Bộ Y tế cần sớm gỡ “tâm lý e ngại” về giá các sinh phẩm xét nghiệm COVID-19

10/10/2021 16:27
Nhật Minh
GDVN- Bộ Y tế cần tiếp tục có các hướng dẫn để tháo gỡ sự “lo ngại”, dè chừng bằng các giải pháp minh bạch, công khai liên quan đến sinh phẩm xét nghiệm COVID-19.

Theo báo cáo của Bộ Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo ngày 9/10, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt. Trong 2 tuần qua, số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với 2 tuần trước, giảm 47,3% so với 1 tuần trước đó. Tại Hà Nội, số ca mắc cũng đã giảm rất nhiều. Những ngày qua, ca mắc mới tại Hà Nội đa số đều liên quan đến ổ dịch bệnh viện Việt Đức.

Tuy nhiên, như Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại cuộc họp Ban chỉ đạo, tình hình dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến khó lường; nguy cơ dịch bệnh gia tăng và bùng phát trở lại có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là thời gian qua đã có số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đợt dịch tiếp theo nếu chủ quan, lơ là.

Chính vì vậy, cần tiếp tục tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở, cùng với đó là chuẩn bị sẵn sàng sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh của mỗi địa phương.

Để dần thích nghi “sống chung” với COVID-19 thì việc chuẩn bị sẵn các sinh phẩm xét nghiệm, vật tư y tế phục vụ chống dịch là điều vô cùng cần thiết. Ảnh minh họa: moh.gov.vn

Để dần thích nghi “sống chung” với COVID-19 thì việc chuẩn bị sẵn các sinh phẩm xét nghiệm, vật tư y tế phục vụ chống dịch là điều vô cùng cần thiết. Ảnh minh họa: moh.gov.vn

Đáng chú ý, sau phát biểu của ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương ngày 26/9/2021 đã xuất hiện tâm lý e ngại trong mua sắm các sinh phẩm xét nghiệm.

Dù sau đó, ông Đặng Hồng Anh đã có bài giải thích trên Báo Thanh Niên ngày 01/10/2021 về giá sản phẩm này (https://m.thanhnien.vn/gia-kit-test-o-moi-thoi-diem-moi-nuoc-khac-nhau-post1117199.html), nguyên nhân của việc chênh lệch giá tuy nhiên các địa phương đã có tâm lý lo ngại về việc mua sắm các sinh phẩm xét nghiệm, sau ồn ào tranh cãi về giá sinh phẩm xét nghiệm sẽ càng lo lắng hơn.

Chưa có thống kê cụ thể về việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm phục vụ phòng chống COVID-19 ở các địa phương trong thời gian gần đây nhưng theo tiết lộ của một chuyên gia là các địa phương không dám mua mà chỉ mong muốn các nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp. Nhưng thực tế, việc tài trợ thì không thể tài trợ mãi được. Vì vậy, để dần thích nghi “sống chung” với COVID-19 thì việc chuẩn bị sẵn các sinh phẩm xét nghiệm, vật tư y tế phục vụ chống dịch là điều vô cùng cần thiết.

Chính vì thế, Bộ Y tế cần sớm có các hướng dẫn để tháo gỡ sự “lo ngại”, dè chừng này bằng các giải pháp minh bạch, công khai để việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý nhất.

Để giải quyết bài toán này, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ chỉ cần triển khai một số việc:

1- Về giá các loại test R-PCR và test kháng nguyên:

Bộ cần thông báo rộng rãi trên cổng thông tin của Bộ để yêu cầu toàn bộ các nhà cung cấp các sản phẩm này trên thế giới (bao gồm cả hãng được cấp phép vào Việt Nam và các hãng chưa được cấp phép đưa sản phẩm vào Việt Nam) thông báo cụ thể về:

- Năng lực doanh nghiệp

- Sản phẩm test Covid mà doanh nghiệp có về tiêu chí kỹ thuật, nước sản xuất và các chứng nhận quốc tế

- Năng lực sản xuất và cung ứng sản phẩm theo thời gian

- Điều kiện giao hàng

- Điều kiện thanh toán

- Điều kiện bảo quản

- Chế độ dịch vụ sau bán hàng

- Máy móc và vật tư đi kèm

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế tổng hợp thông tin và kết nối các cơ quan chức năng để từ đó đưa ra thông báo công khai về giá các sản phẩm ở mức thấp nhất trong các nhóm tương ứng về chất lượng sản phẩm, nước sản xuất… và mỗi 3 tháng/lần lại cập nhật các thông tin mới về giá.

2- Về số lượng các loại test cần chuẩn bị cho các kịch bản khác nhau trong trạng thái bình thường mới:

Bộ cần tổng hợp gấp kế hoạch từ các địa phương và các báo cáo Trung ương về nhu cầu test kháng nguyên và PCR, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch cho toàn quốc và đề xuất giải pháp tối ưu cho việc mua sắm này.

3- Về hướng dẫn cụ thể các địa phương mua sắm:

Bộ có thể giao cho một đơn vị của Bộ đấu thầu các sản phẩm này, trên cơ sở đó, các địa phương có thể áp dụng kết quả đấu thầu này để mua sắm cho mình.

Các địa phương cũng có thể căn cứ trên bảng giá công khai của Bộ và các thông số kỹ thuật, các điều kiện đi kèm, chủ động bàn bạc với các nhà cung cấp để lựa chọn nhà cung cấp sản phẩm.

Các công việc trên là rất cần thiết, thiết nghĩ Bộ Y tế cần làm gấp và ra thông báo công khai sớm để các địa phương có thể mua nguồn sinh phẩm dự phòng theo các kịch bản khác nhau.

Nhật Minh