Thị trường mua, bán sáng kiến kinh nghiệm lại… vào mùa dối trá

18/10/2021 07:02
Lê Mai
GDVN- Giáo viên làm thêm đủ thứ để kiếm sống, thế nhưng làm việc mình không muốn làm như mua bán giáo án, đề kiểm tra, học hộ… chắc cả người mua, kẻ bán cũng đau lòng..

Chuyện giáo viên mua bán giáo án, đề kiểm tra, học hộ… không còn lạ lẫm. Thế nhưng, việc xuất hiện một thị trường nhộn nhịp, đúng nghĩa chắc chỉ mới có trong hai năm trở lại đây.

Điều đau lòng nhất là chỉ riêng giáo viên mới có chuyện mua bán sáng kiến kinh nghiệm; trong khi sáng kiến kinh nghiệm là cơ sở để xét thi đua, chiến sĩ thi đua các cấp; cũng từ đây, sẽ là cơ sở để đề xuất đội ngũ… cán bộ nguồn, bổ nhiệm cán bộ, nâng hạng giáo viên…

Giáo viên làm thêm đủ thứ để kiếm sống, thế nhưng làm việc mình không muốn làm như mua bán giáo án, đề kiểm tra, học hộ… chắc cả người mua, kẻ bán cũng đau lòng lắm?

Thị trường mùa mua, bán sáng kiến kinh nghiệm… lại vào mùa

Cứ vào dịp tháng 10, 11, các cơ sở giáo dục bắt đầu vào dịp hội giảng mừng ngày 20/11; cũng qua đó xác định “nhân tài” đưa đi đấu trường cấp huyện, cấp tỉnh.

Vì thế, đây cũng là dịp “làm ăn”, bán sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp giáo dục để tham gia thi giáo viên dạy giỏi.

Đến hẹn lại lên, quảng cáo mua bán sáng kiến kinh nghiệm lại công khai trên mạng xã hội. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Đến hẹn lại lên, quảng cáo mua bán sáng kiến kinh nghiệm lại công khai trên mạng xã hội. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Người viết đã trao đổi với một số chủ tài khoản facebook rao bán sáng kiến kinh nghiệm, được biết, họ có “bản mềm” nguồn sáng kiến kinh nghiệm “vô tận”, đủ các môn học, lĩnh vực quản lý, cấp học; nhiều sáng kiến đã đạt giải huyện, giải cấp tỉnh và đã qua vòng gửi xe cấp cao hơn…

Có người còn thừa nhận, nguồn của họ “chính thống” được lấy từ các cuộc thi sáng kiến kinh nghiệm; đảm bảo chính xác về mặt học thuật, đúng theo mẫu hướng dẫn làm sáng kiến kinh nghiệm mới nhất.

Trao đổi thêm, có người còn “bật mí” giáo viên các môn dạy thêm được là hay mua nhất; có người còn khoe “họ bảo giá đó chưa bằng một buổi dạy thêm, nên ok liền, chứ đâu phải hỏi lắm như thầy”.

Giá cả cũng trên trời, dưới đất, thường dao động từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng cho 1 sáng kiến, với những đề tài đặt hàng hoặc chưa có sẵn, phải nhờ “chuyên gia” viết, giá có thể vài triệu.

Giá 1 sáng kiến, giải pháp từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Giá 1 sáng kiến, giải pháp từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Làm sao để ngăn chặn mua bán sáng kiến kinh nghiệm?

Có nhiều ý kiến đề xuất bỏ quy định phải có sáng kiến kinh nghiệm trong xét thi đua của giáo viên, để dẹp “thị trường” mua bán sáng kiến kinh nghiệm xấu xí này.

Ý kiến đó hay nhưng không thực thi được. “Sáng kiến kinh nghiệm” đã có quy định trong Luật Thi đua, khen thưởng; không thể vì nạn mua bán sáng kiến kinh nghiệm của ngành giáo dục mà bỏ. Thực tế, chỉ có ngành giáo dục mới có “thị trường” này.

Thứ đến, sáng kiến kinh nghiệm là giải pháp nâng cao năng suất, hiệu quả lao động; muốn kinh tế xã hội phát triển, phải có sáng kiến kinh nghiệm.

Phương án, phát hiện sáng kiến kinh nghiệm sao chép, không xét thi đua cho giáo viên đã được một số Sở giáo dục áp dụng, như thành phố Hồ Chí Minh…

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã phát hiện, không công nhận 08 sáng kiến kinh nghiệm sao chép trong đợt chấm sáng kiến giáo dục năm học 2020- 2021; không xem xét đề nghị thi đua, khen thưởng đối với các tác giả, đồng tác giả sao chép sáng kiến trong năm học tiếp theo.[1]

Việc phát hiện gian dối trong sáng kiến kinh nghiệm chủ yếu do người chấm gặp “bạn thân” mới phát hiện ra, nên không thể phát hiện hết những sáng kiến sao chép khác.

Để giải quyết vấn đề này, cần công khai minh bạch nội dung sáng kiến, kết quả thực hiện trên trang thông tin điện tử của đơn vị áp dụng, tổ chức chấm sáng kiến kinh nghiệm.

Tất cả các sáng kiến kinh nghiệm của ngành giáo dục đồng loạt được đăng tải trên cổng thông tin điện tử các cơ sở giáo dục, các Phòng Giáo dục, các Sở Giáo dục, sẽ là dữ liệu để ban tổ chức dùng phần mềm kiểm tra đạo văn.

Trước khi chấm sáng kiến kinh nghiệm, ban tổ chức phải sử dụng “phần mềm kiểm tra đạo văn” từng sáng kiến kinh nghiệm tham gia dự thi.

Phát hiện sáng kiến kinh nghiệm tham gia dự thi đạo văn là loại bỏ, không chấm. Làm như thế mới đảm bảo phát hiện hết được các sáng kiến sao chép.

Không xem xét đề nghị thi đua, khen thưởng đối với các tác giả, đồng tác giả sao chép sáng kiến trong 5 năm học tiếp theo; xử lý kỷ luật ở mức cảnh cáo; công khai danh tính cho xã hội biết.

Có công cụ, công nghệ, phát hiện nạn đạo văn, sao chép sáng kiến; xử lý vi phạm nghiêm minh; chắc chắn những giáo viên “cơ hội” muốn đi lên bằng “sáng kiến kinh nghiệm” sẽ không dám mạo hiểm.

Có như thế, mới ngăn chặn, dẹp bỏ được chợ sáng kiến kinh nghiệm; những giáo viên chân chính có sáng kiến do chính bản thân sáng chế mới vinh dự, tự hào.

Dẹp được chợ sáng kiến kinh nghiệm cũng là bước đầu chọn ra những giáo viên có năng lực; loại bỏ được những kẻ cơ hội, muốn leo cao, luồn sâu bằng sáng kiến kinh nghiệm mua bán trên mạng.

Những người nhờ mua bán sáng kiến trên mạng, tiến thân bằng giả dối, sẽ gieo giả dối vào giáo dục.

Làm trong sáng, lành mạnh sáng kiến kinh nghiệm là góp phần làm trong sạch đội ngũ quản lý giáo dục, bước đầu tiên nâng cao chất lượng lãnh đạo ngành giáo dục; là cơ sở để có nền giáo dục dạy thật, học thật, thi thật, không dối trá.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ninh-binh-khong-xem-xet-thi-dua-khen-thuong-voi-tac-gia-sao-chep-sang-kien-giao-duc-cC2xhTvnR.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai