tuần chỉ còn dạy cho học sinh 3-4 tiết.

Và, chúng tôi cho rằng đây là cách thực hiện phù hợp nhất về tinh thần giảm tải hiện nay. Bởi nếu cắt bài này, kéo bài kia ra thì việc giảm tải không còn ý nghĩa. Giảm bài dạy cũng đồng nghĩa với việc giảm số tiết/ tuần mới là điều phù hợp.

Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH khiến giáo viên rối, vì sao?

Ngày 5/10, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tác giả Đỗ Quyên có bà viết: “Rối tinh rối mù với hướng dẫn “tự học” và “tự đọc” của Bộ" đã phản ánh những bất cập trong quá trình thực hiện ở dưới cơ sở và đây là một sự thật.

Chúng tôi cho rằng, để tránh tình trạng “rối” khi giáo viên thực hiện thì Bộ cần cụ thể hơn đối với từng loại bài giảm tải. Loại bài nào giảm tải thì dạy, loại bài nào giảm tải thì không dạy, hoặc đã giảm tải thì không dạy, không học.

Bởi, phải thật thà với nhau rằng dù thầy cô có “khuyến khích” nhưng chắc cũng rất khó có học sinh “tự học, tự làm, tự thực hiện…” vì những bài chính khóa, giáo viên giao nhiệm vụ cụ thể mà cũng chỉ có một số ít học sinh thực hiện thì những bài không nằm trong kiến thức kiểm tra, thi cử học sinh ngó ngàng đến làm gì.

Vì thế, theo quan điểm của chúng tôi đã giảm tải thì nên bỏ hẳn cho gọn, không cần thiết phải nhập nhằng “Khuyến khích học sinh tự đọc”; “Khuyến khích học sinh tự thực hiện”; “Khuyến khích học sinh tự làm…” để làm gì.

Hơn nữa, khi giảm tải phải có tính hệ thống giữa các cấp học với nhau, tránh tình trạng lớp dưới giảm tải, lớp trên lại yêu cầu giáo viên ôn tập cho học trò.

Chẳng hạn, trong phần hướng dẫn giảm tải môn Ngữ văn lớp 8 thì bài Cấp độ khái quát nghĩa của từ được hướng dẫn “khuyến khích học sinh tự đọc”.

Thế nhưng, lên đến lớp 9, bài này nằm trong bài Tổng kết từ vựng và ở mục VIII, trang 126 thì Bộ lại yêu cầu dạy chính khóa. Tại sao bài học này ở lớp dưới thì hướng dẫn “khuyến khích học sinh tự đọc” mà lại yêu cầu giáo viên ôn tập lại kiến thức ở lớp trên bằng cách ôn tập khái niệm và làm bài tập vận dụng?

Rõ ràng, hướng dẫn của Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH của Bộ vừa qua vẫn khiến cho nhiều giáo viên cảm thấy khó khăn khi thực hiện các bài giảm tải nên cũng vì thế mà cách thực hiện của nhiều địa phương cũng đang khác nhau.

Trong khi, Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH không phải là lần đầu tiên trong 2 năm qua hướng dẫn giảm tải nhưng giáo viên vẫn cảm thấy trừu tượng với những khái niệm giảm tải của Bộ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH