Thầy cô nên có cái nhìn khách quan, đúng đắn về Công văn 4040 của Bộ

12/10/2021 06:57
Nguyễn Mạnh Cường
GDVN- Văn bản đi vào cuộc sống khi và chỉ khi nó dễ hiểu, mang tính đại chúng, đúng pháp luật. Vì thế, văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên rõ ràng, chi tiết...

Trong thời gian vừa qua, công văn 4040 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra đời, đã nhận được không ít phản hồi trái chiều của dư luận.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết “Giáo viên vẫn khốn khổ với cách hiểu và triển khai Công văn 4040”; “Công văn 4040 khiến hàng triệu nhà giáo phải làm lại kế hoạch, sao lại hoan hô?”; “Công văn 4040 của Bộ hợp lý lắm rồi, thầy cô đừng kêu nữa” “Rối tinh rối mù với hướng dẫn “tự học” và “tự đọc” của Bộ”…

Phần lớn những bài viết trên đều nhận được sự quan tâm của giáo viên trên cả nước, ngay trong mỗi bài viết cũng đã có những bình luận trái chiều.

Giáo viên bức xúc vì trong 1 năm học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã 03 lần điều chỉnh, làm giáo viên phải làm lại 03 lần kế hoạch dạy học.

Tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không nắm bắt tình hình dịch bệnh sớm hơn, điều chỉnh kế hoạch ngay từ đầu năm để giáo viên đỡ vất vả…

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến thông cảm, đồng thuận, cho rằng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải điều chỉnh nội dung, kế hoạch dạy học là bất khả kháng.

Ảnh minh hoạ: Vovgiaothong.vn

Ảnh minh hoạ: Vovgiaothong.vn

Làm lại kế hoạch bộ môn có khó lắm không?

Sau bài viết “Công văn 4040 khiến hàng triệu nhà giáo phải làm lại kế hoạch, sao lại hoan hô?” bạn đọc Trần Thái Thụy, bình luận “Làm lại phân phối chương trình có khó không? Nói thật, rất đơn giản với giáo viên có chút năng lực. Việc giảm bài cho học sinh, giáo viên chia 1 tiết trước đây thành 2 hay 3 tiết, quá đơn giản tác giả ạ. Bộ Giáo dục không kịp thời, nhưng diễn biến dịch, Bộ đã làm như thế, phải ghi nhận sự tích cực, đừng phản biện kiểu "nói nát", không xây dựng như bạn”.

Bạn Yến Hoa bình luận: “Nếu giáo viên thực sự vì học sinh thân yêu, chứ không phải hô khẩu hiệu, sẽ đồng thuận với giảm tải, với công văn 4040, ko nề hà làm lại phân phối chương trình, vì quá đơn giản”.

Bạn Lê Bá An chia sẻ: “Bài viết tiêu cực quá, làm chùn chân mỏi gối thầy cô”.

Để làm sáng tỏ những bình luận trái chiều, người viết đã hỏi thăm giáo viên đang dạy trực tiếp tất cả các bộ môn, bậc học, bị chi phối bởi công văn 4040: Làm lại kế hoạch dạy học bộ môn sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra công văn 4040 có vất vả lắm không?

Câu trả lời, thật đơn giản, làm lại kế hoạch dạy học bộ môn sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra công văn 4040 chỉ cắt xóa những bài, nội dung giảm tải; giãn các tiết trước đây có thể 1, hay 2 ra nhiều tiết hơn. Công việc cần thao tác đơn giản nhưng bức xúc một chút là phải mất công làm lại thôi.

Cô giáo Lưu Dung, dạy Ngữ văn lớp 8, 9 cho biết: “Phân phối chương trình có sẵn rồi, em mất thêm khoảng 30 phút để làm lại phân phối chương trình theo công văn 4040 cho mỗi khối lớp; nói chung, cũng đơn giản, chứ không đến nỗi phải phản đối… quyết liệt, tạo tâm lý tiêu cực cho giáo viên”.

Công văn 4040 có thực sự khó hiểu không?

Trong các phụ lục của công văn 4040, phần “Hướng dẫn thực hiện trong điều kiện phòng, chống Covid-19” giữa môn học này và môn học khác, có sự khác nhau khi hướng dẫn.

“Học sinh tự học”; “Học sinh tự đọc”; “Học sinh tự học có hướng dẫn”; “Học sinh tự thực hiện”; “không yêu cầu học sinh làm”; “Học sinh tự thực hiện khi học trực tiếp (khi có thiết bị) hoặc tự làm ở nhà”; “Cung cấp (video, tư liệu âm thanh, hình ảnh), học sinh tự thực hiện các yêu cầu này”; “Tích hợp thành chủ đề…”...

Tức là, nội dung “Hướng dẫn thực hiện trong điều kiện phòng, chống Covid-19” mỗi môn, mỗi bài khác nhau thì khác nhau.

Vậy giáo viên dạy bộ môn có khó hiểu không? Người viết đã đặt câu hỏi này với một số giáo viên bộ môn khác nhau, nhận được câu trả lời chung “Em đọc hướng dẫn của môn Toán anh dạy, em thấy khó hiểu, nhưng với môn Công nghệ của em, em thấy bình thường”.

Như vậy, chuyện khó hiểu hay dễ hiểu phải đặt vào ngữ cảnh bộ môn của mình. Nếu mình có chuyên môn về môn này, nhìn vào “Hướng dẫn thực hiện trong điều kiện phòng, chống Covid-19” môn khác, có thể thấy khó hiểu là chuyện… bình thường.

Bộ cần rút kinh nghiệm khi ra văn bản hướng dẫn giáo viên

Dù là giáo viên song mỗi người đọc văn bản sẽ có cách hiểu, cách suy nghĩ, vận dụng khác nhau do “sự phong phú của tiếng Việt”, trong lúc giáo viên không phải ai cũng là “Vua tiếng tiếng Việt”.

Vậy nên, mới có chuyện “Thông tư mỗi người hiểu một kiểu, giáo viên hạng II tức tưởi vì xuống hạng III”.

Văn bản đi vào cuộc sống khi và chỉ khi nó dễ hiểu, mang tính đại chúng, đúng pháp luật. Vì thế, văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên rõ ràng, chi tiết, minh bạch về ngữ, nghĩa.

Ví dụ minh họa cụ thể: “Học sinh tự học”; “Học sinh tự đọc” có như nhau không; chả nhẽ học sinh tự đọc, không phải là tự học; hay học sinh tự học không cần phải tự đọc;

Giáo viên có thể hiểu “Học sinh tự đọc” cũng coi như “Học sinh tự học” và ngược lại, nhưng bỏ đi “Học sinh tự đọc” trong hướng dẫn, văn bản sẽ trong sáng hơn.

Thế nhưng, những chi tiết “nhỏ nhặt” không đáng có đó đã gây bức xúc không đáng có cho giáo viên khi đọc văn bản của Bộ.

Điều này gây nên một hậu quả đáng buồn, giáo viên không đọc, không hiểu sẽ không thực hiện đúng chỉ đạo của cấp trên, “Riêng phần cơ sở pháp lí để xây dựng kế hoạch chuyên môn, nhiều giáo viên chỉ nhìn các thông tư, nghị định, công văn của Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục… cũng đã thấy “choáng” vì thầy cô ít khi đọc những văn bản hành chính này”.[1]

Giáo viên đang quan tâm, bình luận về các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là tín hiệu đáng mừng, đáng quý.

Giáo viên mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo nói riêng, ngành Giáo dục nói chung, tiên phong gương mẫu, ra văn bản dễ hiểu, ai đọc cũng hiểu, có như thế mới áp dụng vào cuộc sống tốt được.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bám sát thực tiễn cuộc sống, thực tế dạy học; trên cơ sở đó, có văn bản chỉ đạo kịp thời, tránh tình trạng một năm học có 3 văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục phổ thông trong năm học 2021-2022 như vừa qua.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cong-van-5512-chi-phoi-module-4-vu-trung-hoc-co-thau-noi-kho-cua-giao-vien-post221582.gd

- Công văn Số: 4040/BGDĐT-GDTrH về việc Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT cấp THCS, THPT ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Mạnh Cường